Câu chuyện về 'một chuyến trở về'
Các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, học giả, nghệ nhân, các nhà khoa học xã hội xét về khía cạnh nào đó thì đúng là họ không mang lại lợi ích vật chất, tiền bạc có thể cân đong, đo đếm nhưng cái họ mang lại là kiến thức và sự nhận biết, là cái cao cả và tử tế, là cái đẹp và sự xúc động, là những giá trị thuộc về 'Con Người' viết hoa…
Ông bà mình có câu nhắc nhở rất sâu sắc: “Lá rụng về cội”! Vậy là, đi đâu, ở đâu, cũng cần phải nhớ về nguồn cội và nếu có cơ duyên quay về nguồn cội! Và, nhạc sư Vĩnh Bảo đã trở về cái làng Cao Lãnh thân thương thấm đậm hồn xưa, tích cũ - hành trình trở về nguồn cội!
Trong bộn bề của cuộc sống, để sinh tồn, con người thường hướng về cái hữu hình có thể “đong, đo, đếm”: giàu - nghèo, sang - hèn, danh - lợi, cao - thấp... Rồi đôi khi tỉnh mình lại, mỗi người cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó, mất mát một điều gì đó, nhầm lẫn một điều gì đó... mà không cảm nhận được. Đó là cảm xúc, đó là hồn người, đó là chiều sâu của những giá trị văn hóa vô hình. Có những người có thể bù đắp, có thể giúp cho ta “tỉnh người lại”, sống chậm hơn một chút, sống tốt hơn một chút, sống thanh thản hơn một chút. Một trong những con người ấy là nhạc sư Vĩnh Bảo, một người biến tài hoa thành giá trị. Giá trị không chỉ từ những thang âm truyền thống được “búng gảy” từ đôi tay gầy guộc, mà từ những thang âm cuộc đời được “bung bật” lên từ trái tim nhân hậu, khoan dung, thủy chung, sâu sắc.
Trên con đường đi tìm kiếm sự thịnh vượng cho quê hương xứ sở, chắc hẳn, ai cũng đã từng phải lo cái ăn cái mặc, cái nhà cái cửa, cái nơi mình sống, cái chỗ mình làm. Muốn vậy, phải thu hút nhà đầu tư, phải kết nối nguồn lực. “Có thực mới vực được đạo” mà! Lĩnh vực phát triển kinh tế ở đâu, lúc nào cũng được xem là “hơi thở” không thể thiếu nếu muốn làm cho quê hương trở nên trù phú, người dân giàu có, hạnh phúc. Và như vậy, có những lúc không tránh khỏi đâu đó xem văn hóa trong thời buổi “cơm áo, gạo tiền” là những gì hơi xa xỉ. Và có những lúc đâu đó hạ thấp vai trò của văn hóa trong dòng chảy của sự phát triển. Và như vậy, cái hữu hình kinh tế với những con số định lượng cho sự tăng trưởng đôi khi lấn át vai trò vô hình của văn hóa vốn dĩ là một động lực khơi thông dòng chảy hữu hình trong trái tim, khối óc mỗi người.
Nhưng, như ai đó tổng kết rằng, mọi cái hữu hình có thể mất đi chỉ có văn hóa vô hình vẫn còn mãi. Có người còn nhấn mạnh: “Mất văn hóa là mất tất cả”! Và đó chính là cơ duyên để quê hương Đồng Tháp kết nối với người nhạc sư xa xứ và đón cụ trở về nơi nguồn cội, nơi “tiếng gà Cao Lãnh vẫn thảnh thót trưa hè”, nơi những đóa sen hồng vẫn vươn mình ngát hương buổi sáng. Nhạc sư trở về nhẹ nhàng trong ngôi nhà bình dị bên con rạch Cái Sâu bình dị mỗi ngày hai con nước lớn ròng. Nhạc sư trở về đâu chỉ đánh thức sự cảm thụ những thang âm tài tử Nam Bộ, mà còn đánh thức niềm tự hào với quê hương xứ sở của biết bao con người đất sen hồng hôm nay và mai sau. Quê hương đó có người con được nhìn nhận như “quốc bảo”, người đã bằng âm nhạc góp phần làm rạng danh người Việt mình.
Lại nói về nguồn vốn cho sự phát triển, niềm tự hào có phải là nguồn vốn không? Chắc hẳn là có! Một khi con người không còn biết tự hào về nơi mình sinh ra, lớn lên, học tập, làm việc thì có lẽ cũng sẽ thiếu đi niềm tin vào một ngày mai tươi sáng của quê hương mình. Một biểu tượng sống, như người nhạc sư đáng kính với đầy ắp triết lý nhân sinh để lại cho bao người, sẽ là thỏi nam châm hút mọi người gần nhau hơn, hợp tác với nhau hơn, sống tử tế với nhau hơn. Niềm tin được tạo ra từ người nhạc sư ấy, văn hóa trong mỗi con người cũng sẽ được vun đắp từ người nhạc sư ấy - một “báu vật nhân văn sống” như UNESCO định nghĩa.
Căn nhà nhỏ bên con rạch nhỏ nhưng chứa đựng trong đó một trái tim lớn, một tấm lòng nhân hậu bao la, một nhân cách làm cho mỗi người khi tiếp xúc tự nhìn lại mình, tự nhủ lòng mình, tự răn mình trước bao điều chập chờn trong cuộc sống muôn màu. Tiếng đàn bổng trầm, thánh thót, nhặt khoan trong căn nhà nhỏ ấy đã gieo vào lòng biết bao con người suốt hành trình trăm năm, nay lại gieo tiếp vào những người con đất sen hồng khát vọng lớn lao vì sự phát triển của quê hương. Căn nhà nhỏ ấy do chính những người con của đất sen hồng tạo dựng để trở thành nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa trong và ngoài nước. Tài sản văn hóa đã hình thành như thế từ một câu chuyện trân trọng mời gọi nhân tài và được nhân tài hào hứng trở về, ở lại…
Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cau-chuyen-ve-mot-chuyen-tro-ve-25194.html