Câu chuyện về tính cấp bách và tính an toàn của tiêm vaccine Covid-19 trên thế giới

Việc tiêm vaccine là rất cần thiết để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Nhưng do các vaccine này được phê duyệt khẩn cấp nên đã xuất hiện các lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của vaccine.

Bất cứ ai cũng nên được tiêm chủng mũi đầu tiên càng nhanh càng tốt và việc tiêm vaccine Covid-19 hướng đến bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

Đây là lời khuyên của các chuyên gia y tế trong bối cảnh diễn biến đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp do xuất hiện biến chủng Delta.

Tuy nhiên, do các loại vaccine trên thế giới đều được phê duyệt khẩn cấp nên đã xuất hiện những lo ngại về mức độ an toàn cũng như hiệu quả của các loại vaccine ngừa Covid-19, nhất là khi virus xuất hiện những biến thể nguy hiểm hơn. Bài toán này được giải quyết ra sao ở các quốc gia sản xuất vaccine cũng như những quốc gia nhập khẩu vaccine?

Vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Ảnh: CGTN.

Vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Ảnh: CGTN.

Vaccine Trung Quốc hiệu quả đến đâu?

Là quốc gia tự chủ nguồn cung vaccine, cho đến nay vaccine Sinopharm của Trung Quốc được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc đăng ký lưu hành tại 87 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về mức độ an toàn cũng như hiệu quả của một số loại vaccine của Trung Quốc. Mới đây các chuyên gia Trung Quốc khẳng định, vaccine nội địa của nước này có hiệu quả với biến thể Delta.

Việc lo ngại về mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine nói chung và vaccine Trung Quốc nói riêng là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi cho đến nay sau khi nhiều nước đã tiêm vaccine với tỷ lệ khá cao như Israel, Anh, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)... vẫn xuất hiện không ít các ca mắc Covid-19, thậm chí cả các trường hợp tử vong.

Ở Trung Quốc, mặc dù đã hoàn thành hơn 1,7 tỷ liều vaccine Covid-19 tính đến ngày 3/8, song tỷ lệ tiêm ở nước này không đồng đều. Nhiều thành phố lớn và khu vực biên giới tỷ lệ tiêm khá cao, đạt hoặc sát ngưỡng miễn dịch cộng đồng, tức trên 80%, như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hải Nam..., nhưng cũng có nơi chỉ đạt khoảng 30%. Đáng chú ý là trong các đợt dịch bùng phát gần đây do biến thể Delta gây ra ở Quảng Châu, Nam Kinh, nhiều trường hợp mắc bệnh là người đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19.

Tuy nhiên, theo các quan chức y tế và chuyên gia hàng đầu Trung Quốc, vaccine của nước này vẫn có tác dụng bảo vệ trước biến thể Delta, dù hiệu quả có giảm.

Trong phản ứng mới nhất đưa ra ngày 5/8, ông Hạ Thanh Hoa, quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khẳng định, chủng đột biến Delta không gây ra sự thay đổi đặc tính sinh học của virus, nguồn lây nhiễm và con đường lây truyền cơ bản rõ ràng. Các biện pháp phòng chống dịch hiện nay và vaccine hiện có vẫn có tác dụng phòng bệnh và bảo vệ tốt trước biến thể Delta, giúp giảm nguy cơ và khả năng lây truyền của virus, giảm tỷ lệ bệnh nặng và tỷ lệ tử vong sau lây nhiễm một cách hiệu quả.

Trước đó, ông Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng của Trung Quốc cũng dẫn kết quả nghiên cứu về đợt dịch ở Quảng Châu do biến thể Delta gây ra hồi tháng 5 cho biết, hiệu quả bảo vệ của vaccine đối với các trường hợp nặng là 100%, hiệu quả bảo vệ đối với các trường hợp trung bình, nhẹ và không triệu chứng lần lượt là 76,9%, 67,2% và 63,2%.

