Câu chuyện cảm động về chiến sĩ Biên phòng được cứu sống kỳ diệu
Đã hai tuần trôi qua kể từ khi thoát khỏi 'cửa tử', Binh nhất Nguyễn Văn Toại (sinh năm 2003, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang) vẫn không nguôi cảm giác bồi hồi, xúc động. Đối với chàng trai trẻ người dân tộc Tày này, các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái chính là những ân nhân cứu mạng sống của mình.
Ngồi trên giường bệnh ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Binh nhất Nguyễn Văn Toại nhoẻn miệng cười và kể cho chúng tôi nghe: “Ngày 25/8, em thấy trong người mệt mỏi, sốt cao. Sau đó, em được cán bộ quân y của đơn vị và các cán bộ chăm sóc, uống thuốc hạ sốt. Nhưng đến ngày thứ 3, cứ ăn vào em lại nôn ra hết và cảm thấy khó thở. Em được các anh ở đơn vị đưa đến trạm xá xã rồi lên bệnh viện huyện. Quá trình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến huyện đúng lúc trời mưa, đường sá bị sạt lở, không thể đi lại bằng xe, các anh ở đồn Biên phòng phải thay nhau cõng em trong 1 tiếng đồng hồ và còn động viên em cố gắng tỉnh táo”.
Nhớ lại khoảnh khắc đưa Binh nhất Nguyễn Văn Toại đi cấp cứu, Thượng tá Nguyễn Xuân Đồng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xín Cái cho biết, mặc dù được đơn vị chăm sóc, theo dõi từ khi bắt đầu xuất hiện tình trạng sốt, nhưng đến ngày 27/8, sức khỏe của Binh nhất Nguyễn Văn Toại vẫn chưa ổn định, biểu hiện tức ngực, khó thở ngày càng trở nặng, đơn vị đã quyết định đưa Binh nhất Toại lên trạm xá xã, sau đó là bệnh viện huyện. “Quãng đường lên bệnh viện huyện gặp nhiều khó khăn do sạt lở nhiều điểm, lúc đó, chúng tôi không suy nghĩ gì, chỉ nỗ lực hết sức có thể để đưa đồng chí Toại cấp cứu nhanh nhất vì chỉ chậm một giây, mạng sống của đồng chí Toại có thể bị đe dọa. Đồng thời, chúng tôi cũng đã báo cáo với thủ trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang để có phương án điều động xe cấp cứu chuyển đồng chí Toại lên cấp trung ương”.
Là người trực tiếp giám sát và tham gia cấp cứu cho Binh nhất Nguyễn Văn Toại, Thượng tá, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Việt Đức, Chủ nhiệm khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Đêm 27/8, tôi nhận được thông tin từ quân y BĐBP Hà Giang về trường hợp của Binh nhất Nguyễn Văn Toại. Sau khi xem thông số về điện tim và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, tôi và các bác sĩ trong khoa chẩn đoán lâm sàng đây là ca bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh và nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, khoa đề nghị cần chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu càng sớm càng tốt, đồng thời, đơn vị cần thông báo cho gia đình bệnh nhân về trường hợp xấu nhất có thể xảy ra”.
Đúng 23 giờ, ngày 27/8, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã điều xe của đơn vị đưa Binh nhất Nguyễn Văn Toại về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu, cùng đi có cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Xín Cái và người nhà của đồng chí Toại.
4 giờ sáng ngày 28/8, sau khi thăm khám, các bác sĩ khoa Hồi sức tim mạch xác định bệnh nhân bị viêm cơ tim, nguyên nhân do khả năng bệnh nhân bị sốt virus, dẫn đến ảnh hưởng cơ tim, làm giảm chức năng của tim gây rối loạn nhịp tim phức tạp. Ê-kíp y, bác sĩ đã lập tức tiến hành thực hiện phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (VA-ECMO) thức tỉnh - đây là chỉ định bắt buộc để cứu sống những bệnh nhân viêm cơ tim có các biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm và sốc tim. Quá trình sử dụng kỹ thuật tương đối thuận lợi, do ECMO thức tỉnh nên bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn trong và sau quá trình can thiệp, các triệu chứng lâm sàng giảm rõ rệt.
