Câu chuyện về sự giác ngộ

'Đèo Shiokari' không chỉ là câu chuyện về một sự kiện có thật mà còn là một thông điệp về tình người, sự hy sinh và niềm tin vào những điều tốt đẹp.

 Tiểu thuyết Đèo Shiokari được nhiều thế hệ độc giả ở Nhật Bản yêu thích. Ảnh: NXB Trẻ.

Tiểu thuyết Đèo Shiokari được nhiều thế hệ độc giả ở Nhật Bản yêu thích. Ảnh: NXB Trẻ.

Câu chuyện của Nagano Masao, nguyên mẫu cho nhân vật chính Nobuo Nagano trong tiểu thuyết, đã trở thành một nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ, và từng được giảng dạy trong nhà trường tại Nhật suốt một thời gian dài. Đèo Shiokari đã trở thành một tác phẩm kinh điển, được nhiều thế hệ độc giả xứ sở hoa anh đào yêu thích.

Nhân vật chính Nobuo Nagano sinh ra dưới thời Minh Trị, trong một gia đình thuộc tầng lớp samurai cũ, cha làm việc ở ngân hàng. Lúc này Nhật Bản đang đứng trước cuộc chuyển mình mang tính lịch sử khi xã hội phong kiến suy tàn. Muốn lưu giữ truyền thống lâu đời của gia tộc, nên từ khi Nobuo Nagano còn nhỏ, bà nội của cậu đã răn dạy cháu trai về tinh thần trung thành, bất khuất của các võ sĩ đạo.

Cậu vẫn sẽ tin mọi điều bà nói là đúng cho đến một ngày cậu phát hiện ra một bí mật động trời. Bà nội của Nobou Nagano nói với cháu trai rằng mẹ của cậu đã mất sau khi sinh. Nhưng sự thật không phải như vậy, người mẹ ấy vẫn còn sống, chỉ là không được phép gặp con trai. Thậm chí, cậu bé còn có một cô em gái. Nguyên do của sự dối trá này là vì bà nội cậu căm ghét người theo đạo Thiên Chúa và trớ trêu thay, mẹ cậu lại là một con chiên ngoan đạo.

Ngay khi người mẹ trở về, đã có lúc Nobuo hồ nghi về tình cảm của mẹ khi trách bà tại sao không ở lại chăm sóc cho cậu hay cảm thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình khi cả cha, mẹ và em gái đều theo đạo. Đã có lúc, cậu cảm thấy bị phản bội khi chính cha cậu cũng cúi đầu cầu nguyện trong bữa ăn.

Tuy vậy, cậu cũng sớm tìm được sự đồng cảm từ người bạn Yoshikawa. Sau một lần tham gia thử thách can đảm, hai người họ đã kết thân với nhau và chia sẻ những suy nghĩ tuổi mới lớn. Chính Yoshikawa sau này đã viết thư cho Nobuo, trả lời những khúc mắc và là điểm tựa tinh thần cho cậu.

“Không ai là công chính, dẫu một người cũng không.” Rô-ma 3:10.

Câu nói này đã xuất hiện ngay khi Nobuo tự nhận mình là một người tốt không điểm chê. Lúc này, cậu đã mười tám tuổi và được người anh họ Takashi “dạy dỗ” về những thay đổi sinh lý đầu đời. Cũng chính anh Takashi đã đưa cuốn sách Kinh Thánh cho Nobuo, để rồi từ đây, khơi gợi trong lòng cậu những suy nghĩ về Thiên Chúa giáo. Lần đầu tiên trong đời, cậu đã hỏi mẹ rằng tại sao bà lại muốn trở thành một người theo đạo Thiên Chúa và bắt đầu hoài nghi về sự tồn tại của bản thân.

“Thế nhưng hôm nay nghe cậu nói chuyện, mình nghĩ rằng có lẽ bản thân mình đây cũng là sự tồn tại mang một sứ mệnh nào đó”.

Trong suốt cuộc đời, Nobuo liên tục đặt câu hỏi, tiếp thu ý kiến từ những người xung quanh, suy ngẫm về bản thân và tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Cậu học được cách yêu thương cả những người đau yếu dù họ không phải người nhà của mình, dành trọn tình cảm và hứa chăm sóc suốt đời cho người em gái ốm đau của Yoshikawa, đứng ra bảo lãnh danh dự cho Mihori, một nhân viên tại ga đường sắt Sapporo nhưng lén ăn trộm tiền của đồng nghiệp, và đỉnh điểm là anh dũng hi sinh để cứu một toa tàu chở đầy hành khách tại đèo Shiokari.

“Tuy nhiên, con người không phải ai cũng hiểu và cảm thông cho kẻ yếu hơn mình như cậu đâu. Bởi ngay cả những người thân trong gia đình khi người bệnh đau đớn lâu ngày quá, có khi họ cũng nói sao không chết sớm đi cho bớt khổ”.

Đây không đơn giản chỉ là một câu chuyện về sự hi sinh, mà còn tập trung vào việc mô tả những suy nghĩ cả Nobuo về các khía cạnh trong cuộc sống và những thay đổi trong suy nghĩ theo thời gian. Tất cả chúng ta đều làm như vậy trong suốt những năm tháng của mình, vì vậy độc giả sẽ dễ dàng tìm thấy chính mình trong những suy nghĩ và mối quan tâm của Nobuo.

Đèo Shiokari không chỉ là một câu chuyện tôn giáo, mà là hành trình học hỏi và tự vấn để trưởng thành, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và đối mặt với cái chết.

Năm 1973, cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên bởi đạo diễn Noboru Nakamura với sự tham gia của Seiya Nakano trong vai Nobuo Nagano, Yoshitaro Asakawa và Yuriko Abe. Cuốn sách cũng có phiên bản truyện tranh được minh họa bởi Nodama Sumi và được phát hành dưới sự giám sát của chồng tiểu thuyết gia Miura, ông Mitsuyo.

Hạnh Nguyễn

Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-chuyen-ve-su-giac-ngo-post1528784.html