Câu chuyện ứng dụng TikTok - Khi nền tảng giải trí 'lấn sân' vào vũ đài chính trị
TikTok là một trong những ứng dụng phổ biến nhất trong thời kỳ đại dịch Covid-19 nhờ vào vô số những video ngắn mang nội dung giải trí. Giờ đây, ứng dụng này đã vượt ra khỏi ranh giới đó và đang dần bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới: chính trị.
Biểu tượng của TikTok tại một hội chợ ở Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)
Chính trị trên TikTok
Sau thử nghiệm cho phép người dùng đăng tải những đoạn video ngắn có nội dung chính trị, ứng dụng này đang trở thành nền tảng cho những người biểu tình trong thời điểm bất ổn xã hội nổ ra trên toàn thế giới. Thay đổi này đã mang đến nhiều thách thức cho TikTok, khi mà nội dung của nền tảng thường chỉ là những màn giải trí vô hại.
Trong một thời gian dài, chính trị là điều cấm kỵ ở TikTok. Ứng dụng sở hữu 500 triệu người dùng trên toàn cầu này từng gỡ bỏ toàn bộ nội dung khiến mọi người không hài lòng, bao gồm cấm hay gắn cờ với những video về người khuyết tật, ăn mặc quá hở hang, thậm chí cả những video có tiêu đề “Make America Great Again”.
Năm 2019, TikTok yêu cầu những người kiểm duyệt nội dung gỡ bỏ các video về biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) khi tình hình ở đặc khu này đang “nóng”. Hồi tháng 5, một số người dùng TikTok phản ánh rằng, hashtag “Black Lives Matter” bị chặn khỏi ứng dụng trong khi các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd đang nổ ra trên khắp nước Mỹ. TikTok ngay lập tức xin lỗi và nói rằng đó là lỗi kỹ thuật.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, trên nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội này đã xuất hiện thêm những video về người biểu tình, trong đó có cảnh các cửa hàng bị cướp phá, cảnh sát Mỹ ném lựu đạn hơi cay vào người biểu tình, hay một người đàn ông bị thương do trúng đạn được đưa đi. Đây được cho là những nội dung chắc chắn sẽ bị chặn nếu TikTok vẫn áp dụng chính sách cũ.
Một số người dùng có chung xu hướng chính trị đang tìm cách tập hợp lại trên TikTok. Tháng 6 vừa qua, khi cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tulsa, Oklahoma thu hút được ít người tham gia hơn kỳ vọng, nhiều tài khoản TikTok tuyên bố rằng, họ đang dự trữ một lượng vé lớn nhưng quyết định ở nhà nhằm làm đảo lộn mọi dự đoán và phá hỏng chiến dịch của ông Trump. Tuy vậy, đội ngũ vận động tranh cử của cựu tỷ phú New York phủ nhận điều này và cho rằng, nguyên nhân nằm ở các cuộc biểu tình bạo lực và “truyền thông thiên vị”.
Vòng xoáy cạnh tranh nước lớn
Trong khi đó, ByteDance - công ty mẹ của TikTok đang bày tỏ ý định rút ứng dụng này khỏi thị trường Hong Kong, nơi luật an ninh quốc gia mới vừa có hiệu lực. Luật này sẽ cho phép cảnh sát yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp dữ liệu.
Bên cạnh đó, TikTok đang chịu áp lực ngày một gia tăng từ Washington khi có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc an ninh quốc gia bị đe dọa. Theo đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấm các nhân viên tải ứng dụng TikTok về các thiết bị của Chính phủ. Một số nghị sĩ mong muốn mở rộng lệnh cấm này, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ, chính quyền của Tổng thống Trump đang muốn hạn chế người dùng Mỹ tiếp cận TikTok.
Người phát ngôn của TikTok nói rằng, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ đề nghị truy cập vào bất cứ tài khoản nào và TikTok cũng sẽ không chấp nhận lời đề nghị đó. Mặc dù công ty mẹ đặt tại Trung Quốc, TikTok đã đăng ký kinh doanh ở quần đảo Cayman (nằm ở phía Tây vùng biển Caribbean) và có văn phòng CEO ở Los Angeles (Mỹ).
“TikTok thậm chí không được sử dụng ở Trung Quốc. Những chính sách về nội dung và kiểm duyệt được đưa ra bởi đội ngũ có trụ sở ở Mỹ và không bị ảnh hưởng bởi bất cứ chính phủ nước ngoài nào”, đại diện TikTok khẳng định.
TikTok đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua. Theo công ty nghiên cứu Sensor Tower, TikTok có được hơn 315 triệu lượt tải trong 3 tháng đầu năm 2020, cao hơn bất kỳ ứng dụng nào khác. Trong tháng 6, chỉ tính riêng nước Mỹ đã có 7,5 triệu người tải về ứng dụng này.