Câu chuyện về những người hướng thiện : Kỳ 1: Katơr Kinh - người giữ rừng của đồng bào Raglai
Mỗi người đều có những sai lầm. Với Katơr Kinh, sau vấp ngã, anh luôn biết phản tỉnh để trở thành người có ích cho cộng đồng.
Chuyện của Katơr Kinh
Katơr Kinh sinh năm 1983, là người dân tộc Raglai. Khi ở lứa tuổi đôi mươi, Katơr Kinh phá rừng làm rẫy theo như tập tục cũ của dân làng. Dù được cán bộ kiểm lâm vận động nhiều lần, nhưng mới cưới vợ, lại mong muốn thay đổi kinh tế gia đình, anh bất chấp để kiếm tiền, khiến nhiều mảnh rừng đã tàn lụi.
Đến khi bị khởi tố, bắt giam, Katơr Kinh mới biết, mảnh đất rừng mình phá, nhiều cây rừng mình đốn hạ là những tài sản quý giá của quốc gia. Án tù 4 năm ở thời trai trẻ đã làm thay đổi hẳn tính tình của Katơr Kinh.
Katơr Kinh đi tuần tra rừng cùng tổ của mình
Già làng Katơr Thinh vẫn còn nhớ như in: “Mới đầu về làng, Katơr Kinh xấu hổ lắm, rồi từ từ được nhiều người động viên, vì tuổi trẻ ai mà chẳng mắc sai lầm. Sau đó, vợ chồng nó lo làm kinh tế, trồng cây ăn trái. Bây giờ nó quay trở lại tuyên truyền dân làng phải bảo vệ rừng, không đốt than, làm củi nữa”.
Theo chỉ dẫn của người dân bản địa, chúng tôi tìm đến nhà của Katơr Kinh, tại thôn Hành Rạc 1, xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Katơr Kinh có một căn nhà đơn sơ nằm trên ngọn đồi cao, xây để cho những công nhân làm đường ở nhờ, còn cha con anh sinh sống trong căn chòi rẫy cách đó không xa.
Những công nhân làm đường kể lại, con đường vào Phước Bình đã được thi công từ 2 năm nay. Hiện họ đang xây một cây cầu bắc qua sông cái, nối liền hai thôn với nhau. Và, đó cũng là chừng ấy thời gian họ phải ở nhờ trong nhà của Katơr Kinh.
Nhà Katơr Kinh có 4 người, vợ anh đã đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, một mình anh chăm 2 đứa con nhỏ. Ban ngày, Katơr Kinh phải đưa đón tụi nhỏ đến trường, ban đêm nhắc nhở các con học bài. Những hôm anh đi rừng thì gửi con lại ở nhà mẹ ruột.
Khu rừng Katơr Kinh được giao bảo vệ thuộc Vườn quốc gia Phước Bình, bắt đầu từ con suối Gia Nhông thuộc tiểu khu 30A kéo dài đến thôn Gia É. Với hơn 50ha đất rừng, mà chỉ có 10 thành viên, thế nên mỗi đợt tuần tra có khi phải đi gần cả tuần.
Bên ghè rượu ủ lâu ngày chỉ dành để đãi khách quý, Katơr Kinh kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi rừng của mình. Tiếng Kinh lơ lớ hòa vào tiếng mưa đêm tí tách trên lá rừng làm cho câu chuyện trở nên lôi cuốn, kỳ thú hơn.
Mảnh rừng mà anh được giao chủ yếu là những cây gỗ lớn thuộc họ dầu, trên những tầng cao có rất nhiều loài lan rừng quý hiếm được đưa vào Sách đỏ. Thế nên việc trộm hoa lan cũng như việc phá rừng làm rẫy theo tập quán là hai vấn nạn mà Tổ Cộng đồng bảo vệ rừng phải đương đầu ngay từ những ngày đầu tiên thành lập
. Katơr Kinh nhớ lại: “Vì là người trẻ tuổi nên lời nói của mình lúc mới lên làm trưởng thôn không mấy trọng lượng, có đêm đi khuyên giải người dân không nên đốt rừng làm rẫy, lúc trở về bị đám thanh niên đe dọa, đòi đánh”.
