Câu chuyện kể trong tiệm cắt tóc Trung đội Vệ binh
Với việc 'mở tiệm cắt tóc' trong đơn vị, những người chiến sĩ thuộc Trung đội Vệ binh (Văn phòng Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng) đã tự tạo niềm vui cho mình vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Nơi đây cũng 'ươm mầm' những câu chuyện tô đẹp phẩm chất cao đẹp người lính Cụ Hồ, người chiến sĩ quân hàm xanh nơi phố biển.
Câu chuyện được bắt đầu trong một lần Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng ghé thăm nơi ở của các chiến sĩ Trung đội Vệ binh thì thấy Binh nhất Trương Văn Quốc và Trần Viết Hùng đang cắt tóc cho mọi người. Hỏi ra mới biết, cả hai đã học nghề cắt tóc, sau khi nhập ngũ không những mai một mà tay nghề ngày càng được nâng lên khi ngày nghỉ, giờ nghỉ có hàng chục “mẫu thực hành”. Đại tá Đỗ Văn Đông rất ưng ý với kiểu tóc mà Binh nhất Trương Văn Quốc cắt cho mình nên quyết định tặng 1 chiếc tông đơ, 1 chiếc ghế (trị giá 2 triệu đồng) để những người lính trẻ... mở tiệm.
Đại tá Đỗ Văn Đông chia sẻ: “Việc để các chiến sĩ mở tiệm cắt tóc có nhiều cái lợi. Các cháu được rèn luyện tay nghề, sau khi xuất ngũ vẫn có thể tiếp tục đi làm. Các cháu cũng có thể dạy nhau cắt tóc, từ đó tăng thêm tình đoàn kết”. Sự quan tâm của người chỉ huy khiến những người lính trẻ phấn khởi. Khoảnh khắc ấy không còn khoảng cách giữa cấp trên và cấp dưới mà là tình thân.
Trong tiệm cắt tóc của Trung đội Vệ binh không chỉ có kéo, tông đơ và còn có rất nhiều câu chuyện đầy chất lính khác. Binh nhất Trương Văn Quốc không chỉ được biết đến là tay kéo lành nghề, mà còn được nhắc đến là người chiến sĩ có tấm lòng trung thực. Chiều ngày 27/9/2023, trong lúc tổng dọn vệ sinh, Binh nhất Trương Văn Quốc nhặt được một điện thoại di động hiệu Samsung trị giá hơn 10 triệu đồng trên đường Lý Thường Kiệt (phường Thạch Thang, quận Hải Châu). Binh nhất Trương Văn Quốc đã báo cáo sự việc với chỉ huy đơn vị để tìm chủ sở hữu. Sau khi xác minh, tìm được chủ nhân của chiếc điện thoại là ông Trần Minh Tuấn (trú tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), Quốc đã trao trả lại chiếc điện thoại. Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã tặng Giấy khen cho Binh nhất Trương Văn Quốc vì hành động đẹp nhặt được của rơi, trả người đánh mất.
Trong số chiến sĩ của Trung đội Vệ binh, duy nhất có Binh nhất Trần Viết Hùng nhập ngũ tháng 2/2022. Điều đó có nghĩa là thời gian tại ngũ của Hùng không còn nhiều, bởi vậy mà chàng lính trẻ đang tận dụng tối đa để lưu lại những khoảnh khắc, kỉ niệm trong quân ngũ. Cuộc sống tình thương mến thương với đồng chí, đồng đội, giữa người chỉ huy với người chiến sĩ sẽ là những kỉ niệm không bao giờ quên.
Binh nhất Trần Viết Hùng sinh ra trong một gia đình có cha làm thợ xây, mẹ là thợ may ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Là con đầu, dưới còn em trai nhỏ, hết lớp 10, Hùng xin cha mẹ đi học cắt tóc. Nhờ khéo tay, lại chăm chỉ nên Hùng nhanh chóng trở thành thợ chính của cửa tiệm. Cuối năm 2021, Trần Viết Hùng nhận được giấy gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, nhiều người nói ra nói vào, có người còn bày cách... trốn, thế nhưng, Hùng lại nghĩ: “Môi trường quân đội sẽ giúp mình trưởng thành hơn. Đi sớm, về sớm để bắt đầu tương lai sớm”. Chàng thanh niên Trần Viết Hùng đã bước chân vào quân ngũ với tâm thế như vậy.
