Câu chuyện làng nghề
Phát triển kinh tế làng nghề đã và đang góp phần quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Bên cạnh việc giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, làng nghề còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn. Với 5.400 làng nghề trên cả nước hiện nay, có thể khẳng định, đây là một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế nước nhà. Nhưng, một vấn đề nổi lên chính lại là sự ô nhiễm của không ít làng nghề.
Các làng nghề hiện nay tập trung sản xuất các lĩnh vực chủ yếu như: Thủ công mỹ nghệ; chế biến lương thực, thực phẩm; chăn nuôi, giết mổ; dệt nhuộm, thuộc da; vật liệu xây dựng; tái chế phế liệu... Số liệu thống kê cho biết, hoạt động sản xuất tại các làng nghề hiện thu hút hơn 11 triệu lao động tại chỗ, chiếm khoảng 30% lực lượng lao động ở nông thôn. Như vậy, có thể thấy, vai trò của các làng nghề trong việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội là không hề nhỏ.
Song, bên cạnh những giá trị và hiệu quả kinh tế mang lại, hoạt động của các làng nghề đang bộc lộ những bất cập liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Chỉ nói riêng tại thủ đô Hà Nội với hơn 40 làng nghề hoạt động hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên trầm trọng, nhiều nơi ở mức “báo động đỏ”.
Đơn cử, làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông) nổi tiếng từ rất lâu với thương hiệu “lụa Vạn Phúc”. Tuy nhiên, càng ngày tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên đáng lo ngại. Do các hộ dân làm dệt nhuộm hàng ngày thải ra nước thải có hàm lượng cặn lớn, song hầu hết lại không được thu gom xử lý mà xả thẳng vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và các nguồn nước mặt, nước ngầm tại các địa phương.
Cách làng lụa không xa là làng nghề rèn Đa Sỹ. Khác với làng lụa Vạn Phúc, người dân ở Đa Sỹ khổ sở vì ô nhiễm tiếng ồn. Theo đó, làng nghề này chỉ có diện tích khoảng 30 ha nhưng lại có đến gần 900 lò rèn nên mức độ ô nhiễm tiếng ồn càng trầm trọng.
Dường như tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đã trở thành “thương hiệu” riêng của các địa phương. Bất cứ địa phương nào có nhiều làng nghề, nơi đó lại đối diện với bài toán khó về môi trường. Cách Hà Nội khoảng 70 cây số, Nam Định nổi tiếng với làng nghề sơn mài, sản xuất mây tre đan xuất khẩu Yên Tiến (Ý Yên). Nơi đây có khoảng 3.000 hộ dân tham gia sản xuất lĩnh vực này. Không phủ nhận, thời gian qua, các sản phẩm sơn mài, tre, nứa được bàn tay của các nghệ nhân chế tác khéo léo, tinh xảo đã được thị trường cả trong và ngoài nước đón nhận, góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên, cũng như các làng nghề khác, sản phẩm mây tre của người dân Yên Tiến đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên các dòng sông hoặc các kênh, mương dẫn nước. Nguyên do là người dân sản xuất chủ yếu dưới hình thức thủ công, nhận làm khoán sản phẩm gia công cho các DN xuất khẩu trên địa bàn, do đó còn nhiều hạn chế về ý thức bảo vệ môi trường. Việc người dân ngâm tre, nứa trước khi đưa vào sản xuất đang “bức tử” các dòng sông, kênh mương dẫn nước nơi đây.
Một kết quả khảo sát mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, có đến 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng đối với không khí, nước, đất hoặc cả 3 dạng trên và có đến 27% số làng nghề bị ô nhiễm dạng vừa.
Nếu không có những hành động cụ thể và thích hợp trong bảo vệ môi trường, chính những hoạt động của làng nghề sẽ là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển mạnh mẽ của nó.
Chính phủ đã ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP, gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP). Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ.
Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Có thể thấy, các sản phẩm tham gia Chương trình này hầu hết đều là những sản phẩm gắn với các làng nghề của Việt Nam như thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí… Chương trình mỗi xã một sản phẩm được đánh giá là sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý… Tuy nhiên, nếu chúng ta không sớm tìm ra lời giải cho bài toán môi trường tại các làng nghề hiện nay, chính những hoạt động của làng nghề sẽ là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển mạnh mẽ của nó. Hay nói cách khác đi, các làng nghề muốn phát triển bền vững, muốn vươn ra thị trường thế giới, vượt khỏi “ao làng”, sản phẩm phải thân thiện môi trường, nói không với ô nhiễm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/cau-chuyen-lang-nghe-tintuc453897