Câu chuyện phát triển Taekwondo để quảng bá hình ảnh Hàn Quốc: Kinh nghiệm quan trọng cho Việt Nam
Hàn Quốc đã thành công đưa Taekwondo ra khắp thế giới. Kinh nghiệm này có thể mang lại nhiều bài học quý cho Việt Nam.
Đội tuyển taekwondo Việt Nam đã khép lại hành trình tranh tài tại SEA Games 32 với 4 HCV, 5 HCB, 3 HCĐ và đang gấp rút chuẩn bị cho ASIAD 19 sắp tới. Việc học hỏi từ các vận động viên và chiến lược phát triển taekwondo từ Hàn Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích dài hạn cho taekwondo Việt Nam.
Cho tới nay, công chúng trên toàn thế giới đều biết Taekwondo là môn thể thao quốc gia của Hàn Quốc và mang bản sắc của người Hàn Quốc. Kể từ khi chính thức trở thành một môn thể thao Olympic vào năm 2000, Taekwondo ngày càng phổ biến. Hiện tại, hơn 80 triệu người từ 209 quốc gia tập luyện taekwondo và số lượng trẻ em học taekwondo đang tăng lên hàng năm. Có thể nói đây đã là một thành công lớn của nước này khi phát triển và đưa Taekwondo ra toàn cầu.
Taekwondo gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân Hàn Quốc
Ngay từ năm 1971, chính phủ Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Park Chung Hee đã tuyên bố taekwondo là môn thể thao quốc gia và triển khai nhiều hỗ trợ của chính phủ để phát triển taekwondo cả trong nước và trên toàn thế giới.
Với sự tiếp xúc Taekwondo từ nhỏ, người dân Hàn Quốc hiện coi môn võ này là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ và tin rằng môn thể thao này kết nối tâm trí, cơ thể và tinh thần của họ. Tính tới năm 2022, theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, nước này có khoảng 10.298 học viện taekwondo tư nhân, trong đó các chương trình đào tạo được cung cấp chủ yếu cho trẻ em và thanh thiếu niên để cải thiện sức khỏe và thể chất của họ và rèn luyện tính cách.
Các phòng tập, cơ sở, thậm chí học viện Taekwondo này cũng làm được nhiều điều các cơ sở thể thao tại các quốc gia khác có thể chưa làm được. Đầu tiên, các phòng tập, nơi rèn luyện này nằm rất gần các trường tiểu học ở Hàn Quốc và có thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần thiết cho các gia đình đang phải vật lộn để sắp xếp công việc và trách nhiệm nuôi dạy con cái, từ việc đón học sinh từ trường về, hướng dẫn tập luyện Taekwondo, giám sát quá trình làm bài tập và cuối cùng trả học sinh về nhà.
Trang Koreaherald đã dẫn câu chuyện của cô bé Kwon Ye-rin, 5 tuổi đang dựa nhiều vào dịch vụ của học viện taekwondo gần nhà dù cô bé chỉ đến lớp học ở đó hai ngày một tuần. Mỗi ngày, Ye-rin được một huấn luyện viên taekwondo đón tại trường mẫu giáo, cùng với nhiều đứa trẻ khác, và được đưa đến một tòa nhà gần đó trên một chiếc xe tải nhỏ màu vàng, nơi có phòng tập taekwondo và các cơ sở giáo dục tư nhân khác, hay còn gọi là hagwon.
Ngoài hai buổi học taekwondo, trong 3 ngày còn lại, người hướng dẫn đưa Ye-rin đến các lớp học piano và múa ba lê trong cùng tòa nhà và sau đó đưa em trên một chuyến xe buýt màu vàng khác về nhà.
Mẹ của Kwon, Kim Jae-young trả thêm một khoản phí hàng tháng cho dịch vụ bổ sung này tại học viện taekwondo. Đây cũng chỉ là dịch vụ cơ bản vì một số cơ sở huấn luyện khác còn cung cấp các chuyến du ngoạn cuối tuần hoặc dịch vụ tổ chức tiệc sinh nhật với một khoản phụ phí.
