Câu chuyện nghị lực của những người chung sống bình yên với ung thư
Hoàng Thị Diệu Thuần là cô gái đã chiến đấu ròng rã và điều trị bệnh ung thư máu được 18 năm. Giờ đây Thuần đã có được sức khỏe tốt, được làm những điều mình thích.
Những tiến bộ trong điều trị bệnh ung thư các năm gần đây thêm một lần nữa khẳng định ung thư không phải là dấu chấm hết, nhiều người bệnh đã trở lại cuộc sống vui vẻ.
Chia sẻ chân thật về từng khoảnh khắc vừa mong manh, vừa mạnh mẽ trên chặng đường vượt qua bệnh tật, các bệnh nhân ung thư đã trải lòng các câu chuyện về ý chí kiên cường mà chan chứa yêu thương với cuộc sống, với những người thân yêu và cả những người đồng bệnh.
Chống chọi với bệnh hiểm nghèo
Bé M.Đ, 15 tuổi ở Hà Nội, đã có 10 năm điều trị bệnh ung thư máu. Dù mắc bệnh những Đ. chưa bao giờ từ bỏ khát vọng đến trường. Đ. không chỉ liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi mà còn say mê với võ thuật, bơi lội và được tham dự giải thi đấu võ thuật cấp quận.
Chị Thắm - mẹ bệnh nhân Đ. kể, 5 tuổi con đã trải qua những đợt truyền hóa chất dài ngày. Dù bị sốt, nôn, mệt không ngồi dậy được nhưng vẫn động viên mẹ: "Mẹ ơi, đừng khóc, con sẽ cố gắng vượt qua."
Sau mỗi lần ra viện về nhà nghỉ ngơi, Đ. lại đến trường. Bất kể nắng mưa, rét buốt, nếu được về nhà con đều đi học đầy đủ. Dù phải làm đủ công việc từ dọn nhà thuê, bán hàng, đến bán bảo hiểm, dù hoàn cảnh thiếu thốn, chị Thắm vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất con.
Chị Thắm chia sẻ: "Trong cuộc đời mỗi người, sức khỏe, nghị lực và niềm tin là điều không thể thiếu. Bệnh tật là điều con người không thể lựa chọn. Bởi vậy, thay vì từ chối, hãy chấp nhận, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sỹ."
Một trường hợp khác là Hoàng Thị Diệu Thuần (sinh năm 1987, tại Quỳ Hợp, Nghệ An). Đây cô gái đã chiến đấu ròng rã và điều trị bệnh ung thư máu được 18 năm. Thuần mắc bệnh ung thư máu khi mới 18 tuổi. Tháng 9/2012, sau lần ghép tế bào gốc thành công tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Thuần dần dần phục hồi sức khỏe. Giờ đây Thuần đã có được sức khỏe tốt, được làm những điều mình thích.
Thuần tâm sự, sự sống hôm nay của cô chính là sự chắt chiu gom góp từ những yêu thương của mẹ cha, của cộng đồng, từ tình người thiêng liêng và sự tận tâm của các y bác sỹ. Vì vậy, hơn bao giờ hết, Thuần trân trọng từng ngày, từng tháng để sống vui vẻ và cô cũng mong muốn tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho nhiều bệnh nhân ung thư khác nghị lực để cùng vượt qua bệnh tật.
Anh Vũ Việt Thành, 32 tuổi (ở Hưng Yên) đã có 2 năm trải qua biến cố cực lớn trong cuộc đời khi phát hiện mắc bệnh Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (ung thư máu) ở tuổi 30, cũng như những bệnh nhân khác, anh rơi vào hoang mang cùng cực.
Thành đã là một chiến binh kiên cường vượt qua “những giờ phút, chỉ cần buông xuôi, phó mặc là sự sống đã rẽ qua ngã khác” trong phòng ghép tế bào gốc. Để rồi chưa đầy 1 năm sau khi vượt qua cánh cửa tử thần, anh đã có thể chinh phục được đường chạy.
Không đầu hàng số phận, anh quyết định điều trị theo hướng ghép tế bào gốc nửa hòa hợp từ em trai ruột. 52 ngày ở phòng cách ly ghép tế bào gốc giành lại sự sống, với anh đó là một "trải nghiệm nhiều đau đớn mà ngay cả những người giàu trí tưởng tượng cũng khó hình dung được."
