Câu chuyện về chai tương ớt của người gốc Việt 'thống trị' mọi nhà hàng trên đất Mỹ
Dòng sản phẩm tương ớt cay nồng hiệu con gà xuất hiện trên mỗi bàn ăn ở gần như mọi nhà hàng tại đất Mỹ, chính là từ bộ óc và đôi tay người gốc Việt tạo ra.
Hãy hỏi một người sành ăn sống tại Mỹ về bí kíp sống còn khi đi ăn nhà hàng, họ sẽ cho bạn biết đó không còn gì khác ngoài chai tương ớt Huy Fong. Griffin Hammond, một tín đồ của giáo phái ăn cay, đã có dịp ghé thăm nhà máy sản xuất của nhãn hiệu tương ớt trứ danh này. Hãy cùng theo chân anh ta và sẵn sàng để được cay nồng nơi sống mũi nhé.
“Nhìn tôi đây này. Khẩu trang bịt kín, mắt kính che cao, thế mà mùi nồng của ớt jalapenõ vẫn khiến tôi chảy nước mũi, vã nước mắt. Tôi sắp cảm thấy không thở nổi nữa rồi”, nhà làm phim 34 tuổi người Mỹ vừa phấn khích, vừa “khóc ròng” chia sẻ, khi đặt chân vào bên trong nhà máy.
Nói không ngoa, hãy để một chút tương ớt Huy Fong nằm gọn trên lưỡi, nó sẽ khiến miệng bạn mở ra ngay không chỉ vì sự cay nồng mà còn vì bạn sẽ phải buông lời khen ngợi. Vị cay sẽ nhẹ nhàng tan đi để rồi dư vị nhuốm mùi tỏi sẽ còn phảng phất nơi đáy mũi.
Chinh phục cả những khách hàng khó tính
Hơn 45 triệu kilogram ớt jalapenõ được thu mua mỗi năm để tạo ra dòng tương ớt Huy Fong huyền thoại. Hình ảnh chú gà trống trên chai tương đã được đăng ký độc quyền trên toàn cầu, nó đã bắt đầu chinh phục những thực khách dù là khó tính nhất từ năm 1980.
Có lẽ bạn không biết chai tương ớt này nổi tiếng đến độ nào đâu. Đến mức người ta đưa nó vào văn hóa đại chúng ở Mỹ: cánh tay người con trai xăm hình chai tương ớt, biển xe đặt riêng chỉ để ghi rõ tên của thương hiệu, phi hành gia nâng niu nó mang lên Trạm Không gian Quốc tế trên quỹ đạo.
Người ái mộ nó có mặt ở khắp nơi, và những người tìm tòi sự sáng tạo trong ẩm thực cũng vậy: họ đổ tương ớt vào hầu hết mọi món ăn, họ chan đầy tương ớt lên tấm pizza dày, họ dành riêng một chén tương ớt để chấm với sushi, họ hòa quyện tương ớt thấm vào từng sợi mì cũng như ăn cùng với món phở Việt Nam.
Những người mới chân ướt chân ráo bước vào các nhà hàng món Á ở Mỹ, sẽ không biết chai nhựa màu đỏ nắp xanh kia là gì, thậm chí có người còn lầm tưởng đó là nước sốt vị gà bởi hình ảnh trên nhãn chai. “Nhiều người Mỹ thậm chí còn không biết đây là sản phẩm được sản xuất ngay trên đất Mỹ, và đó là lý do tôi sẽ đưa bạn vào câu chuyện của hôm nay”, Hammond chia sẻ.
Bên trên và bên dưới chú gà trống trên nhãn chai, dòng chữ tiếng Hoa và tiếng Việt được ghi rõ cùng chú thích Anh ngữ. Dòng sản phẩm chính của Huy Fong là Tương ớt Sriracha, loại tương ớt có xuất xứ từ thành phố biển Si Racha ở miền trung Thái Lan. Nhưng đây không phải là sản phẩm của người Thái, mà là của một người gốc Việt.
Tương ớt Huy Fong được sản xuất tại một nhà máy ở Irwindale, California. Hàng chục triệu chai tương ớt to hơn một cái nắm tay của bạn được đẩy ra khỏi nhà máy mỗi năm. Trông số lượng khổng lồ là thế, nhưng nhu cầu thực tế của thị trường vẫn còn vượt xa hơn như vậy.
Sau khi chiến tranh kết thúc, David Tran - chủ sở hữu thương hiệu tương ớt Huy Fong - rời khỏi Việt Nam vào năm 1979. Ông cùng gia đình đi trên một con tàu chở hàng của Hong Kong có tên gọi Huey Fong, con tàu neo ở biển suốt 30 ngày trước khi lên đất liền. Gia đình ông sau đó chuyển đến Mỹ định cư.
Khi mới đặt chân đến Boston, Tran cũng như nhiều người Việt Nam sống trên đất Mỹ lúc đó, mong muốn tìm chút dư vị quê nhà và phải đánh vật để tìm được ớt tươi. Rõ ràng Boston quá lạnh, không phải là nơi lý tưởng để gieo trồng loại cây nóng bỏng này, thế là ông chuyển đến California, nơi có điều kiện khí hậu khá tương đồng với Việt Nam.
