Câu chuyện liên kết sản xuất chưa bao giờ là cũ
Câu chuyện tổ chức lại sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác; phát triển chuỗi dịch vụ logistics, thông tin thị trường... mong chờ sự vào cuộc của Bộ ngành, địa phương để hóa giải 'lời nguyền' sản xuất manh mún nhỏ lẻ, mù mờ, luẩn quẩn của nông sản Việt.
Trong phần đầu của loạt bài “Nâng cao giá trị nông sản miền Tây - bắt đầu từ thay đổi tư duy”, nhóm phóng viên VOV đã làm rõ những khó khăn, điểm nghẽn trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản; đặc biệt trong bối cảnh một số cửa khẩu biên giới các tỉnh phía Bắc đóng cửa; xe container chở nông sản liên tục nằm chờ để xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Vấn đề đặt ra hiện nay, đó là công tác quy hoạch, triển khai việc cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc phục vụ các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam đang tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL để giải quyết tình trạng nông sản được mùa rớt giá. Đây là những nội dung được nêu rõ trong bài 2 của loạt bài với tựa đề “Câu chuyện liên kết sản xuất chưa bao giờ là cũ”.
Nhà vườn trồng xoài Hồ Văn Nếp, ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp những năm gần đây đã tìm hướng mới trong sản xuất để nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn GAP. Việc bao trái và trồng rải vụ được ông và nhiều nhà vườn thực hiện đã tạo ra trái xoài chất lượng cao, ngăn chặn được nhiều côn trùng xâm nhập. Trong đó, việc bao trái hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5-7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, tăng năng suất từ 20-30%.
“Nông dân thay đổi thì người đầu tiên hưởng lợi là mình. Xoài Đồng Tháp đi được thị trường khó tính, với bản thân tôi là một trong những người cung cấp thì rất mong sản phẩm bay cao, bay xa hơn nữa”, ông Hồ Văn Nếp nói.
Là địa phương tiên phong trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, những năm qua, Đồng Tháp đã từng bước nỗ lực, xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu. Những lô xoài đầu tiên đi Mỹ rồi đến Châu Âu đã đánh dấu bước tiến mới trong sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, câu chuyện nông sản tiêu thụ bấp bênh đến nay vẫn là thực trạng chung mà Đồng Tháp cũng không nằm ngoài.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phân tích, việc tập trung xuất khẩu vào một thị trường thông qua đường tiểu ngạch để rồi bị động, thua thiệt là bài học đắt giá. Chính điều này buộc chính quyền, doanh nghiệp, người dân nhìn nhận lại vấn đề một cách nghiêm túc nếu muốn phát triển bền vững.
Cũng theo ông Phạm Thiện Nghĩa, chính việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp người dân bước đầu ổn định đầu ra, thay đổi tập quán trong sản xuất, kinh doanh từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, mang lại giá trị cao hơn. Liên kết sản xuất tạo nên sức mạnh, giảm bớt canh tác tự phát và chuyển biến sâu sắc nhất là nhận thức của người dân chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
“Chủ trương là thực hiện liên kết, chính liên kết này tạo ra xây dựng cánh đồng lớn, phát huy được hợp tác xã rồi hội quán. Tạo ra sự liên kết này sẽ phá vỡ về mặt không gian hơn, cánh đồng lớn hơn để cho người dân cùng hợp tác sản xuất với giá thành mua chung, bán chung, dùng chung, thì giá thành giảm đi. Kết nối với thị trường, với các doanh nghiệp bao tiêu thì đảm bảo thu nhập cho người dân”, ông Phạm Thiện Nghĩa cho hay.
Trên tổng thể, sản xuất – tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL vẫn đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố. Cùng với đó, là việc giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Myanmar, Campuchia... khiến nông sản đang dần dần mất đi những lợi thế phát triển vốn có. Nguyên nhân chính của vấn đề là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ nông sản chỉ thông qua các thương lái; việc tổ chức sản xuất và liên kết giữa người dân và doanh nghiệp thiếu bền vững, chuỗi giá trị chưa phát triển hoàn chỉnh; các giải pháp hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp được thực hiện nhưng còn mang tính tạm thời, giải quyết tình thế và thiếu những giải pháp đột phá, căn cơ.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các nước nhập khẩu ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe về mã số vùng trồng, quy trình sản xuất và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; có nhật ký canh tác rõ ràng từng khâu tác động lên cây trồng và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
“Các địa phương đã giao cho Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật là cơ quan đầu mối quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở nhà đóng gói được cấp và chủ động kiểm tra giám sát chặt chẽ sau khi cấp mã số để thực hiện đúng theo quy định, để tránh thông tin phản hồi của các nước nhập khẩu”, ông Lê Văn Thiệt cho biết.
Vùng ĐBSCL đóng góp rất lớn vào xuất khẩu nông sản của cả nước; nơi đây cũng là nơi chiếm tỷ trọng cao về xuất khẩu thủy sản, trái cây và lúa gạo. Tuy nhiên, vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế này đang bị mất đi sức cạnh tranh. Trong đó, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ là một trong những vấn đề được nhắc đến trong suốt thời gian dài. Hơn 18 triệu dân miền Tây vẫn mong ngóng tuyến đường cao tốc nối từ TP.HCM đến Cà Mau để khơi thông điểm nghẽn trong xuất khẩu, lưu thông hàng hóa.
Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhìn nhận, ngoài điểm yếu về hạ tầng giao thông thì vấn đề liên kết trong phát triển, liên kết vùng chưa phát huy hiệu quả, vẫn mạnh địa phương nào, địa phương đó làm. Chính hạ tầng giao thông chưa đồng bộ khiến cho hàng hóa của vùng ĐBSCL chủ yếu đưa lên TP.HCM rồi mới xuất khẩu, chi phí logistics tăng lên và lợi nhuận của người dân giảm đi.
“Tôi thấy không đâu có thể tạo ra sản phẩm tốt như ở ĐBSCL, nhưng chúng ta cứ làm mà thế giới người ta không ăn thì bà con chúng ta khổ thêm. Chúng ta phải bắt đầu từ việc thế giới ăn cái gì, chúng ta có thể làm được cái gì để bán được giá và không phải bán cho sang năm, mà ở đây là nghiên cứu xu hướng thị trường thế giới thì mới định hướng đầu tư vào những lĩnh vực và chúng ta có được một cái chuyển biến về ngành nghề, theo đúng cái gọi là định hướng thị trường”, ông Lê Quang Mạnh nhận định.
Để giải được bài toán đầu ra ổn định cho nông sản vùng ĐBSCL không hề dễ dàng. Câu chuyện tổ chức lại sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác; phát triển chuỗi dịch vụ logistics, thông tin thị trường, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu... lại một lần nữa mong chờ sự vào cuộc của Bộ ngành, địa phương để hóa giải “lời nguyền” sản xuất manh mún nhỏ lẻ, mù mờ luẩn quẩn của nông sản Việt.
Bài viết cùng loạt bài: "Nâng cao giá trị nông sản miền Tây - bắt đầu từ thay đổi tư duy"
Bài 1: Nông sản miền Tây “luẩn quẩn”: Giá mít Thái rớt thê thảm, vì đâu?
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cau-chuyen-lien-ket-san-xuat-chua-bao-gio-la-cu-post932417.vov