Câu chuyện thành công về vắc xin của Cuba dạy cho thế giới những bài học lớn
Cuba còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Tại quốc đảo này, việc có đủ điện sinh hoạt cũng là một thách thức. Tuy nhiên, Cuba lại là một trong những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới (90%), thậm chí vắc xin còn do chính họ tạo ra.
Thành công kỳ diệu
Tướng Máximo Gómez, một nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến tranh giành độc lập thế kỷ 19 của Cuba chống lại Tây Ban Nha từng có câu nói nổi tiếng rằng: “Người Cuba hoặc không đạt được mục tiêu - hoặc đi quá xa”.
Hơn 90% dân số của Cuba đã được tiêm chủng vắc xin Covid-19, thậm chí phần lớn đều đã được tiêm mũi thứ ba. Ảnh: Reuters
Một thế kỷ rưỡi sau, câu nói theo kiểu ngụ ngôn đó lại trở thành sự thật. Hòn đảo bị áp bức, bị cấm vận này dù phải vật lộn để duy trì đủ ánh điện vào ban đêm, nhưng lại có thể tiêm vắc xin Covid-19 cho gần như tất cả người dân của mình.
Hơn 90% dân số Cuba đã được tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin “cây nhà lá vườn” do chính các chuyên gia của nước này sáng chế và sản xuất, trong khi 83% đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong số các quốc gia có dân số hơn một triệu người, chỉ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.
John Kirk, giáo sư danh dự về nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Dalhousie, Canada cho biết: “Cuba là nạn nhân của chủ nghĩa hiện thực huyền diệu. Ý tưởng rằng Cuba, chỉ với 11 triệu dân và thu nhập hạn chế, có thể trở thành một cường quốc công nghệ sinh học, có thể là điều khó hiểu đối với một số chuyên gia đang làm việc tại Pfizer, nhưng đối với Cuba thì hoàn toàn có thể”.
Giống như hầu hết các nước Mỹ Latinh, Cuba biết rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc mua vắc xin trên thị trường quốc tế. Vì vậy, vào tháng 3 năm 2020, do dự trữ ngoại hối giảm mạnh vì mất doanh thu du lịch và các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, các nhà khoa học của hòn đảo đã buộc phải bắt tay vào làm việc.
Để rồi, quyết tâm, khát vọng của người Cuba đã được đền đáp: mùa xuân năm ngoái, Cuba trở thành quốc gia nhỏ nhất trên thế giới phát triển và sản xuất thành công vắc xin Covid của riêng mình. Kể từ đó, hệ thống y tế của họ đã triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho gần như toàn thể nhân dân, kể cả trẻ nhỏ. Lưu ý, việc tiêm chủng tại Cuba không hề bắt buộc, như phần lớn ở các quốc gia khác trên thế giới, tất cả đều tự nguyện.
Theo các thử nghiệm lâm sàng do Cuba tiến hành hồi đầu năm 2021, cả hai loại vắc xin do họ sáng chế và sản xuất đều có hiệu quả trên 90%, không kém bất cứ loại vắc xin đắt tiền nào trên thế giới. Việc triển khai thành công đã làm giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mức cao nhất ở tây bán cầu vào mùa hè năm ngoái xuống mức thấp hiện nay.
Hồi tháng 8 năm ngoái, hòn đảo này từng báo cáo hàng trăm người chết vì Covid mỗi tuần; song tuần trước có 3 trường hợp - đạt tỷ lệ tử vong trên đầu người thuộc hàng thấp nhất thế giới. Một điều thần kỳ!
Thành công vắc xin của Cuba càng nổi bật hơn khi so với tình trạng tồi tệ hoặc quá tải của dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở hầu hết các quốc gia khác, kể cả những quốc gia giàu có mà chỉ một vài tỷ phú của họ cũng có thể mua được tất cả số vắc xin cho nhân loại, như Mỹ hay các nước phát triển tại châu Âu.
Xin được nhắc lại, tình hình kinh tế của Cuba vẫn rất khó khăn, kể cả trong lĩnh vực y tế. Do ngoại tệ mạnh đã bị cắt giảm một nửa trong 2 năm qua, lượng thuốc kháng sinh tại Cuba hiện khan hiếm đến mức 20 viên thuốc amoxicillin được giao dịch trên thị trường chợ đen với giá tương đương với một tháng lương tối thiểu. Thậm chí, do không còn đủ bột thạch cao, các bác sĩ ở một số tỉnh còn phải dùng đến các tấm bìa cát tông cũ để bó bột cho các bệnh nhân bị gãy xương!
