Câu chuyện cải lương: Thật và đẹp
'Suốt phần lớn thời gian của thế kỷ 20, cải lương là hình thức giải trí chiếm ưu thế ở miền Nam Việt Nam. Kết hợp âm nhạc, bài bản, kịch nghệ và diễn xuất, cải lương kể những câu chuyện lịch sử, huyền thoại, hài kịch, kinh nghiệm xã hội cũng như kinh nghiệm cá nhân. Cải lương là một hình thức văn hóa độc đáo mà nghệ sĩ Năm Châu từng nói: Thật và đẹp'.
Đó là chia sẻ về cải lương Việt Nam trong cuốn sách Câu chuyện cải lương: Thật và đẹp do nhà nghiên cứu lịch sử, GS.Hugo Frey và giảng viên Suzanne Joinson của Trường đại học Chichester (Anh) thực hiện.
* Hành trình “đi tìm” cải lương
Cuốn sách Câu chuyện cải lương: Thật và đẹp nằm trong khuôn khổ dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh ấn hành vừa ra mắt và giới thiệu đến công chúng tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.Hồ Chí Minh). Sách với 2 phiên bản Anh - Việt, phần tiếng Việt do nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc (cố vấn dự án) biên tập.
GS.Hugo Frey cho biết, tháng 4-2019 Hội đồng Anh Việt Nam đã có 10 ngày làm việc tại TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai để ghi lại những kỷ niệm và hồi ức về nghệ thuật cải lương thông qua ngôn từ và hình ảnh. Việc ghi chép các tài liệu quan trọng này vừa là thách thức mà cũng là niềm vui.
“Chúng tôi thu thập những câu chuyện kể từ bốn thế hệ các nghệ sĩ cải lương. Người lớn tuổi nhất đã hơn 80 tuổi và người trẻ nhất cũng hơn 30 tuổi. Trong mỗi phiên phỏng vấn, chúng tôi lựa chọn những câu chuyện chính nhằm ghi lại những điều cốt yếu mà nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn và những người làm các việc khác hỗ trợ cải lương đã từng trải qua. Chúng tôi hy vọng, những ký ức của cải lương khi được trưng ra cùng nhau sẽ dệt nên tấm thảm thủ công thành một bức tranh” - GS.Hugo Frey chia sẻ.
Theo nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, mặc dù đợt nghiên cứu chỉ có 10 ngày nhưng các thành viên của dự án phải chuẩn bị trước cả tháng để tiếp xúc, liên lạc với những nhân vật gắn bó đời mình với cải lương, để đừng ai trách sao chuyện quan trọng vậy mà vắng tên tuổi này, ngôi sao nọ.
“Điều khiến chúng tôi nhớ và ấn tượng mãi là “sáng kiến” đưa đoàn nghiên cứu đi miền Đông. Thật ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy sự thật cải lương vẫn còn sức sống, khi chúng tôi được các nghệ sĩ trẻ ở Đồng Nai “chiêu đãi” nguyên tuồng và bốn trích đoạn. Những nghệ sĩ, diễn viên quen thuộc xuất hiện nhiều lần trên các phương tiện truyền thông đã góp chuyện với cải lương, họ đã bày tỏ một diện mạo mới rất gần gũi và chân tình” - nhà văn Minh Ngọc bày tỏ.
Nói như GS.Hugo Frey, nhiều lần ông được nghe rằng, cải lương là hình thức sân khấu sống động và có khả năng thích nghi. Cải lương không chỉ là một phần quá khứ của Việt Nam mà còn là thể nghiệm của hiện tại và tương lai. Mỗi lần được xem cải lương ông lại phát hiện những điểm mới và hình ảnh khác của Việt Nam ngoài những khuôn mẫu thông thường.
