Câu chuyện lê thê về nguồn gốc tổ chức điệp viên
Khởi nguồn của tổ chức điệp viên danh giá được hé lộ trong 'The King's Man' bằng kịch bản lê thê, chán ngán, thiếu điểm nhấn để thu hút.
Nhắc đến đề tài điệp viên, khán giả không thể bỏ qua thương hiệu Kingsman của đạo diễn Matthew Vaughn. Năm 2015, phần đầu loạt phim Kingsman: The Secret Service ra mắt và lập tức gây được tiếng vang, thu hơn 400 triệu USD so với kinh phí xấp xỉ 90 triệu USD.
Bên cạnh câu chuyện hấp dẫn, tác phẩm gây dấu ấn nhờ phong cách thể hiện độc đáo. Đạo diễn kết hợp hài hòa nét châm biếm nhẹ nhàng đậm chất Anh và những pha đánh đấm đẹp mắt. Phần hai Kingsman: The Golden Circle (2017) cũng thành công không kém, tạo bàn đạp giúp nhà sản xuất quyết định đổ tiền đầu tư các phần tiếp theo.
Những lý do đó khiến phần ba The King’s Man được giới hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng, nhất là khi phim từng bị dời lịch chiếu vì Covid-19.
Kịch bản rời rạc, thiếu điểm nhấn
Tác phẩm là phần tiền truyện (prequel) với nội dung độc lập hai phần trước. Kịch bản đi sâu vào giải thích nguồn gốc và quá khứ của tổ chức điệp viên bí ẩn Kingsman.
Như nội dung phần đầu từng hé lộ, Kingsman được biết đến là một tổ chức điệp viên tối mật, sở hữu nguồn tài lực dồi dào và những bài huấn luyện khắc nghiệt.
Gần như mọi thành viên trong tổ chức đều là các nhân tài được rèn luyện. Họ chuyên thực hiện các nhiệm vụ bất khả thi, cũng như đối đầu với nhiều tổ chức tội phạm sừng sỏ. Để dễ hình dung, khán giả có thể liên tưởng đến các điệp viên nổi tiếng như Ethan Hunt của loạt Mission: Impossible hay Jason Bourne trong thương hiệu The Bourne.
Tác phẩm đặt bối cảnh đầu thập niên 1900 khi Thế chiến I đang diễn ra. Lợi dụng tình thế đó, các tổ chức tội phạm bắt đầu lên kế hoạch thống trị, phá hủy thế giới.
Nhân vật chính trong phim là Công tước Orlando Oxford (Ralph Fiennes). Khi ông đang trong doanh trại quân đội thì có kẻ âm mưu ám sát. Qua điều tra, Oxford biết được kẻ bắn lén ông là Gavrilo Princip (Joel Basman).
Thực tế, Princip cũng chỉ là kẻ bị người khác giật dây. Gã là thành viên của một tổ chức luôn lẩn mình trong bóng tối, đang âm mưu hủy diệt cả nhân loại. Để làm rõ vụ việc, Oxford quyết tâm đi tìm câu trả lời thật sự. Từ đó, ông phát hiện ra nhiều bí mật và dẫn dắt người xem đến với sự hình thành của nhóm Kingsman.
Bối cảnh Thế chiến I trở thành điểm sáng của phim. Nhiều phân đoạn được dựng hoành tráng không thua những tác phẩm chiến tranh như Thin Red Line (1998), Dunkirk (2017), 1917 (2019).
Đạo diễn Matthew Vaughn vẫn giữ được tinh thần thương hiệu khi khai thác vẻ quý phái, lịch lãm của người Anh. Thi thoảng, anh chèn vào những cảnh hài hước nhằm giảm nhẹ sự căng thẳng trong phim. Trường đoạn nhóm vai chính cận chiến "thầy tu điên" Rasputin (Rhys Ifans) được đông đảo khán giả nước ngoài yêu thích hồi phim chiếu tại Mỹ.
Tuy nhiên, đạo diễn có phần hụt hơi so với hai phần trước. Các cảnh hành động trong phim diễn ra liên tục nhưng không thực sự để lại ấn tượng mạnh. Nhịp phim đều đều càng khiến câu chuyện trở nên nhàm chán.
Điểm hấp dẫn nhất của thể loại điệp viên chính là những phi vụ bí ẩn, khó đoán. Tuy nhiên, The King’s Man lại không có điều đó. Việc tung ác nhân ngay từ đầu phim phần nào làm giảm sự hứng thú của khán giả. Tác phẩm cũng không xây dựng được thế lực tội phạm đủ mạnh và nham hiểm để cân bằng với nhân vật chính, dù chúng được khắc họa là nơi tập hợp những cá nhân tai tiếng của lịch sử như Grigori Rasputin, Erik Jan Hanussen...
Chính vì phải tạo tính kết nối với hai phần trước, nhiều nội dung trong phim bị gượng ép và thiếu thuyết phục. Câu chuyện và tính cách của nhân vật chính là Orlando Oxford cũng không được triển khai rõ ràng, dễ khiến người xem mất kiên nhẫn.
Diễn xuất không cứu nổi phim
Một trong những lý do giúp thương hiệu Kingsman được yêu thích chính là diễn xuất của các ngôi sao. Ở phần một, Colin Firth và Taron Egerton lột tả thành công sự lịch lãm của những quý ông Anh quốc, giúp tác phẩm được chú ý. Đến phần hai, Julianne Moore chỉ góp mặt với vai phụ nhưng cũng đủ tỏa sáng, khiến khán giả khó quên.
Giống hai phần trước, The King’s Man quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như Ralph Fiennes, Gemma Arterton, Rhys Ifans, Matthew Goode, Tom Hollander. Đặc biệt, tài tử Ralph Fiennes vì quá yêu mến loạt phim nên đã quyết định đầu tư sản xuất phim kiêm đóng chính.
Với kinh nghiệm diễn xuất lâu năm, Fiennes chứng tỏ mình là lựa chọn hoàn hảo cho vai diễn. Ông không chỉ thể hiện tốt những cảnh tâm lý mà còn mạnh dạn đảm nhận cảnh hành động.
Ngoài Ralph Fiennes, các diễn viên khác không giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Diễn viên trẻ Harris Dickinson có phần lép vế với các đàn anh, chưa thực sự tròn vai. Daniel Brühl là diễn viên thực lực, nhưng ít đất diễn để chứng tỏ năng lực. Là diễn viên nữ hiếm hoi trong dàn sao nam tính, Gemma Arterton trung thành với lối diễn cũ kỹ, ít sáng tạo. Cô như bước ra từ Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen chứ không phù hợp với một tác phẩm gián điệp, điệp viên.
Nhìn chung, The King’s Man có nhiều chi tiết đắt giá có thể tạo điểm nhấn. Tuy nhiên, biên kịch lại biến câu chuyện điệp viên trở thành tác phẩm dài lê thê, chậm rãi và rời rạc. Đây là phần tiền truyện thiếu hấp dẫn, bước lùi của thương hiệu so với hai phần trước rất thành công.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-le-the-ve-nguon-goc-to-chuc-diep-vien-post1296126.html