“Lúc bấy giờ, ông Tran chỉ đơn giản là tìm một công việc gì đó để làm. Ông nhận ra đồng bào của mình ở Los Angeles rất khao khát món tương ớt như ở Việt Nam, thế là ông bắt tay vào làm. Thời gian đầu, ông tự xay ớt bằng tay, rót tương vào chai rồi tự đi giao đến tận nhà người đặt mua trên khắp California bằng chiếc hơi nhỏ xíu”, Hammond cho biết.
Từ những hộ gia đình người Việt, sản phẩm tương ớt của ông Tran nhanh chóng lan rộng khắp khu phố Tàu ở Los Angeles suốt thập niên 1980 rồi trở thành một đế chế như ngày nay. Giờ đây khi đã bước vào ngưỡng tuổi 70, ông Tran vẫn tự mình giám sát cơ nghiệp trị giá 80 triệu USD.
“Tôi không có gì trong tay ngoài vợ và con khi đặt chân đến Mỹ. Tôi cần 2.000 USD mỗi tháng để trang trải cuộc sống. Tôi thấy ớt và tôi làm tương. Tôi không làm gì khác ngoài tương ớt. Cuối cùng tôi đã kiếm được nhiều hơn số tiền tôi cần trong tháng đầu tiên và mọi chuyện vẫn như vậy cho đến ngày nay”, ông Tran chia sẻ.
Hữu xạ tự nhiên hương
Giờ đây, Huy Fong Foods đã sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường, như gia vị cay sambal oelek hay tương tỏi ớt. Nhưng Tương ớt Sriracha vẫn là sản phẩm chủ đạo với 12.000 chai xuất xưởng mỗi giờ để phục vụ những cái miệng không sợ bỏng lưỡi vì cay xè.
Liệu số lượng sản phẩm bán ra như vậy có đủ làm bạn kinh ngạc? Nếu chưa thì bạn cũng nên biết rằng, công ty của ông Tran chưa bao giờ chạy quảng cáo. Từ chai tương ớt đầu tiên đến hàng triệu chai tương trong nhà ngoài quán, đế chế hùng mạnh của ông được gây dựng nên từ những lời truyền miệng.
“Một đồn mười, mười đồn trăm”, “hữu xạ tự nhiên hương”, món tương ớt cay nồng được mọi người biết đến qua những lời bàn tán thật tâm thật lòng. Trên mạng xã hội, những người trót phải lòng món tương cay đã không ngừng tạo ra các sản phẩm giải trí lấy chủ đề Huy Fong Foods, họ sáng tác những bài hát với giai điệu dễ thuộc, những bức tranh đầy sắc màu bắt mắt.
Thị trấn Si Racha thuộc tỉnh Chonburi, nằm ven biển miền trung Thái Lan, là cái nôi của món tương ớt đậm vị này. Người dân bản địa thường ăn hải sản kèm theo một chất sốt làm từ ớt hoặc ăn cơm trắng kèm ớt giã nhuyễn. Người phụ nữ tên Thanom Chakkapak được cho là đã sáng tạo ra loại tương này vào năm 1949.
Người Thái Lan nói riêng và người Nam Á nói chung vốn rất thích ăn cay, họ không nghĩ người phương Tây cũng thích ăn cay như vậy. Đó là lý do tại sao họ vô cùng bất ngờ khi thấy món tương ớt đặc sản quê mình lại trở nên nổi tiếng ở bên kia đại dương như vậy.
Các công ty Thái Lan đã cố gắng giành lấy một mẩu bánh thị phần tương ớt từ tay Huy Fong, nhưng mọi nỗ lực đều trở nên vô vọng. Thế là họ tập trung sang thị trường Trung Quốc, nơi các sản phẩm tương ớt của họ bị làm nhái, và để lại miếng bánh màu mỡ ở Mỹ cho gia đình ông Tran - vốn dĩ trước giờ vẫn thế.
Huy Fong Foods là một “vương quốc” theo chủ nghĩa gia đình trị. Con trai ông Tran là chủ tịch công ty trong khi con gái của ông là phó chủ tịch. Mặc dù thành công là như vậy, nhưng ông Tran cho biết mình không hề có mục đích muốn kiếm thêm tiền.
“Giấc mơ của tôi chỉ đơn giản là tạo ra món tương ớt để phục vụ mọi người, chỉ như vậy là đủ. Mục tiêu của tôi không phải là kiếm được nhiều tiền. Đừng làm việc chỉ để có nhiều tiền, nếu không bạn sẽ chẳng bao giờ thành công”, ông Tran tâm sự.
Tại sao thương hiệu của ông gắn liền với con gà trống? Đó là vì ông sinh ra vào năm Dậu. Đó là chú gà miệt mài tìm kiếm sâu bọ dưới lòng đất, cũng như người đàn ông tìm kiếm cơ hội để tạo nên món tương ớt dành cho người Mỹ.