Thành quả từ… thời Fidel Castro
Gregory Biniowsky, một luật sư tại Havana, cho biết: “Kể từ cuộc cách mạng năm 1959, người dân Cuba đã bắt tay vào những cuộc đại thập tự chinh, tuy kỳ lạ nhưng thường thành công”.
Abdala và Soberana là 2 loại vắc xin do Cuba sản xuất và đều rất hiệu quả. Ảnh: Reuters
Biniowsky nói, một ví dụ điển hình là ước mơ đầu tư một tỷ USD vào công nghệ sinh học của Fidel Castro sau khi Liên Xô tan rã. “Bất kỳ cố vấn lý trí nào cũng đã nói rằng đây không phải lúc để đầu tư nguồn lực lớn vào một thứ gì đó mà kết quả chỉ có thể thấy sau 25 năm. Và bây giờ chúng ta đang ở đây… nơi mà những thành quả đầu tư vào công nghệ sinh học này đang cứu sống nhiều người”.
Tất nhiên, cũng có những cuộc “thập tự chinh” của Cuba chịu thất bại, như vụ thu hoạch đường 10 triệu tấn năm 1970 nhằm sản xuất một lượng đường chưa từng có để thúc đẩy tăng trưởng. Và để chặt mía, công nhân đã được huy động từ các nghề khác, qua đó làm tê liệt ngành công nghiệp và tàn phá nền kinh tế.
Hiển nhiên, những ý tưởng vĩ đại không phải lúc nào cũng thành công, bởi còn phụ thuộc vào thời thế. Nhưng rõ ràng, ý tưởng đầu tư cho công nghệ sinh học nói riêng, y tế nói chung của cố Chủ tịch Fidel Castro đã thành công vang dội.
Hal Klepak, giáo sư danh dự về lịch sử và chiến lược tại Đại học Quân sự Hoàng gia Canada, cho biết: “Cuba là một quốc gia có xu hướng thực sự giỏi với những việc vĩ đại, song lại khá tệ với những việc hàng ngày”.
“Toàn bộ ý tưởng về điện khí hóa đất nước này chỉ được thực hiện trong vòng chưa đầy một thập kỷ, xóa bỏ nạn mù chữ trong 2,5 năm và chủ nghĩa quốc tế về y tế - tất cả đều là những kế hoạch điên rồ. Nhưng họ đã làm được”.
Nền y học Cuba không phải đến giờ mới được biết đến là rất tốt. Quốc gia còn nghèo khó này luôn nằm trong những nền y học hàng đầu thế giới, là quốc gia xuất khẩu các bác sỹ top đầu thế giới. Ngày nay, Cuba có hàng chục nghìn bác sĩ và y tá làm công việc nhân đạo trên thế giới, nhưng khá đáng tiếc lại không trồng đủ khoai tây cho người dân.
Hệ thống kế hoạch hóa nhà nước tập trung cao độ của Cuba có thể được đem ra giải thích cho nghịch lý trên. Ý chí chính trị từ trên, các mục tiêu được thúc đẩy và bộ máy hành chính đồng nhất đã giúp Cuba nâng tầm thực hiện nhiệm vụ trở thành một loại hình nghệ thuật.
Thực tế, tỷ lệ lây nhiễm tại Cuba hiện đang tăng lên do biến thể Omicron. Song các nhà khoa học của họ đã bắt đầu tạo ra một loại vắc xin chống lại biến thể mới này. Vì vậy, cũng đừng ngạc nhiên nếu như Cuba sẽ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có vắc xin riêng cho Omicron.
Trước hết, Bộ Y tế Cộng đồng Cuba đã nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường, đặt mục tiêu cung cấp cho toàn bộ người dân mũi vắc xin thứ ba trong tháng này.
Dù còn thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn về kinh tế, song Cuba đã dạy cho thế giới không chỉ một mà còn nhiều bài học lớn trong đại dịch Covid-19. Ít nhất, Cuba đã làm được những điều mà nhiều quốc gia giàu có, hiện đại hay dư thừa tiền của cũng không làm được trong đại dịch này.