Câu chuyện mua bán phần vốn góp và vụ án 14 năm vẫn chưa thể kết thúc…

Bị khởi tố năm 2010, qua 2 lần hủy án và chuẩn bị xét xử lần thứ 5 nhưng vụ án người đàn ông 73 tuổi bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn chưa thể kết thúc sau 14 năm…

Theo đó, TAND TP Hà Nội đang nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị đưa ra xét xử sơ thẩm đối với các bị can Nguyễn Đình Bang (SN 1951, trú tại phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Nguyễn Huy Khang (SN 1959, ở thị trấn Cao Thương, Tân Yên Bắc Giang) và Hoàng Thị Xuân (SN 1963, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đây là lần thứ 3 vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm. Trong những lần truy tố, xét xử trước, chỉ có 2 bị can là Nguyễn Đình Bang, Nguyễn Huy Khang. Còn bị can Hoàng Thị Xuân bỏ trốn, mới bị bắt vào năm 2021 và bị phục hồi điều tra sau đó.

“Lùng nhùng” việc mua bán phần vốn góp

Theo cáo trạng mới, Công ty TNHH Công nghiệp Trường Sinh thành lập từ năm 1998, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 6.338m2 đất tại Khu công nghiệp An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Quá trình hoạt động, chủ cũ của Công ty Trường Sinh đã chuyển nhượng 50% diện tích là 3.169m2 cho ông Nguyễn Kim Hải (Giám đốc Công ty ADISCO.) Phần diện tích còn lại, năm 2007, chủ cũ của Công ty Trường Sinh chuyển nhượng cho bị can Nguyễn Đình Bang và ông Duy Đức Tuấn.

Khu công nghiệp Anh Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Khu công nghiệp Anh Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Sau đó, Công ty Trường Sinh làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, ghi nhận 2 thành viên góp vốn là bị can Bang và ông Tuấn, trong đó giám đốc hdoanh nghiệp là Nguyễn Đình Bang. Như vậy, từ năm 2008 đến nay, Công ty Trường Sinh có 2 thành viên góp vốn và Nguyễn Đình Bang là giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Cáo buộc cho rằng, sau khi sở hữu Công ty Trường Sinh và sau khi tỉnh Hà Tây sát nhập, UBND TP.Hà Nội yêu cầu bổ sung giấy tờ về Dự án tại An Khánh nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện. Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội xác định, đến năm 2011, Công ty Trường Sinh vẫn chưa thực hiện các thủ tục liên quan.

Dẫu vậy, Nguyễn Đình Bang vẫn tạo dựng một số văn bản để Nguyễn Huy Khang lấy đó làm phương tiện, cơ sở lừa đảo. Các văn bản này gồm: Quyết định của HĐTV Công ty Trường Sinh có nội dung chuyển nhượng dự án An Khánh cho Khang; ủy quyền cho Khang là người đã mua 80% cổ phần của dự án chịu trách nhiệm tổ chức triển khai dự án; Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty Trường Sinh.

Bị can Nguyễn Huy Khang sau đó đã sử dụng các văn bản, gấy tờ trên để ông Thái Khắc Toàn (Phó giám đốc Công ty Huy Phát) tin tưởng giao tiền góp vốn vào Công ty Trường Sinh, rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hơn 22 tỉ đồng của Công ty Huy Phát. Trong đó, bị can Bang bị cáo buộc đã chiếm đoạt 19 tỉ đồng, còn bị can Khang bị cáo buộc chiếm đoạt 3 tỉ đồng và 17.000 USD.

Sau sự việc “lùng nhùng” về chuyển giao phần vốn góp, góp vốn đầu tư vào dự án tại An Khánh giữa bị can Bang với Khang và giữa Khang với ông Toàn, Hoàng Thị Xuân (bạn gái của Nguyễn Huy Khang) đã làm giả quyết định bổ nhiệm bản thân là Phó giám đốc Công ty Trường Sinh có nhiệm vụ huy động vốn thực hiện dự án, rồi lừa đảo 4 bị hại với tổng số tiền hơn 57 tỉ đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án suốt 14 năm qua, Nguyễn Đình Bang có nhiều đơn thư kêu oan cho rằng bản thân không lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại các phiên tòa đã diễn ra, bị can Bang luôn khẳng định bản thân bị oan, đồng thời trình bày không biết ông Thái Khắc Toàn là ai và không biết giao dịch giữa ông Toàn và bị can Nguyễn Huy Khang.

Bị can Nguyễn Đình Bang cho rằng, bản thân có quyền bán phần vốn góp của mình tại Công ty Trường Sinh vì đó là tài sản hợp pháp của bị can. Bang cũng cho rằng ông ta không hề có động cơ, mục đích và thực hiện hành vi gian dối. Bởi ở giá trị tài sản tại dự án An Khánh lớn hơn rất nhiều số tiền 22 tỉ đồng.

Tương tự, bị can Nguyễn Huy Khang cũng cho rằng mình không lừa đảo ông Toàn, bởi thực chất quan hệ giữa bị can này và ông Toàn là quan hệ vay mượn tiền có trả lãi cao và được thể hiện dưới hình thức góp vốn đầu tư vào dự án. Bị can Khang dùng số tiền vay ông Toàn để trả nợ và mua phần vốn góp của bị can Bang tại Công ty Trường Sinh. Hợp đồng góp vốn giữa ông Toàn và Công ty Trường Sinh chỉ là hình thức đảm bảo cho việc vay mượn tiền này.

Hai bị can tại phiên tòa sơ thẩm trước đây.

Hai bị can tại phiên tòa sơ thẩm trước đây.

Quá trình giải quyết vụ án và đơn tố cáo của ông Toàn cũng thể hiện, Hợp đồng góp vốn giữa ông Toàn và Khang được tư vấn, trợ giúp pháp lý của một Văn phòng luật sư. Và mặc dù vị luật sư tham gia việc này đã có những góp ý, “cảnh báo” nhưng ông Toàn vẫn ký hợp đồng.

Hàng loạt nội dung cần được làm rõ

Xét xử vụ án này, năm 2016 và năm 2020, Tòa cấp sơ thẩm đều tuyên phạt Nguyễn Huy Khang 18 năm tù và Nguyễn Đình Bang 16 năm tù cùng về tội “Lừa đỏa chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên cả hai lần tuyên án ấy, Tòa cấp phúc thẩm đều tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Cụ thể, năm 2017, phiên tòa phúc thẩm lần 1 được mở. Bản án phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết, đồng thời chỉ ra hàng loạt vấn đề quan trọng chưa được làm rõ. Đó là vụ án còn một số vấn đề về tố tụng như việc xác định nguyên đơn dân sự, việc ghi lời khai không đúng đối với lời khai của Nguyễn Huy Khang, nhiều lần bị cáo phải tự ghi lại và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng nhưng đều không được giải quyết theo quy định.

Tiếp đến là vụ án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ như: dự án An Khánh là có thật, hiện dự án vẫn đang tồn tại, chưa bị thu hồi. Theo đăng ký kinh doanh của Công ty Trường Sinh, Bang sở hữu 50% vốn góp và được chuyển nhượng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bản thân ông Toàn có lời khai không thống nhất về các hành vi gian dối tự xưng là Giám đốc Công ty Trường Sinh của Nguyễn Huy Khang. Nội dung tố cáo của ông Toàn, các lời khai của ông Toàn mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với các chứng cứ khác.

Tòa phúc thẩm xác định, chưa có cơ sở vững chắc để xác định quan hệ giữa ông Toàn và Khang là quan hệ vay nợ cá nhân hay thực sự là quan hệ góp vốn đầu tư dự án. Cũng chưa làm rõ quan hệ này có liên quan đến vai trò đồng phạm của Nguyễn Đình Bang hay không.

Đặc biệt, về ý thức đồng phạm của Bang, Tòa cấp phúc thẩm cho rằng, trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện bị can này cùng bàn bạc, thống nhất ý chí thực hiện hành vi phạm tội. Bang và ông Toàn không có quan hệ quen biết nhau, việc Khang và Toàn ký hợp đồng góp vốn thì Bang không biết và không được ai thông báo cho biết.

Việc chuyển tiền vào tài khoản của Bang không ai báo trước. Sau khi nhận tiền chuyển nhượng thì Bang giao giấy tờ, sổ đỏ, con dấu Công ty Trường Sinh cho Khang, Toàn để hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh.

Tại cơ quan điều tra, bị can Bang nói sẽ trả lại số tiền này và yêu cầu trả lại giấy tờ tài liệu, sổ đỏ, dự án và hủy hợp đồng mua bán để bảo đảm an toàn cho mình nhưng không được xem xét giải quyết… Từ đó, Tòa cấp phúc thẩm cho rằng cần xem xét lại ý thức chủ quan của Nguyễn Đình Bang.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2 năm 2022, phát sinh việc bị can Hoàng Thị Xuân (cùng trong vụ án này), trước đó bỏ trốn, nay bị bắt theo lệnh truy nã và bị phục hồi điều tra. Cho rằng việc điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Hoàng Thị Xuân sẽ giúp cho việc đánh giá, xác định, làm rõ mức độ, hành vi của Khang, Bang nên Tòa cấp phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần 2 trước đó, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cau-chuyen-mua-ban-phan-von-gop-va-vu-an-14-nam-van-chua-the-ket-thuc-post571793.antd