Câu chuyện về người thầy đã 'bỏ nghề y theo nghề giáo'
31 tuổi, ông Quý quyết tâm thi đỗ đại học Sư phạm để mang con chữ đến với những học trò nghèo vùng cao và nhận nuôi cậu bé mồ côi người Xê Đăng.
Đậu đại học ở tuổi 31
Tốt nghiệp ngành Y trường Trung cấp Y tế Quảng Nam, ông Võ Đình Quý (56 tuổi, ở thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), có bảy năm liền công tác tại Trạm Y tế xã Đại Chánh (huyện Đại Lộc).
Khi cảm thấy ngành y dường như “hết duyên” với mình, ông Quý quyết định rẽ ngang, bắt đầu cuộc chinh phục nghề “lái đò” chở chữ cho trò.
Năm 1996, khi đó thầy Quý đã ở cái tuổi 31, cái tuổi dường như nhiều người sẽ tính đến chuyện lo làm ăn để chăm lo cho vợ con. Nhưng ông lại suy nghĩ và có một quyết định khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
Thầy Quý nhớ lại: “Người ta hay bảo nghề chọn mình. Thời điểm còn công tác tại trạm y tế xã, bản thân tôi cảm thấy đã hết duyên với nghề y nên quyết định xuống thị trấn Ái Nghĩa ôn thi Đại học.
Trong năm đó, bản thân rất vui mừng khi mình đậu vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chuyên ngành Tiếng anh”
Sau khi cầm giấy quyết định trúng tuyển trong tay, thầy Quý đành gửi gắm người vợ trẻ cùng hai con thơ lại quê nhà để ra Đà Nẵng chuyên tâm học tập.
“Bây giờ nhờ lại cái cảm giác ngày ấy vẫn còn lâng lâng! Thời đó khó khăn lắm, ngày nhận quyết định nhập học, vợ giã từng hạt thóc, sàn gạo để mình khăn gói đi học, nhìn cảnh đó nước mắt cứ thể chảy ra”, thầy Quý nhớ lại.
Theo thầy Quý, để đậu vào được chuyên ngành tiếng Anh là một nỗ lực không hề nhỏ, bởi khi đó rất ít người theo đuổi chuyên ngành này, hơn nữa chuyên ngành này cũng rất khó.
Sau thời gian dài cố gắng không ngừng, năm 2000, thầy Quý tốt nghiệp đại học.
“4 năm chỉ chuyên tâm học tập nên không lo được gì cho vợ con cả. Đến khi ra trường, về xin dạy hợp đồng theo lịch trống các trường trên địa bàn huyện Đại Lộc nhưng với đồng lương quá ít ỏi nên cũng gặp vô vàn khó khăn”, thầy Quý chia sẻ.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
4 năm gắn với nghề dạy chữ, một lần nữa thầy Quý lại tiếp tục cắp sách đi thi và đậu công chức.
Thầy Quý nói: “Thời điểm đó, những con chữ, con số còn là thứ xa lạ đối với đồng bào vùng cao. Nên khi đậu công chức, tôi quyết định xin lên giảng dạy tại điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú – trung học cơ sở Trà Cang huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam)”, thầy Quý nói.
Trong trí nhớ của thầy Quý, lần đầu lên tới trường thì mọi thứ còn muôn vàn khó khăn.Đời sống đồng bào chủ yếu dựa vào nương ngô, rẫy sắn nên còn thiếu thốn.
Cứ vào ngày mùa học sinh lại theo cha mẹ lên rẫy, vì vậy để “bắt” trò ra lớp là công việc hàng ngày, hàng tuần. Vậy nhưng thầy vẫn kiên trì thuyết phục được các phụ huynh. Còn các cháu bé cũng bắt đầu tin và yêu con chữ.
“Khi lên đây dạy, vì điều kiện đi lại khó khăn nên mỗi dịp Tết mới được về nhà để bên cạnh vợ con. Lúc tóc tai chởm dài, thầy trò và đồng nghiệp trong trường tự cắt cho nhau.
Điều sợ nhất là vào mùa mưa, núi lở, học sinh thì ở xung quanh nhà nội trú, nhiều khi thầy trò ăn canh rau nấu với muối, cuối tuần mới có thời gian đi hái măng rừng”.
Trong một lần dẫn đoàn học sinh ra thị trấn Tắk Pỏ (huyện Nam Trà My) để cõng lương thực về trường, thầy Quý đã gặp Hồ Văn Bằng (13 tuổi), người đồng bào Xê Đăng.
Bằng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải làm thuê, cõng hàng để “đổi cơm” trong tiệm tạp hóa bên bến sông Tranh.
“Thời điểm tôi gặp Bằng là lúc em ấy đang ngồi nấu rượu với ánh mắt đượm buồn, khi tôi hỏi em có muốn đi học không? Bằng liền đáp…dạ có ạ!
Dù đi học nhưng vì miếng cơm manh áo, cậu học trò này vẫn xin làm phụ việc trong một quán ăn. Hàng ngày vẫn “cõng hàng để đổi cơm” cho no bụng”, thầy Quý nghẹn lại khi nhắc đến đứa con nuôi của mình.
Tình nghĩa thầy trò - cha con
Thấy hoàn cảnh đáng thương của Bằng, hàng ngày sau những giờ lên lớp, thầy Quý lại tìm đến thăm và động viên. Tình cảm giữa hai thầy trò ngày càng sâu nặng và thầy Quý đã quyết định nhận Bằng làm con nuôi.
Vì muốn được gần gũi, chăm sóc vợ con sau thời gian dài xa cách, tháng 8/2006, thầy Quý xin chuyển công tác về huyện Đại Lộc.
“Khi biết tin tôi xin về quê nhà, thằng Bằng xin theo về cho bằng được. Vì không muốn xa con, cũng như mong muốn bù đắp cho Bằng có cuộc sống thiếu thốn tình cảm nên hai cha con dắt nhau về”, thầy Quý nhớ lại.
Anh Hồ Văn Bằng cho biết, được làm con của bố Quý là niềm hạnh phúc lớn lao của mình. Hai bố con đã trải qua những năm tháng khó khăn, cùng nương tựa vào nhau trong những ngày bám trường, bám bản.
Ngày trở lại vùng cao Nam Trà My để thăm mọi người, hai bố con thầy Quý được đồng bào, học sinh đón tiếp như những người thân lâu ngày trở về quê. Món quà hai cha con trao gửi lại người dân nơi đây là những ký cá khô, gia vị.
Hiện nay, anh Bằng cũng đã lập gia đình và đã có một cô con gái năm nay 9 tuổi và ở gần nhà với thầy Quý.
“Về dưới này cuộc sống khác hẳn, bây giờ chỉ mong khỏe mạnh để kiếm tiền nuôi gia đình và đền đáp công ơn nuôi dưỡng của bố Quý”, anh Bằng tâm sự.