Câu chuyện nhà ở tại các khu công nghiệp: Chủ đầu tư 'bỏ quên' người lao động
Theo ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, một trong những nguyên nhân khiến nhà ở trong khu công nghiệp thiếu là do chủ đầu tư hiện đang 'bỏ quên' người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận.
Lĩnh vực công nghiệp hiện đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, các khu công nghiệp của nước ta chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội.
Một trong những nguyên nhân khiến nhà ở trong khu công nghiệp thiếu là do chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động.
Nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… chưa được đầu tư, xây dựng.
Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho rằng, cần thay đổi một số cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân tiếp cận nhà ở xã hội.
Theo ông Hùng, riêng tại Bắc Giang hiện có khoảng 1.482 dự án đang hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số khoảng 238.000 công nhân.
Trong đó, công nhân tại khu công nghiệp khoảng 190.000 người, tại cụm công nghiệp khoảng 48.000 người. Số công nhân có nhu cầu về nhà ở hiện nay khoảng 124.000 người, chiếm khoảng 52%; công nhân đang thuê nhà trọ trong nhà của các hộ dân khoảng 58.000 người, chiếm 24,4% với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại...
Số công nhân không có nhà lưu trú hàng ngày phải đi làm bằng phương tiện cá nhân hoặc xe khách công cộng, đã ảnh hưởng đến thời gian và hiệu suất lao động, gây ách tắc, mất an toàn giao thông, hàng năm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến công nhân ở các khu công nghiệp đều tăng.
Trước tình hình này, Sở Xây dựng Bắc Giang đã tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển nhà ở công nhân tầm nhìn đến 2025, xây dựng đề án xây dựng nhà ở công nhân.
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay mới có 2 dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng khoảng 6.550 công nhân. Có 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư lập quy hoạch.
Hiện nay có 9 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, đang triển khai thi công và đang chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 57,6ha, đáng ứng cho khoảng 59.825 công nhân.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận”, ông Hùng thẳng thắn thừa nhận.
Do đó, để giữ chân người lao động, trong quy hoạch xây dựng nhà ở phải đồng bộ, gắn liền với khu công nghiệp. Ngoài ra, trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư còn quá dài. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án cũng khó khăn. Bất cập lớn nhất là việc giao đất thực hiện theo Luật Đất đai còn gây khó khăn cho liên danh nhà thầu, liên danh chủ đầu tư.
Do đó, đại diện cho Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, ông Hùng kiến nghị, cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án (hồ sơ kèm theo danh sách dự kiến hợp đồng lao động với công nhân) để cho công nhân mình thuê ở.
Bên cạnh đó, công nhân lao động trong khu công nghiệp khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp phải được Ban Quản lý các Khu công nghiệp xác nhận).
Đối với nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp ở thì doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án khi đáp ứng điều kiện năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, ông Hùng kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo hướng quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ trong khu công nghiệp để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở (phải đáp ứng tối thiểu chỗ ở cho 50% số công nhân trong khu công nghiệp đó); phải giao trách nhiệm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở.