Câu chuyện 'start-up' nhà Hoa: Sau gần 70 năm lại về cùng 'một nhà' với báo Tiền Phong
HHT - Ngày 15/10/1991, tờ Hoa Học Trò ra mắt bạn đọc. Trên trang 2 in bài 'Hoa Học Trò đơm nụ đầu' như một lời chào với câu kết: 'HOA HỌC TRÒ đơm nụ đầu tiên vì bạn, cho bạn - HOA HỌC TRÒ là chính bạn.'
Khởi dựng tờ báo dành cho thiếu nhi
Ngay từ khi ra đời (16/11/1953), báo Tiền Phong đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cùng Ban Thiếu nhi Trung ương chuẩn bị ra mắt một ấn phẩm dành cho thiếu nhi. Tháng 5/1954, tại Bản Dõn (xã Thanh La, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), chủ nhiệm báo Tiền Phong khi đó là đồng chí Nguyễn Lam cho mời nhạc sĩ Phong Nhã đến giao nhiệm vụ này.
Nhạc sĩ Phong Nhã vốn hoạt động trong phong trào hướng đạo sinh và phụ trách thiếu nhi của Thành Đoàn Hà Nội, bấy giờ đang là Phó ban Thiếu nhi Trung ương. Ông đã sáng tác những ca khúc nổi tiếng như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Kim Đồng”… Nhận trọng trách mới, nhạc sĩ Phong Nhã đến gặp các văn nghệ sĩ mời cộng tác. Bài vở sau khi biên tập được họa sĩ Tôn Đức Lượng trình bày. Ma-két và bài vở được thư ký tòa soạn báo Tiền Phong Nguyễn Thanh Dương thông qua, trước khi đưa đến chủ nhiệm Nguyễn Lam duyệt.
Ngày 1/6/1954, tờ phụ san đặc biệt Tiền phong thiếu nhi ra mắt bạn đọc. Số báo đầu tiên vỏn vẹn có 4 trang khổ 19 x 27cm. Trang nhất in trang trọng thư Bác Hồ gửi các cháu nhi đồng nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Đó chính là ngày khai sinh của báo Thiếu niên Tiền phong. Và cũng là nơi khởi đầu báo Hoa Học Trò và Sinh Viên Việt Nam sau này.
Năm 1984, báo Thiếu niên Tiền phong hình thành một trang mục riêng “Dành cho tuổi đội viên lớn”. Năm 1990, Tổng biên tập Lê Trân - một nhà báo lão thành, chuyển giao thế hệ cho ê kíp trẻ gồm Tổng biên tập Nguyễn Phong Doanh và hai Phó Tổng biên tập là Phạm Thành Long và Nguyễn Đình Trung. Ban biên tập bàn cách đổi mới, làm cho tờ báo sinh động hơn, hấp dẫn hơn, tiếp cận với bạn đọc hơn, trong đó chú ý đến đối tượng các bạn tuổi mới lớn.
Những người “mở đường”
Bên cạnh dàn nhà báo đã dày dạn kinh nghiệm, Tổng Biên tập Nguyễn Phong Doanh thấy cần bổ sung nhân tố mới có trình độ và tư duy đổi mới. Kỹ sư Nguyễn Như Mai bấy giờ đang là Trưởng Ban Biên tập sách - Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, đã từng cộng tác lâu năm với báo Thiếu niên Tiền phong. Nhà báo Nguyễn Phong Doanh kiên trì “lôi kéo” Nguyễn Như Mai về tòa soạn, ban đầu phân công làm Trưởng Ban Thông tin Khoa học của báo. Một cuộc thi tuyển dụng công khai được tổ chức, thu hút rất đông cây bút dự thi. Người đứng đầu bảng là Đoàn Công Huynh, giảng viên trẻ khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội.
Xây dựng được bộ khung nhân sự nòng cốt, báo Thiếu niên Tiền phong từng bước cải tiến về hình thức và nội dung. Đặc biệt, tranh thủ được sự hỗ trợ của tổ chức UNICEF tại Việt Nam, báo đã tổ chức những cuộc thi về môi trường rất hấp dẫn, lôi kéo được đông đảo bạn đọc tham gia và có tiếng vang trong làng báo. UNICEF đánh giá cao hiệu quả hợp tác với báo, tiếp tục hỗ trợ nhiều chương trình. Sức ảnh hưởng của tờ báo cũng được cơ quan quản lý ghi nhận, nhà báo Nguyễn Như Mai được cử đi tháp tùng Bộ trưởng Trần Hoàn dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN về truyền thông cho trẻ em tại Philippines.