GS.Hugo Frey cũng cho rằng, cải lương là thế giới của những người xuôi theo các dòng sông để đến hát hết nơi này đến nơi khác, của những sân khấu chật kín người vào thời hoàng kim thập niên 1960-1980, của những hy sinh cá nhân vì nghệ thuật và nhiều câu chuyện khác nữa…
* Những câu chuyện thật và đẹp
Câu chuyện cải lương: Thật và đẹp là những chia sẻ của 24 nhân vật gồm: các nghệ sĩ, người làm sân khấu, nghệ nhân phục trang, nhà sưu tầm... có nhiều đóng góp, cảm nhận được giá trị của bộ môn nghệ thuật cải lương Nam bộ.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh kể rằng, tuy ông không xuất thân từ gia đình cải lương nhưng người miền Nam nào cũng lớn lên với giai điệu của bài vọng cổ, các câu hò, điệu lý dân gian vào từng gia đình. Từ một đứa nhỏ từng leo hay chui rào coi hát “cọp” rồi thành đam mê khi trưởng thành, ông dốc hết sức mình để vừa học vừa làm, vừa dựng vừa truyền những gì học được cho nghệ thuật đặc biệt xuất phát từ vùng Nam bộ này.
Giám đốc chương trình nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo Nguyễn Phương Thảo (Hội đồng Anh Việt Nam) cho biết: “Di sản kết nối là dự án trong khuôn khổ chương trình Văn hóa và phát triển do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam. Dự án kéo dài trong hai năm, thực hiện với các di sản nhạc và phim, đặc biệt là các giá trị ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một. Dự án nhằm mang đến cách tiếp cận di sản sáng tạo, cho phép các cộng đồng trực tiếp đóng góp và hưởng lợi từ việc bảo vệ và chia sẻ di sản văn hóa”.
Nhắc đến “đời sống” sân khấu cải lương, NSND Trần Ngọc Giàu chùng giọng: “Ngày nay, khán giả có quá nhiều lựa chọn giải trí nên cải lương càng khó khăn hơn. Nhiều đoàn chọn biểu diễn trích đoạn nhỏ, lồng trong các chương trình, sự kiện có tính thương mại hay tạp kỹ khác, không đủ sức làm nguyên vở dù Nhà nước cũng muốn phục hồi cải lương. Cả nước chỉ có Sài Gòn mới có đời sống sân khấu, còn các tỉnh không có”.
Theo NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, phụ nữ làm nghệ thuật, có những lúc phải vượt lên chính mình vì công việc gia đình và xã hội. NSƯT Quế Anh luôn nhìn lên các tác giả tiền bối như thầy Năm Châu, xem các vở hát, các nhân vật của họ để làm động lực. Bên cạnh việc bảo tồn những tác phẩm kinh điển, chị chỉ mong có nhiều tác phẩm khai thác được tính thời đại để thu hút được nhiều người trẻ đến với sân khấu cải lương.
“Dĩ nhiên, tôi biết một trong những chức năng của nhà hát là phải đào tạo ngôi sao, nhưng chỉ mong khi rời sân khấu, họ đừng gây khó cho tập thể. Ước mơ của tôi là có một đội ngũ nghệ sĩ vừa vươn tới đỉnh cao nghệ thuật vừa có đạo đức làm nghề, không chỉ diễn để mưu sinh mà còn rèn luyện thêm nhiều kỹ năng khác, phải thấu hiểu cuộc sống quanh mình hơn” - NSƯT Quế Anh chia sẻ.
Với nhà nghiên cứu cải lương Lê Xuân Hiểu, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, định mệnh giúp cải lương chọn ông. Vừa học, vừa dạy, vừa hệ thống lại những tìm tòi thể nghiệm để phát triển và cải tiến việc truyền dạy cải lương. Ông sẵn sàng trao truyền cho những ai muốn học cải lương.
Ông Hiểu bộc bạch: “Tôi chừng này tuổi (75 tuổi), nhưng tôi tự tin đóng trẻ con được vì lúc đó tôi là nó. Nhiều người đóng hoạn quan cứ phô bày ra mà không hiểu tâm lý họ rất muốn giấu đi. Ta dạy tiếng nói sân khấu sai vì dạy nói như lồng tiếng. Đó thường là lời của tác giả, cẩn thận kẻo là tự hát ca ngợi mình. Khóc cười phải đủ xúc cảm. Muốn nước mắt chảy, đâu cần bít các lỗ khiếu, chừa hai khóe mắt mà chỉ cần gợi ký ức trào ra, khí trào lên, sẽ không kiềm được lệ…”.
Hiện tại, Câu chuyện cải lương: Thật và đẹp được in phóng to 24 nhân vật trong cuốn sách với 2 bản Anh - Việt, trưng bày tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) từ ngày 23-11 đến 8-12.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201911/cau-chuyen-cai-luong-that-va-dep-2975645/