Nguyên nhân khiến Katơr Kinh dấn thân vào công việc khá nguy hiểm này, đó là “mình hối hận vì từng làm sai, và mình biết phải sửa lỗi lầm bằng việc làm thiết thực, chứ không nói suông được”.
Còn già làng Katơr Thinh thì kể cho chúng tôi nghe: “Ngày xưa, cộng đồng người Raglai thường sống dọc theo triền sông hoặc trên lưng chừng núi. Về sau được Nhà nước vận động nên họ đã xuống thung lũng, thế nhưng việc phát triển kinh tế, văn hóa cho người dân luôn là những điều trăn trở.
Giữa năm 2017, Katơr Kinh tiên phong trong việc trồng xen canh giữa cây bưởi với bắp lai và cây chuối. Khi làm mô hình có lợi nhuận cao, kiếm được tiền, Katơr Kinh đã chủ động kết hợp với công an và kiểm lâm tuyên truyền vận động đến từng nhà làm theo.
Đến nay, xã Phước Bình đã có nhiều hộ gia đình ăn nên làm ra, và nạn phá rừng làm rẫy ở đây hầu như không còn. Giờ thì đám thanh niên trong làng cũng quý trọng và thân thiết với Katơr Kinh hơn, chuyên tâm làm ăn”.
Nguyện giữ rừng
Vui vẻ, thân thiết và trở thành tiếng nói có trọng lượng trong cộng đồng người Raglai ở thôn Hành Rạc 1, thế nên hầu như đã không ai còn nhớ đến một quãng đời khá tăm tối của người giữ rừng ngày nay. Trung úy Pi Năng Trường, cán bộ an ninh ở đây còn tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi từ khi ra trường về phụ trách xã Phước Bình được hơn 3 năm, anh chưa từng nghe nói về việc Katơr Kinh là người đã từng phải “xộ khám”.
Katơr Kinh khá thoải mái khi kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian chấp hành án 4 năm tại trại tạm giam công an tỉnh về tội phá rừng. Anh cho biết: “Nó ray rứt lắm, cho đến khi chuộc được lỗi, bảo vệ được những cây rừng nơi mình được giao trọng tránh, mình mới nhẹ nhàng. Những lần đi rừng, thấy các cây rừng phát triển, mình rất sung sướng, không biết làm sao diễn tả được niềm vui đó”.
Chính vì niềm hạnh phúc đó mà Katơr Kinh luôn hướng tình yêu về rừng. Ở Vườn quốc gia, việc tuần tra rừng chưa bao giờ là dễ dàng với lực lượng chuyên trách.
Với Katơr Kinh cũng vậy, việc đi tuần bảo vệ rừng, có nhiều đêm họ phải ngủ trong rừng sâu, sau những đêm mưa tỉnh dậy là bắt gặp rắn lục hay bọ cạp núi bò trên đầu võng, chui vào bên trong giày, có khi nấp trong xoong nồi, ba-lô, túi gạo… nếu không cẩn thận sẽ bị “dính” nọc độc bất kỳ lúc nào.
Cũng có khi gặp mưa lớn, nước trên núi đổ xuống, không ít lần Katơr Kinh và các anh em trong tổ tuần tra phải nhanh chóng thu gói hành trang, rồi chạy thật nhanh đến chỗ cao để tránh bị dòng nước dữ cuốn trôi.
Vất vả là vậy nhưng với Katơr Kinh, hình ảnh những tia sáng mặt trời xuyên rừng rọi qua kẽ lá của những cây gỗ to căng tràn sức sống, những cụm lan rừng nở rộ, mùi hương thơm lừng... khiến Katơr Kinh tin yêu cuộc sống ở hiện tại. Đó cũng là động lực, phần thưởng vô giá để Katơr Kinh thêm vững vàng mỗi bước chân khi dấn thân tuần tra, bảo vệ rừng.
“Từ khi Katơr Kinh được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn Hành Rạc 1 kiêm Tổ phó Tổ Cộng đồng bảo vệ rừng, thì Tổ đã phát huy vai trò bảo vệ rừng, nạn chặt gỗ của lâm tặc đã hạn chế nhiều. Giữ gìn được màu xanh bình yên nơi đây, nhất định phải kể đến câu chuyện của Katơr Kinh và những người giữ rừng”, Thượng tá Pi Năng Nhật, Phó Trưởng Công an huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//tuthienxahoi/2020/10/20/16c689/