Câu chuyện nuôi chó trong chung cư: Quy định hay lòng yêu thương?
Sau câu chuyện của nữ diễn viên Sam đối với ban quản lý nơi cô sinh sống, câu chuyện nuôi chó, mèo trong chung cư lại một lần nữa gây tranh cãi trong dư luận.
Vừa qua, mạng xã hội không khỏi xôn xao trước câu chuyện của nữ diễn viên Sam và ban quản lý chung cư cao cấp nơi cô sinh sống. Bên cạnh vấn đề về việc vận hành căn hộ, Sam đã bày tỏ bức xúc khi bị làm "khó dễ" vì nuôi thú cưng ở chung cư. Nữ diễn viên cũng cho biết phía tòa nhà đã nói "chó không phải là thú cưng mà là gia súc", đồng thời còn yêu cầu khám xét và chụp hình làm bằng chứng.
Sau khi câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội, những tranh cãi trái chiều xung quanh sự việc này đã nổ ra. Đúng hay sai? Tình thương hay quy định? Những vấn đề xung quanh việc nuôi chó trong chung cư đã được đặt ra.
Nỗi lòng người chủ
"Mình còn nhờ hồi sinh viên, mình là "mẹ" của hai em chó nhỏ. Mình tình cờ nhặt chúng ngoài đường rồi cưu mang cho đến khi lớn. Đối với mình, Pun và Tí (tên hai con chó) là người thân trong gia đình.
Rồi mình ra trường, phải chật vật tìm nơi chuyển trọ. Sau nhiều lần vất vả tìm kiếm, mình chuẩn bị đặt cọc một nơi ở vừa thuận tiện cho việc đi làm, vừa hợp lý về giá cả.
Nhưng, trước khi chuyển về đó một ngày, mình mới nhận ra là chủ căn hộ không đồng ý việc nuôi chó trong chung cư. Lúc đó, mình đã trả chỗ trọ cũ và đứng trước quyết định có nhiều khó khăn: Đi hay tiếp tục ở?
Mình nhìn thấy đôi mắt và cái mũi ươn ướt của Pun, cách dụi đầu vào chân của Tí rồi quyết định. Mình không thể bỏ chúng được. Khi bạn nuôi chó, bạn sẽ cảm nhận nó không chỉ là động vật, mà còn là người bạn, người thân nữa".
Cuối cùng, mình tìm một nơi ở khác. Quyết định này đã khiến mình gặp bao khó khăn, chật vật phải tìm mọi cách xoay xở. Nhưng quan trọng nhất, tình yêu thương là sự lựa chọn của mình. Tới thời điểm hiện tại, mình vẫn cảm thấy quyết định này là đúng đắn", Thanh Thảo (ngụ TP.HCM) cho biết.
Cũng theo Thảo, việc nuôi chó trong chung cư vốn là điều dễ gây tranh cãi. Bởi lẽ, chung cư là nơi có nhiều không gian sinh hoạt chung. Lông, tiếng ồn, chất thải từ động vật nếu chủ nhân xử lý không được sẽ làm ảnh hưởng lớn đến nhiều người xung quanh.
Tranh cãi vì quy định cưỡng chế
Vừa qua, nhiều cư dân tại một chung cư ở quận 7 cũng đã phải "lao đao" vì quy định đưa vật nuôi ra khỏi căn hộ trước ngày 10/11. Theo thông báo ngày 29/10, cư dân chung cư này không được phép nuôi chó, mèo, chim… Ban quản lý sẽ tiến hành cưỡng chế, mang vật nuôi đi nếu cư dân không thực hiện theo quy định.
Đại diện ban quản lý chung cư này cho biết do tình hình nuôi chó gây ra nhiều ảnh hưởng đến các hộ lân cận như tiếng chó sủa vào giờ nghỉ làm ảnh hưởng đến giờ nghỉ của cư dân, lông chó bay vào các căn hộ lân cận gây dị ứng cho chủ nhà, xuất hiện nước tiểu, phân chó tại hàng lang, tầng hầm.
Anh Nguyễn Minh Tâm (một cư dân của chung cư) bức xúc: “Ban quản lý không giải quyết vấn đề đặt ra là ép cư dân di dời thú nuôi ra khỏi căn hộ mà không dựa trên pháp luật. Họ chỉ thông báo thay đổi từ “cưỡng chế” bằng “chế tài” và vẫn tiếp tục bắt chúng tôi di dời thú nuôi ra khỏi căn hộ với những đề mục đặt ra vô lý.
Tôi đặt cọc mua chung cư vào tháng 6/2020, hợp đồng không có mục cấm nuôi thú cưng. Đây chính là lí do tôi quyết định mua căn hộ. Tôi có hỏi thêm đại diện của chủ đầu tư thì họ cho biết cần đảm bảo một số quy định chứ không thoải mái như nhà phố, nhưng được nuôi thú cưng.
Tôi nghĩ một vài người dân cũng ý kiến về việc nuôi thú cưng. Có những chủ nuôi không ý thức làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Bạn hiểu đó, chung cư sống chung chắc chắn sẽ có những ý kiến trái chiều".
Ý thức là điều quan trọng nhất
Chị Minh Tâm (ngụ Hà Nội) cho biết: "Quy định của thành phố là không cho nuôi chó mèo trong chung cư. Tuy nhiên, khu vực nơi tôi sinh sống vẫn tiếp tục "nuôi lén".
Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến không gian sinh hoạt chung. Họ bảo rằng "chó còn tình cảm hơn con người". Có nhà không rọ mõm chó dù là chó to, vài con hay tè bậy, liếm chân người, lông tóc mắc đầy trong thang máy. Theo tôi, tình yêu thương cho động vật là điều đáng quý nhưng phải đi kèm cả ý thức".
Anh Bảo Lâm (ngụ TP.HCM) vốn là người yêu động vật và nhận nuôi nhiều chú chó mèo bị bỏ rơi nhiều năm nay. Anh cho biết: "Vừa qua, chung cư tôi cũng nhận được thông báo di dời chó mèo mà nhà tôi và nhiều hộ khác chưa sắp xếp được do quá gấp.
Tôi muốn ban quản lý và chủ đầu tư xem xét về vấn đề thú nuôi. Nếu những cá nhân nuôi không có ý thức thì nên có luật cũng như phạt cá nhân đó. Tôi không đồng tình việc vơ đũa cả nắm rồi cấm toàn bộ tòa nhà không được nuôi thú cưng”.
Đúng hay sai đều có thể nằm trong sự lựa chọn của bạn. Trước khi đến ở chung cư, bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu về quy định nuôi thú cưng tại nơi sinh sống. Đồng thời, ý thức sẽ là cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề "yêu thương hay những quy định".
Nếu yêu thương chó mèo, bạn sẽ biết cách nghĩ cho chúng về những lần chúng trở bệnh, chúng ốm đau, chúng đói hay lạnh. Và khi sống trong một tập thể, bạn cũng cần nên nghĩ đến những cảm nhận của hàng xóm quanh mình. Đặt mình vào đối phương, cuộc sống của bạn có khi sẽ "dễ chịu" hơn rất nhiều.