Câu chuyện truyền cảm hứng của phi hành gia khuyết tật đầu tiên trên thế giới

VĐV Paralympic người Anh John McFall đang trở thành tiêu điểm chú ý khi trở thành người khuyết tật đầu tiên được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho phép tham gia các sứ mệnh không gian trong tương lai.

VĐV Paralympic người Anh John McFall trở thành người khuyết tật đầu tiên được ESA cho phép tham gia các sứ mệnh không gian trong tương lai. Ảnh: European Space Agency

VĐV Paralympic người Anh John McFall trở thành người khuyết tật đầu tiên được ESA cho phép tham gia các sứ mệnh không gian trong tương lai. Ảnh: European Space Agency

Ông John McFall, người đã giành Huy chương Đồng ở nội dung chạy 100 mét tại Paralympic Bắc Kinh 2008, hiện đang có mặt ở Pháp để ủng hộ đội tuyển Anh tại Paralympic Paris 2024. Ở tuổi 43, McFall mong muốn chứng minh rằng các vận động viên xuất sắc có thể tiếp tục vượt qua những rào cản ngày càng lớn hơn.

Năm 19 tuổi, tham vọng sự nghiệp của McFall đã bị phá vỡ khi phải cắt bỏ chân phải phía trên đầu gối sau vụ tai nạn xe máy ở Thái Lan. Những ngày đầu sau vụ tai nạn thực sự là quãng thời gian đen tối đối với McFall, trước khi ông tìm thấy niềm an ủi và mục đích mới trong thể thao.

VĐV McFall chia sẻ: "Trong 8 năm kể từ khi mất chân đến khi tham gia thi đấu ở Bắc Kinh, tôi đã học được rất nhiều điều về bản thân mình: Có lẽ quan trọng nhất là nếu tôi nỗ lực, tôi có thể đạt được bất cứ điều gì tôi muốn."

Hiện tại, ông McFall đang bắt đầu một thử thách mới với tư cách là "phi hành gia khuyết tật" đầu tiên trên thế giới. Cơ hội này xuất hiện cách đây 3năm, khi ông tiếp cận một nghiên cứu của ESA nhằm xác định xem những người khuyết tật có thể làm thành viên phi hành đoàn đầy đủ trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) được hay không.

Tháng trước, ông McFall đã vượt qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt, bao gồm việc thực hiện quy trình khẩn cấp trên quỹ đạo và thích nghi với trọng lực vi mô, giúp ông đủ điều kiện tham gia các sứ mệnh không gian trong tương lai. Quá trình đào tạo của ông cũng đánh giá tác động của trọng lực vi mô lên mật độ xương và sự phân phối chất lỏng, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ khít của các bộ phận như chân tay giả.

Có mặt tại Paris, ông McFall hi vọng câu chuyện của mình cùng nỗ lực của 4.000 VĐV khuyết tật tham gia Paralympic 2024 sẽ truyền cảm hứng cho những người đang phải đối mặt với những thay đổi lớn trong cuộc sống. Đặc biệt, ông nhấn mạnh nỗ lực tìm kiếm đam mê và mục đích để vượt qua những thách thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Linh Tô (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cau-chuyen-truyen-cam-hung-cua-phi-hanh-gia-khuyet-tat-dau-tien-tren-the-gioi-20240827170938973.htm