Câu chuyện về cô bạn dũng cảm trở thành 'sư phụ của các chiến binh' ở tuổi 17
HHT - Bạn Nguyễn Khánh Trân (lớp 11 trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, TP.HCM) lần đầu trở thành cô giáo Gen Z khi quyết định mở lớp dạy võ tự vệ cho trẻ em HIV mang tên The Little Warriors.
Là người hùng của chính mình
Khánh Trân chia sẻ, những năm tháng tiểu học thật sự là giai đoạn “không thể quên”. “Mình rất hay bị châm chọc rằng vừa đen vừa xí”. Vậy là từ nhỏ, cô bạn đã quyết định theo học võ Taekwondo để tự vệ.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Trân tham gia một số hoạt động tìm hiểu thông tin về phòng chống HIV/AIDS. Nhờ vậy mà bạn biết được rằng các bệnh nhân HIV/AIDS ngoài những vấn đề sức khỏe thì còn phải chịu cảnh bị ghẻ lạnh, xa lánh. Trân rất mong các bạn nhỏ bẩm sinh mang căn bệnh này do bị lây truyền từ cha mẹ sẽ không còn mặc cảm và bị bắt nạt nữa.
Đến năm học cấp Ba, Khánh Trân nảy ra ý tưởng và nung nấu quyết tâm xây dựng dự án Những Chiến Binh Nhỏ (The Little Warriors)- một lớp học võ cho các trẻ em HIV/AIDS với khẩu hiệu: “Hãy là người hùng của chính mình”.
Vượt từng rào cản
Khánh Trân bắt tay vào thực hiện dự án “Dạy võ tự vệ cho trẻ em HIV” bằng những bước đi đầu tiên cơ bản nhất: Lên mạng tìm kiếm các mái ấm có nuôi dưỡng trẻ em có HIV, gọi điện xác nhận, lập fanpage kêu gọi đồng đội…
Khó khăn đầu tiên là thuyết phục sự đồng ý của gia đình vì bố mẹ cũng lo bạn không đủ sức quán xuyến lớp, hay sơ ý gặp sự cố không may, đặc biệt là sợ bạn không có đủ thời gian tập trung vào việc học. Để ba mẹ có thể “chốt đơn” đồng ý, Trân đã lập bản kế hoạch dạy võ cho các bé ở mái ấm với lịch học thật cụ thể. Bạn cũng hứa sẽ “cày” 200% công lực học và hoàn thành bài tập về nhà vào thứ Bảy để ngày Chủ nhật có thể dành thời gian cho lớp võ của mình.
Tiếp đến, Trân gặp thêm một “ải” khó nhằn nữa là đi chiêu mộ những “đồng môn Taekwondo”cùng đứng lớp. Vì là dự án dạy võ cho trẻ em HIV nên Trân tích cực chia sẻ thông tin đầy đủ về các con đường lây nhiễm như HIV để mọi người thấu hiểu và yên tâm. Trân cùng các bạn tham khảo những đòn đá Taekwondo thật an toàn, cũng như tại lớp luôn có trang bị đầy đủ các dụng cụ và phương pháp sơ cứu cho các bé khi gặp chấn thương. Thêm nữa là các em nhỏ được uống thuốc từ lúc mới sinh nên nồng độ H (vi-rút HIV) rất thấp, có bé cũng được xem như là khỏi hẳn. Với những thông tin rõ ràng và thuyết phục, Trân đã chào đón thêm nhiều gương mặt về “đội” của mình.
Chọn địa điểm dạy học là thử thách tiếp theo. Những cơ sở nuôi dạy trẻ HIV ngay tại trung tâm TP.HCM đa số đã có nhiều hoạt động nên từ chối sự hỗ trợ của dự án. Thế là Trân cùng cả team lặn lội tìm đến cơ sở của các sơ ở TP.Thủ Đức. Các bạn nhỏ tại đây tỏ ra rất hứng thú với bộ môn này.
Việc thực hiện dự án được thực hiện cẩn trọng để đảm bảo quyền riêng tư cho các bạn nhỏ như không quay hình, không quảng cáo, tôn trọng hình ảnh và thông tin cá nhân của các bạn nhỏ... Tất cả những điều đó càng làm Trân và team nhận thức rõ trách nhiệm với lớp võ đặc biệt này.
Làm “võ sư” có khó không?
Khó bởi để dạy võ cho các bạn nhỏ thì giỏi võ là chưa đủ! Kỷ niệm khiến cô “võ sư” Gen Z khó quên nhất có lẽ là những buổi phải trở thành “sứ giả hòa bình” khi các bé trong lớp xung đột và đòi… uýnh nhau. Lúc đó, Trân cũng “rén” vì để can thiệp một cuộc xung đột của trẻ nhỏ đòi hỏi sự bình tĩnh và công tâm của người đứng lớp.
Trân đã dắt hai bé ra một khu vực riêng để nói chuyện, giải thích cho các em hiểu vì sao mình không được lấy bạo lực ra giải quyết xung đột. Đặc biệt, càng là một võ sĩ thì càng không bao giờ dùng nắm đấm để “nói chuyện” với nhau. Học võ là để bảo vệ mình chứ không phải để ra oai với người khác. Giải thích xong, các bé gật gù xuôi tai. Trân cũng cảm nhận được cảm giác hạnh phúc và tự hào nho nhỏ.
Cũng từ những trải nghiệm đó mà Trân và các bạn trong nhóm gần gũi hơn với các cô cậu bé dễ thương, để rồi cùng nhau tâm sự về mong muốn và con đường tương lai của các “các chiến binh nhỏ”. Dù là đến lớp để dạy võ nhưng cũng tại đó, Trân học được ở các em nghị lực sống kiên cường, sự hồn nhiên vô tư, cũng như trân trọng những điều may mắn mà mình đang có.