Thời cơ đã chín muồi, Ban biên tập báo Thiếu niên Tiền phong quyết định xin ra tờ báo mới cho tuổi mới lớn. Khi ấy, trong hệ thống báo chí Trung ương dành cho thanh thiếu niên đã có sự phân khúc rõ: Báo Tiền phong cho thanh niên, báo Thiếu niên Tiền phong cho thiếu niên, báo Nhi Đồng cho nhi đồng. Như vậy còn để trống một phân khúc: Báo cho tuổi mới lớn, tuổi vị thành niên.
Ai đã nghĩ ra tên Hoa Học Trò?
Muốn được ra báo, hoặc chí ít là ấn phẩm mới, phải có giấy phép của Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao. Đại diện của báo là nhà báo Nguyễn Như Mai đã lên gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin khi đó là nhạc sĩ Trần Hoàn. Ông đem theo rất nhiều ấn phẩm của các địa phương trong cả nước dành cho lứa tuổi này như: Mực tím, Áo trắng, Nữ sinh, Tuổi xanh, Tuổi học trò… và trình bày là báo chí Trung ương Đoàn chưa có báo cho đối tượng này. Sau khi nghe xong, Bộ trưởng Trần Hoàn đồng ý sẽ cấp giấy phép, nhưng trước mắt chỉ là một ấn phẩm của báo Thiếu niên Tiền phong đã, sau này làm tốt sẽ chính thức là tờ báo riêng. Được sự ủng hộ của cấp trên, Ban biên tập khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị.
Các nhà báo Phạm Thành Long, Lê Phi Hùng, Công Kiệt được giao cho chuẩn bị đề cương. Mọi người hào hứng đặt tên cho báo. Tòa soạn treo giải thưởng cho người đặt được tên cho tờ báo. Rất nhiều tên gọi được đề xuất, nhưng vẫn chưa có ý tưởng nào mới mẻ. Bất chợt, nhà báo Lê Phi Hùng đọc được bản thảo của một em học sinh gửi về. Đó là bài thơ Hoa Học Trò của bạn Ngô Hồng Phước, học sinh lớp 11 từ Tây Ninh. Trước đây, thi sĩ Xuân Diệu cũng có bài thơ văn xuôi mang tên Hoa Học Trò. Ý tưởng chọn Hoa Học Trò làm tên cho tờ báo của tuổi mới lớn được thống nhất trong tòa soạn. Như một mối duyên, Hồng Phước sau này cũng trở thành phóng viên của báo Thiếu niên Tiền phong với bút danh Cúc Trắng.
Ngay từ việc đặt tên báo, Hoa Học Trò đã có ý thức đổi mới, không khuôn theo cách đặt tên truyền thống trước đó mà mang một nét tươi mới, có tính biểu tượng, gợi mở. Măng-sét Hoa Học Trò là của Thanh Toàn, họa sĩ báo Hà Nội Mới, cũng thể hiện theo tinh thần ấy.
Ban biên tập thành lập một ban mới, gọi đơn giản là Ban biên tập Hoa Học Trò. Sau nhiều lựa chọn các ứng viên, cuối cùng ban này được giao cho một ê-kíp hoàn toàn mới, đúng như dự kiến ban đầu của TBT Nguyễn Phong Doanh: Trưởng ban Nguyễn Như Mai cùng hai nhà báo Đoàn Công Huynh (Lê Huy) và Phạm Bích Vân. Từ ba hạt nhân ấy, sau này phát triển lớn mạnh thành một ban “đặc biệt” đầy xung lực và sức sáng tạo, bên cạnh các ban còn lại của Tòa soạn chung.
Theo giấy phép xuất bản (số 1251/BC-GPXB), Hoa Học Trò bấy giờ chỉ là số chuyên đề dành cho tuổi mới lớn của báo Thiếu niên Tiền phong. Mỗi tháng ra một kỳ, sau đó ra hàng tuần, được gọi là tuần san. Tuy nhiên, Hoa Học Trò đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu, được bạn đọc coi đó như một tờ báo: Báo Hoa Học Trò, gọi tắt là báo Hoa.
Năm 1953, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đoàn Thanh niên Cứu quốc (tên khi đó của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày nay) quyết tâm ra một tờ báo thay thế những tờ báo tiền thân lúc đó đã không còn xuất bản. Từ sự đóng góp của đoàn viên, thanh niên cả nước, ngày 16/11/1953, báo Tiền Phong ra số đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc. Ngày 16/11 tới đây, báo Tiền Phong kỷ niệm 70 năm ngày bắt đầu lịch sử vẻ vang của mình.