“Khi biết bệnh nhân đang trên đường cấp cứu, cả khoa đã kích hoạt tất cả hệ thống cấp cứu và máy ECMO để chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. ECMO là phương pháp điều trị tiên tiến, hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, là phương tiện cứu sống bệnh nhân khi mắc những căn bệnh còn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu như viêm cơ tim, viêm phổi... Tuy nhiên, ECMO là một biện pháp hỗ trợ cơ học xâm lấn với nhiều tai biến có thể xảy ra trong quá trình đưa các dụng cụ vào cơ thể cũng như trong quá trình chạy máy. May mắn là Binh nhất Nguyễn Văn Toại trước đó có sức khỏe tốt, trẻ tuổi, nên bệnh nhân đáp ứng tốt trong khi chạy máy ECMO. Việc quyết định triển khai ECMO thức tỉnh đối với Binh nhất Nguyễn Văn Toại đã giúp các bác sĩ phát hiện sớm biến chứng, đó là bệnh nhân bị tắc mạch chi. Ngay lúc can thiệp ECMO, các bác sĩ đã lấy cục máu đông trên chân trái của đồng chí Toại, nhờ đó, tránh được hậu quả bệnh nhân bị tê liệt chân sau này” - Thượng tá, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Việt Đức kể lại.
Binh nhất Nguyễn Văn Toại đã được cứu sống một cách kỳ diệu như thế. Chỉ sau 3 ngày can thiệp ECMO, Binh nhất Nguyễn Văn Toại đã hồi phục sức khỏe và rút ECMO. Qua 2 tuần, Binh nhất Nguyễn Văn Toại đã hồi phục sức khỏe đến 70% và ăn uống, đi lại bình thường.
Theo Thượng tá, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Việt Đức, quá trình cứu sống Binh nhất Nguyễn Văn Toại dựa vào nhiều yếu tố quan trọng: Bệnh nhân đã được Đồn Biên phòng Xín Cái và Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đưa đi cấp cứu kịp thời đúng thời điểm vàng; đồng thời, quân y BĐBP Hà Giang đã thông tin chính xác, liên hệ trực tiếp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về tình trạng của bệnh nhân.
Chăm sóc con trai trong viện, bà Phan Thị Thơm, mẹ Binh nhất Nguyễn Văn Toại nghẹn ngào nói: "Vợ chồng tôi làm ruộng, Toại là con trai thứ 2, trên nó là anh trai ở nhà làm cùng bố mẹ. Vừa tròn 20 tuổi, Toại đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, mong muốn được làm người lính Biên phòng. Tôi chỉ biết động viên con vào đơn vị nhận nhiệm vụ canh gác biên giới phải thực hiện nghiêm kỷ luật. Khi cấp trên giao nhiệm vụ nào cũng phải gắng hoàn thành cho tốt. Nghe tin con bị bệnh nặng, bác sĩ bảo gia đình chuẩn bị tinh thần với tình huống xấu nhất, tôi đã nghĩ không biết con có thể trở về với bố mẹ được nữa không. May sao, điều kỳ diệu vẫn đến với con, với gia đình tôi".
Giờ đây, khi được hỏi về điều mong muốn nhất sau khi sức khỏe đã hồi phục, Binh nhất Nguyễn Văn Toại kiên định trả lời: ”Em nhớ mọi người ở Đồn Biên phòng Xín Cái, em mong sớm được về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ. Em nghĩ khi được trở về đơn vị, nếu sức khỏe cho phép, em sẽ phấn đấu hết mình để được là quân nhân Biên phòng, cống hiến cả đời bảo vệ biên giới của Tổ quốc”.