Câu chuyện đảo quốc bị nước biển nhấn chìm – Bài 2: Sẽ chỉ còn trên thế giới ảo?
Nhiều người trẻ đang phân vân về việc ở hay rời Tuvalu, trong bối cảnh chính phủ nước này đã lên một số phương án di dời, định cư trước nguy cơ nước biển dâng cao.
Trước nguy cơ nước biển dâng có thể nhấn chìm nhiều diện tích đất tại Tuvalu, chính phủ nước này đã lên nhiều kế hoạch nhằm giúp người dân ứng phó tình trạng này.
Vào tháng 11-2023, Tuvalu và Úc đã ký Hiệp ước Liên minh Falepili nhằm tạo điều kiện cấp 280 thị thực dài hạn hàng năm cho người Tuvalu. Đây được coi là “con đường di chuyển đặc biệt của con người” cho các cá nhân và gia đình Tuvalu sống, làm việc và học tập tại Úc, theo đài CNA.
Bộ trưởng Ngoại giao, Lao động và Thương mại Tuvalu – ông Paulson Panapa cho biết đối với một quốc gia có tổng dân số khoảng 12.000 người, việc 280 người có thị thực dài hạn mỗi năm đến Úc là một “con số lớn”.
“Đây là những cơ hội quan trọng cho mọi người. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào người dân. Việc họ muốn đến và sống ở Úc là tùy thuộc vào mỗi người. Nhưng tôi nghĩ với tư cách là một chính phủ, nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp những con đường để người dân có thể bắt đầu cuộc sống mới ở Úc. Điều đó không có nghĩa là ở đây không tốt, nhưng cơ hội việc làm rất khó khăn” – ông Panapa nói.
Đây được xem là một ví dụ về tị nạn khí hậu – một lĩnh vực nhận được sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu.
Quyết định khó khăn
Trong khi đó, giới trẻ Tuvalu hiện rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đang được yêu cầu lựa chọn quyết định giữa việc tiếp tục ở lại quê hương hoặc rời bỏ quốc gia này.
Giống như nhiều đồng nghiệp khác, nhiếp ảnh gia 25 tuổi Gitty Yee hiểu rõ đất nước cô có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm. Trong bối cảnh đó, nhiều người bạn của cô Yee đã sẵn sàng chuyển đến quốc gia khác để có cơ hội học tập và làm việc tốt hơn.
“Tôi nghĩ rằng hầu hết bạn bè của tôi đang có ý định rời Tuvalu, họ chỉ muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi không nghĩ họ nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho họ ở Tuvalu. Nhưng lớn lên ở Tuvalu, nơi này giống như nhà vậy. Vì vậy, theo quan điểm của riêng tôi, tôi sẽ không muốn rời đi mặc dù chúng tôi đã được nghe rất nhiều điều về Tuvalu, rằng nó sẽ chìm dưới nước” – cô Yee nói.
Đối với cô Yee, chiếc máy ảnh của cô đã trở thành công cụ ghi lại tinh thần quê hương. Cô hy vọng công việc của cô có thể cho thế giới thấy rằng những người bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng chưa muốn bị coi là nạn nhân.
“Tuvalu còn có rất nhiều điều hay, hơn là chỉ có biến đổi khí hậu và dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Chúng tôi có truyền thống và văn hóa, có cách sống của chúng tôi và có thức ăn địa phương của chúng tôi. Chúng tôi có những cảnh quan tuyệt đẹp và đặc biệt là có cảnh hoàng hôn” – cô Yee nói.
Tuvalu hiện có dự án L-TAP hay “Te Lafiga o Tuvalu” (Nơi trú ẩn của Tuvalu), rộng 7 ha và có chi phí đầu tư hàng triệu USD. Khoản chi phí này chủ yếu được Quỹ Khí hậu Xanh của Liên Hợp Quốc tài trợ.
Trong tương lai, người dân ở các khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng sẽ được bố trí tái định cư tại đây. Dự án cũng bao gồm các kế hoạch cải thiện khả năng tiếp cận nước uống, nguồn năng lượng tái tạo, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng chống bão.
Việc L-TAP có thể thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào việc huy động nguồn đầu tư. Chi phí ước tính của L-TAP là hơn 1 tỉ USD, trong khi GDP của Tuvalu năm 2022 chỉ là 60 triệu USD.
“Tôi hiểu đây là một công việc rất tốn kém. Nhưng chúng tôi có thể làm gì khác? Đó là vấn đề sống còn đối với chúng tôi” – ông Talia nói.
Trong lúc này, nhiều người trẻ ở Tuvalu đã bắt đầu hành động. Họ lập ra tổ chức môi trường do thanh niên lãnh đạo, nâng cao hiểu biết của người dân địa phương về các cơ chế tài chính khí hậu, cũng như cách thức và cơ hội tiếp cận chúng.
