Câu chuyện về 'Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái'

Ngày 25/4, kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản CAND - Cơ quan đại diện Cục Truyền thông CAND phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu tác phẩm truyện ký 'Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái' của nhà văn Trầm Hương.

Buổi giao lưu có sự tham dự của 20 nữ thanh niên xung phong (TNXP) từng tham gia chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ trên con đường này, cùng sự có mặt của rất đông đảo các em sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh…

Nhà văn Trầm Hương nói về cuốn sách.

Nhà văn Trầm Hương nói về cuốn sách.

Nói về nguồn gốc của cái tên “Đường 1C”, ông Chín Tần (Thầy thuốc ưu tú Trần Minh Hữu, nguyên Chủ nhiệm Bệnh xá Trung Đoàn 195 và Liên đội TNXP tuyến đường 1C) cho biết, năm 1966 là thời kỳ cao trào cách mạng kháng chiến chống Mỹ của miền Tây Nam Bộ, vùng giải phóng mở rộng, nối liền 6 tỉnh Khu 9.

Cùng lúc đó, đường Hồ Chí Minh trên biển do Đoàn 962 phụ trách bị địch phát hiện, phong tỏa, đánh phá gắt gao nên gặp nhiều khó khăn. Trong lúc đó, vũ khí khí tài từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ đã đến miền Đông Nam Bộ.

Cuộc giao lưu kể lại những câu chuyện, kỷ niệm xúc động, hào hùng một thời của những nữ TNXP.

Cuộc giao lưu kể lại những câu chuyện, kỷ niệm xúc động, hào hùng một thời của những nữ TNXP.

Muốn vận chuyển lượng vũ khí khí tài này đến tận mũi Cà Mau, miền Tây Nam Bộ phải cấp tốc tổ chức lực lượng vận chuyển. Đó là lý do khiến các đội TNXP miền Tây Nam Bộ được thành lập và tuyến đường giao thông vận tải 1C ra đời.

Và trong hơn 800 người làm nên huyền thoại con đường 1C này, có đến hai phần ba lực lượng là nữ. Từ năm 1966 đến 1975, các nữ TNXP 1C tuổi mười tám, đôi mươi đói ăn, thiếu mặc; mùa khô cõng trên lưng số hàng hóa gấp đôi trọng lượng cơ thể; mùa mưa lội sình, bùn, đẩy, kéo, bơi xuồng... chuyên chở vũ khí, khí tài về các tỉnh miền Tây Nam Bộ; đưa đường cán bộ, bộ đội ngược xuôi khắp các chiến trường Khu 8, Khu 9, đồng thời chiến đấu chống địch, bảo vệ kho tàng, căn cứ...

Để cắt đứt tuyến đường huyết mạch, địch đã dùng phi pháo, B52, Na-pan, xăng đặc, thám báo, biệt kích đánh phá suốt ngày đêm; chúng dùng cả chất độc da cam hủy diệt sự sống... Nhưng ở nơi “sắt thép phải tan chảy”, những người con gái đường 1C đã trụ lại và chiến thắng! Hơn 400 TNXP 1C đã hy sinh, rất nhiều trong số đó không thể tìm thấy hài cốt...

Rất nhiều người trở về sau chiến tranh mang thương tật, những di chứng vết thương chiến tranh nhức nhối, di chứng chất độc da cam, cuộc sống khó khăn thiếu thốn... Nhưng những con người cao đẹp dấn thân vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc năm xưa trong hòa bình vẫn sáng ngời phẩm giá, kiên cường vượt qua những ngày hậu chiến khó khăn, chống đói nghèo, tràn ngập tình yêu thương đồng đội, tìm lại hài cốt những liệt sĩ còn nằm lại trên tuyến đường máu lửa năm xưa...

Sinh viên Trường Đại học ANND với các nữ TNXP 1C.

Sinh viên Trường Đại học ANND với các nữ TNXP 1C.

Trong buổi giao lưu, những con người từ trang sách bước ra cuộc đời, là chứng nhân của tuyến đường lịch sử đã kể lại, chia sẻ những câu chuyện cảm động về những ngày bi tráng không quên.

Lòng yêu nước đã khiến những cô gái trẻ ra đi, dấn thân vào nơi tuyến đường ác liệt, được xem là “Trường Sơn giữa đồng bằng”, nơi sắt thép có thể tan chảy nhưng con người thì trụ lại để chiến đấu, lập nên những chiến công to lớn. Và vì thế, họ đối mặt không ít khó khăn, gian khổ, hy sinh, tổn thất.

Bà Lê Thị Út Mãnh, người con gái tham gia lực lượng TNXP tuyến đường 1C khi mới 16 tuổi, Đại Đội trưởng Đại đội Hòn Đất, Kiên Giang xúc động nói: “Không a nhớ và ghi chép hết, cũng không bút mực nào viết hết sự gian khổ, hy sinh của TNXP 1C…”.

Không chỉ đối mặt với sức mạnh chiến tranh hủy diệt của địch, những nữ TNXP trên con đường huyết mạch đồng bằng Nam Bộ còn phải chiến đấu kiên cường với bệnh tật, thiên tai, hiểm họa rình rập nơi con đường họ bám trụ.

Chỉ nói về việc vệ sinh tắm rửa hay quần áo, các chị em phụ nữ khi ấy cũng có nhiều câu chuyện khiến thế hệ hôm nay nghe được phải kìm nén cảm xúc. Chị Nguyễn Thanh Hồng (Cà Mau) kể: “Chúng tôi không dám chải đầu vì mỗi lần chải, tóc rụng thành từng nắm. Chúng tôi không dám soi gương, cũng không dám nhìn mình dưới mặt nước, bởi vì chúng tôi quá xơ xác, tàn tạ…”.

Ngoài ra, với phụ nữ, phải sống, chiến đấu trong điều kiện nguy hiểm, mất vệ sinh ở vùng sông nước, thiếu thốn đủ bề thì chuyện bị bệnh tật, nhất là bệnh ngoài da như lác hay bệnh phụ khoa là chuyện gần như thường ngày…

Những câu chuyện và những kỷ niệm được các chị em TNXP kể lại với những cảm xúc bồi hồi, xúc động, gợi nhớ về một thời hào hùng và cũng đầy hy sinh gian khổ.

Cuộc giao lưu đã góp phần kết nối các thế hệ, để những người tuổi trẻ hôm nay hiểu thêm những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước, càng trân quý những ngày hòa bình.

Phú Lữ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/cau-chuyen-ve-duong-1c-huyen-thoai-nhung-bo-vai-con-gai-638617/