Năm đó, Trần Viết Hùng huấn luyện tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Quảng Bình. “Ngôi nhà chung” với mấy trăm con người - những chàng trai tuổi mười chín, đôi mươi từ trên rừng, dưới biển tụ họp về đây. Mọi sinh hoạt, huấn luyện... đều theo kẻng, gần như không còn chút riêng tư, nhưng Hùng lại thích thú với cuộc sống tập thể trong quân ngũ. Từ chỗ xa lạ rồi quen thân, mọi người gắn kết với nhau, giúp đỡ nhau và nghĩ cho nhau nhiều hơn. Bởi vậy, khi đồng chí trung đội trưởng hỏi ai biết cắt tóc, Trần Viết Hùng đã nhanh nhẹn xung phong. Sau giờ huấn luyện, mọi người tập trung chơi thể thao thì Hùng lại mang đồ nghề ra cắt tóc cho đồng đội. Việc huấn luyện rất vất vả, ai cũng muốn cắt tóc gọn gàng nên ngày thứ 7, chủ nhật, Hùng không ngơi tay. “Biết thế, vào bộ đội, em mới học cắt tóc vì có rất nhiều mẫu để thực hành” - Binh nhất Trần Viết Hùng cười vui.
Có lẽ, không ít người nghĩ, cuộc sống chỉ quẩn quanh với gác và gác, chắc là “tẻ nhạt" lắm. Thế nhưng, với những gì đã và đang diễn ra, cuộc sống của những chàng lính trẻ lại đầy những điều thú vị. Trần Viết Hùng kể rằng, mình đã rất vui khi biết Đoàn Thanh niên BĐBP thành phố Đà Nẵng duy trì Tổ "Tay kéo Biên phòng" để cắt tóc miễn phí cho người già và trẻ em. Vậy nên, khi Đại úy Mai Thanh Tài, Trợ lý quần chúng hỏi, Hùng đã không cần suy nghĩ nhiều mà đồng ý tham gia. Lần đầu đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khó khăn (tên gọi khác là Làng Hi vọng), nhìn những em mồ côi, có em bị khuyết tật, Hùng thấy thương lắm, cố gắng cắt thật đẹp để các em vui. Lần thứ 2, Tổ "Tay kéo Biên phòng" của Hùng đến Trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng của thành phố Đà Nẵng. Chàng lính trẻ cảm thấy hạnh phúc vì được cắt tóc cho những vị lão thành cách mạng, nhất là khi các cụ cứ nắm tay mình thật chặt, Hùng hiểu rằng, các cụ đang nhớ về tuổi thanh xuân của mình.
Một niềm vui khác của những chiến sĩ trẻ trong Trung đội Vệ binh, đó là tham gia các đợt hiến máu tình nguyện do Thành đoàn Đà Nẵng phát động. “Giọt máu trao đi, cuộc đời ở lại”, người chiến sĩ trẻ thấy cuộc sống càng trở nên ý nghĩa khi được làm việc thiết thực. Mỗi lần đi hiến máu, ai cũng vui vì ở đó được giao lưu, kết bạn với những bạn trẻ sôi nổi, tích cực làm việc thiện nguyện. Cậu bé Phan Minh (học sinh lớp ¾, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con của cán bộ đang công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng) là “khách ruột” của tiệm cắt tóc Trung đội Vệ binh. Hình ảnh những anh bộ đội nghiêm trang trong bộ quân phục, súng khoác trên vai trong đôi mắt trẻ thơ là đẹp nhất. Vì yêu mến, nên Phan Minh bắt quen, nói chuyện và trở nên thân thiết với các anh. Đối với cậu bé, những việc làm của các anh chiến sĩ thật đáng ngưỡng mộ. Trong bài tập được giao viết về hành động của người thân, Phan Minh đã viết: “Tuần trước, anh Lộc đã tham gia hiến máu nhân đạo. Anh tôi nói, anh rất vui vì đã tham gia hiến máu cứu người. Mặc dù anh rất hay trêu tôi khiến tôi rất sợ nhưng tôi vẫn rất yêu quý anh”. Trong mắt của cậu học sinh nhỏ này, thì việc làm của “anh tôi” rất tuyệt vời nên sẵn sàng “bỏ qua lỗi của anh” để rồi yêu quý anh hơn.
Cứ như thế, cuộc sống quân ngũ đầy ắp những yêu thương của những người lính trẻ với những câu chuyện đẹp đẽ, sẽ không có gì phải hối tiếc và có quyền ngẩng cao đầu tự hào về những tháng năm thanh xuân ý nghĩa của mình.