Câu chuyện của tình người
Rạng sáng ngày 11.7, có 47 người Hrê ở huyện Ba Tơ vẫn chưa hết bàng hoàng, không hiểu vì sao mình lại có mặt ngay tại quê nhà chỉ sau một đêm phải đi qua chặng đường ngót 400 cây số từ Khánh Hòa về.
Đại tá Bùi Đại Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa - một người con của Quảng Ngãi, vẫn “khó tin” vì có đến 47 “đồng hương Quảng Ngãi” lại trôi dạt lên tận Suối Tân của Khánh Hòa để làm thuê. “Tôi nghe anh em họ báo là có 47 người Quảng Ngãi đang “mắc kẹt” ở Ninh Hòa cần xe đưa về nên tôi nói anh em giải quyết nhanh trường hợp này”. Ông nói thêm: “Xe của quân đội được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh trưng dụng vào việc chống dịch nên việc điều xe cũng không khó khăn gì. May mắn là bà con đã về tới quê nhà và bước đầu không ai bị dương tính với vi rút SARS-CoV-2”.
Vào Khánh Hòa bằng ô tô
Từ nhiều năm nay, huyện Ba Tơ như là cái “kho” lao động phổ thông nên đồng bào Hrê trong huyện hầu như có mặt khắp nơi, nhất là địa bàn Tây Nguyên. Họ rời quê từ những ngày hè vì lúc này ngoài quê không còn việc gì để làm và trở về khi mùa vụ bắt đầu. Cũng có số người đi Tây Nguyên hái cà phê, nhưng số người đi vào Suối Tân này là làm những việc liên quan đến chăm sóc, khai thác cây keo lai.
Đoàn người Hrê tạm tá túc tại xã Ninh Ích (TX.Ninh Hòa) trước khi được hỗ trợ xe về quê.
Anh Phạm Văn Đình, 47 tuổi được coi như “trưởng nhóm làm thuê” nói rằng, hôm tháng 5 vừa rồi, có ông Phạm Từ Đại ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên về Ba Tơ “tuyển mộ lao động”. Thế là 47 người này được đi theo “kênh” của ông Đình vào Khánh Hòa bằng ô tô do bên thuê lao động chịu. “Nghe bên phía tuyển lao động bảo vô đó cũng làm những việc như ngoài mình, chăm sóc cây keo, nhưng chủ yếu là khai thác keo khi đến tuổi, gồm chặt hạ và bóc vỏ cho lên xe. Mức ngày công được bên thuê hứa trả là 200.000đ/người/ngày. Mức này không phải cao, song có ngày công thường xuyên thì vẫn hơn là ngồi nhà không biết làm gì”, một người trong nhóm phân trần.
Vì sao phải đi bộ?
Xã Suối Tân, huyện Cam Lâm chưa phải là nơi quá xa xôi, song vì vùng này gần Khu thiên nhiên Hòn Bà của tỉnh Khánh Hòa - nơi có những dãy núi điệp trùng giáp với tỉnh Lâm Đồng. Tiểu khu 231 thuộc xã Suối Tân được các doanh nghiệp thuê đất trồng cây keo lai. Theo phản ảnh của nhóm người nói trên thì họ rời quê hôm tháng 5.2021, vào đây thu hoạch keo lai nhưng năm nay thời tiết thất thường. Mùa này ở vùng Suối Tân lại mưa thường xuyên, nên công việc bữa có bữa không. Vào hai tháng rồi nhưng mỗi người chỉ làm được 15 công, nghĩa là nếu trả tiền công thì cũng được 3 triệu đồng mỗi người, nên nhóm lao động gặp khó khăn. Ăn đã thiếu thốn, ở thì tạm bợ trong những căn lán giữa rừng.
Chính quyền TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) làm thủ tục test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người Hrê
Giữa lúc khó khăn như thế thì tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Khánh Hòa, mọi sự đi lại, giao thương đều dừng hết. Thấy tương lai mờ mịt, nhóm trưởng Phạm Văn Đình quyết định “hạ sơn” vào sáng ngày 9.7. Từ Suối Tân ra Quốc lộ 1 chưa được 20km, hy vọng đón được xe đò Bắc - Nam. Tuy nhiên, các tuyến xe khách trên QL1 hầu như không hoạt động nữa. Đứng hàng giờ mà chẳng thấy xe cộ gì, cả nhóm quyết định… đi bộ! Khi được hỏi “các anh có biết từ đây về nhà mình bao nhiêu cây số không?”, anh trưởng nhóm nói “nghe đâu 400 cây”! Lại hỏi “sao đi cho nổi?”. “Cứ đi đến đâu hay đến đó thôi. Đói thì xin ăn, khát thì xin uống. Chắc người dân ven đường không nỡ bỏ chúng tôi đói đâu”, anh ta khẳng định.
Hỏi vì sao không báo với chính quyền hoặc chủ thuê lao động để được giải quyết? Cả nhóm đều cho rằng chủ thuê hầu như “mất liên lạc”, nhóm này rời chỗ làm với hy vọng bắt được xe đò nên không cần phải báo chính quyền. Vả lại họ cũng chẳng biết báo về đâu và báo cho ai giữa núi rừng trùng điệp ấy.
Hành trình gian nan
Đến bây giờ, đoàn người cũng không nhớ mình đã ngủ qua đêm thuộc địa phận nào của tỉnh Khánh Hòa, chỉ biết rằng có ghé một quán ăn ven đường nhưng họ đóng cửa và mua tạm bánh mì ăn lót dạ. Đến khoảng quá trưa ngày 10.7, đoàn người đi ngang qua địa bàn xã Ninh Ích của thị xã Ninh Hòa. Tại đây có một tổ trực kiểm dịch Covid-19. Thấy đoàn người tay xách nách mang, khuôn mặt hơi khác lạ nên mấy anh công an chốt tại đây đến hỏi sự tình. Đến lúc này thì lực lượng kiểm tra ở chốt gác mới biết 47 người này là dân tộc Hrê thuộc huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Tính từ Suối Tân ra đến Ninh Ích, đoàn người đã đi được 50km.
Lực lượng phòng dịch TX.Ninh Hòa kiểm tra dịch tễ trước khi xe lăn bánh.
Vụ việc được cấp báo ngày cho lãnh đạo thị xã Ninh Hòa. Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa - ông Nguyễn Vĩnh Thạnh báo cáo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Khánh Hòa. Một quyết định nhanh chóng được đưa ra: Tỉnh sẽ hỗ trợ hai ô tô để chở số người này về quê. Biết là những người đồng hương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa, Đại tá Bùi Đại Thắng đã “quyết định ngay” trong đêm 10.7, điều hai ô tô của Tỉnh đội đưa người về. Hơn 9 giờ tối, hai xe lăn bánh rời thị xã Ninh Hòa trong niềm vui khôn xiết của 47 người Hrê.
“Chúng tôi đã hỗ trợ một ít lương thực cùng nước uống đồng thời xét nghiệm nhanh cho cả nhóm. Rất may là không một ai dương tính. Có lẽ suốt trong mấy tháng qua họ sống biệt lập trong rừng nên cũng khó bị lây nhiễm”, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh nói.
Trước khi đoàn người lên xe, chính quyền địa phương ở Khánh Hòa đã báo cáo tình hình về nhóm người này cho lãnh đạo huyện Ba Tơ. Chính quyền huyện Ba Tơ đã chuẩn bị chu đáo để đón công dân của mình. Đúng 5g sáng 11.7, tất cả 47 người Hrê đã về đến nhà. “Phải tiếp tục cách ly số người này theo quy định dù họ được xét nghiệm âm tính”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết.
Một cuộc hành trình đầy vất vả nhưng nhóm người đã nhận được sự cưu mang, đùm bọc của những người đồng hương và chính quyền tỉnh Khánh Hòa. Đó cũng là điều may mắn cho họ.