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, các học viện, phòng tập taekwondo đã thích nghi rất nhanh với nhu cầu mới và sự cạnh tranh gia tăng để tiếp tục duy trì sức sống của môn thể thao này.
Về khía cạnh huấn luyện vận động viên, việc có nhiều trẻ em, thanh thiếu niên tham gia taekwondo, không chỉ tập luyện ngoài giờ mà còn như một hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục, đã giúp cơ quan thể thao Hàn Quốc có nguồn lực dồi dào để tuyển chọn những vận động viên tài năng đại diện cho đất nước ở cấp độ quốc tế. Theo blog The Sporting, Hàn Quốc đã giành được 28 huy chương vàng Olympic ở môn thể thao này, bao gồm 12 Huy chương vàng, 3 Huy chương Bạc và 7 Huy chương Đồng. Nước này cũng có hơn 100.000 vận động viên Taekwondo trong độ tuổi thi đấu; 15.000 trong số này là các võ sĩ Taekwondo chuyên nghiệp đã tham gia thi đấu trong nước và quốc tế.
Phát triển mạnh mẽ tại quốc tế
Có nhiều yếu tố giúp taekwondo phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, có thể kể đến như tính chất môn võ này là tự do và dễ dàng tiếp cận, sự thành lập rất sớm của một cơ quan taekwondo quốc tế và sự thành công lớn của các vận động viên taekwondo Hàn Quốc.
Đầu tiên là về tính chất của taekwondo - môn thể thao chiến đấu tự do sử dụng tay và chân trần để đẩy lùi đối thủ. Các động tác của môn võ này mạnh mẽ nhưng vẫn có vẻ đẹp thẩm mỹ và có hiệu quả tự vệ và nâng cao sức khỏe bản thân. Thêm vào đó, môn võ này còn nâng cao sự tự tin cho học viên và có thể nói đây là một chương trình thể dục tổng thể tích hợp phát triển trí óc, cơ thể và tinh thần.
Không chỉ dễ tập, có hiệu quả tốt mà môn võ này cũng có chi phí tham gia thấp và thiết bị không cần quá đắt đỏ. Chính vì vậy, taekwondo đã trở nên phổ biến ở rất nhiều các quốc gia, trong đó có các nước có thu nhập thấp.
Tiếp đó, việc thành lập Liên đoàn taekwondo thế giới đã có sự đóng góp rất lớn cho quá trình toàn cầu hóa taekwondo. Ngày 28 tháng 5 năm 1973, Liên đoàn Taekwondo Thế giới (WTF) chính thức được thành lập tại Seoul, Hàn Quốc. Đây là cơ quan quản lý giúp duy trì và phát triển các giá trị của taekwondo, đưa ra các yêu cầu kiểm tra và sát hạch, đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu Taekwondo trên toàn thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của Liên đoàn Taekwondo Thế giới đã phát triển thành một môn nghệ thuật và thể thao quốc tế được tập luyện tại hơn 200 quốc gia. Năm 1975, Hiệp hội vận động viên nghiệp dư Mỹ (AAU) đã công nhận Taekwondo là môn thể thao chính thức. Taekwondo cũng được Hiệp hội các Liên đoàn Thể thao Quốc tế (GAISF) và Hội đồng Thể thao Quân sự Quốc tế (CISM) công nhận vào năm 1976.
Năm 1980, WTF trở thành liên đoàn thể thao được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận và đưa Taekwondo trở thành môn thể thao trình diễn cho Thế vận hội Olympic 1988 và 1992. Đến năm 2000, Taekwondo chính thức trở thành môn thể thao thi đấu tại Thế vận hội được tổ chức tại Australia.
Trung tâm East West Center còn từng nhận định, trước cả làn sóng K-pop và K-drama, xuất khẩu văn hóa lớn nhất của Hàn Quốc sang Mỹ chính là taekwondo. Trên thực tế, taekwondo là môn võ được luyện tập nhiều nhất ở Mỹ, với ít nhất 3.500 câu lạc bộ taekwondo và khoảng 7 triệu học viên, tính tới đầu năm 2022. Tại Thế vận hội Tokyo 2021, Anastasija Zolotic trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên giành HCV taekwondo.