“Tôi vừa kỷ niệm 6 tháng sau ghép tế bào gốc bằng việc chinh phục 21 km tại giải Long Bien Marathon về đích sau 2 giờ 14 phút, xếp thứ 847/3032. Sau đó, tôi lại tham gia giải chạy Full Marathon 42km. Chặng đường chạy 5 tiếng vào ban đêm cũng giống như trong phòng ghép. Sóng gió của ca bệnh đã giúp cho mình trân trọng từng giây, từng phút được sống trong cuộc đời tươi đẹp này," anh Thành cho hay.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Vinh, người phụ nữ đã từng suy sụp vì căn bệnh ung thư hạch nhưng sau khi lui bệnh, chị vẫn ở lại phòng bệnh để chăm sóc cho những người bệnh khác.
Nuôi con nhỏ, một mình chống chọi với bệnh tật không có người thân bên cạnh, nhưng chị Vinh luôn tự nhủ: "Sống bao nhiêu ngày không quan trọng mà quan trọng là mình sống sao cho có ý nghĩa." Bởi vậy, sau hành trình chịu nhiều đau đớn để khỏe mạnh trở lại, chị trở thành người bạn tâm giao với nhiều người bệnh, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với họ. Với chị, niềm vui khi được góp sức mình, mang đến tình yêu thương cho những người bệnh cùng hoàn cảnh, để mọi người có thêm sức mạnh, ý chí vươn lên.
Phát hiện sớm để điều trị kịp thời
Theo Tiến sỹ Vũ Đức Bình - Phó Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, các điều kiện chăm sóc, điều trị người bệnh nói chung và người bệnh ung thư nói riêng ngày càng được cải thiện. Với sự phát triển của y học, rất nhiều kỹ thuật, thuốc mới được ứng dụng vào điều trị. Trước đây, có những bệnh lý tưởng chừng “vô phương cứu chữa” như Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt. Hiện nay, căn bệnh đã có thuốc điều trị và trên 90% người lui bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, hiện Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiến hành hơn 550 ca ghép tế bào gốc, nhiều người bệnh đã trở lại cuộc sống bình thường, lập gia đình, sinh con.
Phó giáo sư Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết mỗi ngày bệnh viện điều trị cho khoảng từ 1.200-1.300 người bệnh, trong số đó có trên 50% là bệnh nhân ung thư máu. Trong quá trình đồng hành cùng người bệnh, các y bác sỹ thấu hiểu những giờ phút khó khăn của người bệnh khi tiếp nhận tin bệnh, sự mệt mỏi và những cơn đau không gì có thể diễn tả hết và có cả những vất vả, gian truân của người nhà chăm sóc.
Theo Phó giáo sư Thanh, với nhiều loại ung thư, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ kéo dài sự sống hoặc được chữa gần như khỏi bệnh là rất lớn. Điều quan trọng nhất để trị bệnh hiệu quả là bệnh nhân phải giữ tâm lý vững vàng, tuân thủ phương pháp điều trị của bác sỹ, thay đổi lối sống theo hướng tích cực, chăm tập luyện thể thao và duy trì chế độ ăn uống khoa học.
Cũng theo Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và thể bệnh ung thư máu cấp, bao gồm: Sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm; gầy, sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi; gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương, xuất huyết trên da hay chảy máu khó cầm… Nếu phát hiện sớm ung thư máu, nhất là với trẻ em, tỷ lệ điều trị thành công là khá cao.
“Tôi tin với ý chí kiên cường của các bệnh nhân, cùng với sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ y bác sĩ, người bệnh sẽ tìm được cuộc sống thứ hai của mình, tìm thấy những tia hy vọng, tìm thấy bến bờ của bình an và hạnh phúc. Người bệnh sẽ cùng chúng tôi, cùng gia đình vượt qua những chặng đường chông gai để đến với chân trời của yêu thương,” Phó giáo sư Nguyễn Hà Thanh chia sẻ./.
Vừa qua, viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã biên soạn, phát hành ấn phẩm "Còn mãi yêu thương" tặng người bệnh.
Nội dung ấn phẩm là những câu chuyện, chia sẻ của người bệnh ung thư với mong muốn lan tỏa những suy nghĩ lạc quan, niềm tin yêu cuộc sống và tin tưởng vào hiệu quả điều trị cho người đang chiến đấu với bệnh ung thư máu, đồng thời khẳng định: "Ung thư không phải là dấu chấm hết."