“Chúng tôi đang hợp tác và làm việc tập thể để đảm bảo rằng chúng tôi sẽ sống sót và không bị chết đuối. Thế giới hoàn toàn nhận thức được rằng chúng tôi bị ảnh hưởng. Chúng tôi đang nói về cuộc sống, chúng tôi đang nói về trẻ em, chúng tôi đang nói về những người dễ bị tổn thương nhất đang phải đối mặt với hậu quả từ hành động của người khác” – anh Talua Nivaga, nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi tại Tuvalu, cho biết.
Ngoài Tuvalu, hàng trăm triệu người phải đối mặt mối đe dọa tương tự từ nước biển dâng trong những thập niên tới. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm 2021 cho thấy hơn 200 triệu người có khả năng di cư từ nay đến năm 2050 do tác động của biến đổi khí hậu.
Tái dựng Tuvalu
Ngoài quan tâm đến vấn đề di cư, chính phủ Tuvalu cũng nghiên cứu những giải pháp để lưu giữ những địa danh và đặc điểm của quốc gia này.
Năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ – ông Simon Kofe đề xuất sử dụng phương pháp kỹ thuật số để tái dựng Tuvalu trên không gian ảo. Theo đó, chính phủ có kế hoạch tạo ra bản sao của Tuvalu trên vũ trụ ảo (metaverse), nhằm mục đích bảo tồn văn hóa, di sản và các rạn san hô của Tuvalu.
“Tuvalu có thể là quốc gia đầu tiên trên thế giới chỉ tồn tại trong không gian mạng, nhưng nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục không được kiểm soát thì đây sẽ không phải là quốc gia cuối cùng” – ông Kofe nói.
Mặc dù kế hoạch này chưa tiến triển nhiều kể từ đó nhưng nó này đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt. Những tranh luận này liên quan về những giới hạn, chi phí của công nghệ, cũng như giá trị của việc bảo tồn văn hóa trong thế giới ảo.
“Có một số giá trị và độ tin cậy đối với (ý tưởng) đó. [Nhưng] việc bảo vệ bờ biển của chúng tôi và nâng cao vùng đất chúng tôi sống là điều khả thi nhất chúng tôi có thể làm và tham gia”, theo Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Tuvalu – ông Maina Talia.
Đối với ông Richard Gorkrun, giám đốc điều hành của Mạng lưới hành động về khí hậu Tuvalu, việc tập trung vào vũ trụ ảo đồng nghĩa với việc từ bỏ thế giới vật chất.
“Chúng tôi biết có một số khía cạnh có thể có lợi cho việc bảo tồn văn hóa của chúng tôi và diện mạo của cảnh quan hiện tại trong thế giới kỹ thuật số. Nhưng điều đó không thực sự nắm bắt được đầy đủ bản chất của lối sống văn hóa Tuvalu, vốn gắn liền với vùng đất vật chất mà chúng tôi đang sống. Nó hoàn toàn giống như chúng ta đang từ bỏ sự phát triển và cuộc chiến để duy trì đất nước của mình” – ông Gorkrun nói.
Tuvalu là một quốc gia có truyền thống sâu sắc và có niềm tin vững chắc vào tôn giáo của họ.
Đối với ông Kalisi Sogibalu – cư dân 66 tuổi của Tuvalu, sự xói mòn của các giá trị, ngôn ngữ và phong tục là điều khiến ông luôn trăn trở.
“Chúng tôi có thể là những người tị nạn đầu tiên ở một nơi nào khác, ở các nước lớn. Nhưng chúng ta hãy hy vọng điều đó không xảy ra. Vấn đề là liệu một quốc gia khác có chấp nhận văn hóa của chúng tôi hay không. Nhưng chúng tôi sẽ mang nó theo mình, vì chúng tôi đã sinh ra và lớn lên ở nơi đây” – ông nói.
Thỏa thuận cho tương lai
Giám đốc khí hậu tại Dự án Hỗ trợ Người tị nạn Quốc tế – bà Ama Francis cho rằng chính phủ các quốc gia có lượng phát thải cao có trách nhiệm và nghĩa vụ về mặt đạo đức trong việc cung cấp hỗ trợ di cư cho những người bị khí hậu biến đổi khí hậu. Theo bà Francis, lượng khí thải lịch sử của các nước này là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng tị nạn khí hậu.
Úc là nước phát thải cao thứ 14 trên thế giới, đóng góp hơn 1% lượng khí thải toàn cầu.
Theo CNA, thỏa thuận giữa Úc và Tuvalu cho thấy rằng các chính phủ đang bắt đầu nhận ra rằng giải quyết vấn đề di cư là một phần quan trọng trong phản ứng của chúng ta đối với biến đổi khí hậu. Những thỏa thuận chủ động như thế này rất quan trọng vì việc lập kế hoạch di cư sẽ mang lại kết quả tốt hơn nhiều.
Tại COP28 ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) vào năm 2023, các đại biểu đã nhất trí chính thức thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc góp số tiền cần thiết vào quỹ này và sau đó phân phối tiền một cách kịp thời vẫn chưa được lên kế hoạch cụ thể.