Thông tin trên tài khoản WeChat chính thức của Sinopharm đăng hôm 2/8 vừa qua cũng thừa nhận, hoạt tính trung hòa kháng thể của vaccine công ty này trước chủng đột biến Delta đã giảm khoảng 32%, tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine này tỷ lệ bảo vệ vẫn là 68%, tức vẫn có tác dụng bảo vệ tốt trước biến thể Delta.

Vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã được dùng để tiêm cho hơn 5.000 đại biểu Nhân đại Toàn quốc (tức Quốc hội) và ủy viên Chính hiệp Toàn quốc (tức Mặt trận) của nước này trước kỳ họp Lưỡng hội thường niên, hoạt động chính trị quan trọng của Trung Quốc vừa tổ chức hồi tháng 3 năm nay.

Về phản ứng sau tiêm, đến nay, Trung Quốc mới công khai bộ dữ liệu duy nhất tính đến 30/4, thời điểm nước này hoàn thành 265 triệu liều vaccine Covid-19. Theo đó, có hơn 31.400 trường hợp có các phản ứng sau tiêm, chiếm tỷ lệ 11,86/100.000 liều. Đặc biệt là không có trường hợp nào tử vong và chỉ có 188 trường hợp phản ứng nghiêm trọng.

Theo Cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, tỷ lệ phản ứng thông thường và bất thường của vaccine Covid-19 tại nước này thấp hơn mức trung bình của các loại vaccine khác trong năm 2019.

Có một điều phải khẳng định rằng, tất cả các loại vaccine Covid-19 được phê duyệt hiện nay đều chỉ là sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, do vậy vẫn cần phải được kiểm nghiệm trên thực tế mới có thể kết luận hiệu quả thực sự ra sao.

Kỳ vọng của Trung Quốc vào chiến dịch tiêm vaccine

Mặc dù nhiều người ở Trung Quốc đã hoàn thành đủ 2 mũi vaccine Covid-19 vẫn mắc bệnh, nhưng đa phần trong số họ đều có triệu chứng nhẹ, do vậy Trung Quốc vẫn đang tăng tốc chiến dịch tiêm chủng quốc gia, nhằm cố gắng đạt khoảng 70% dân số được tiêm đến cuối năm 2021.

Theo giải thích của các chuyên gia nước này, trên thế giới không có loại vaccine nào là hoàn hảo 100%. Ngay cả những người từng mắc Covid-19 cũng không đảm bảo chắc chắn là sẽ không mắc lại, dù là Covid-19 hay các bệnh truyền nhiễm khác. Còn về khả năng bảo vệ, chuyên gia cho rằng, vaccine có 3 tầng bảo vệ, thứ nhất giúp không bị nhiễm, thứ hai giúp không bị bệnh nặng hoặc dẫn đến tử vong và thứ ba là giúp không để lây sang người khác. Do vậy cần phân tích hiệu quả của vaccine từ cả 3 tầng bảo vệ này.

Liên quan đến mũi tiêm tăng cường, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm, kết quả cho thấy, mức độ kháng thể trung hòa của vaccine đã bị giảm sau 6 tháng, nhưng việc tiêm hai liều đã tạo trí nhớ miễn dịch tốt. Do vậy, sau khi tiêm liều thứ ba, phản ứng miễn dịch mạnh mẽ đã nhanh chóng được tạo ra và hiệu giá của kháng thể trung hòa đã tăng lên đáng kể, với mức tăng từ 3-5 lần trong 28 ngày sau khi tiêm liều thứ ba so với 28 ngày sau liều thứ hai. Khoảng cách giữa liều thứ ba và liều thứ hai càng dài, mức tăng càng cao.

Theo đánh giá sơ bộ của chuyên gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, đối với cộng đồng dân cư đã hoàn thành tiêm chủng trong vòng một năm, hiện không cần tiêm mũi nhắc lại. Tuy nhiên, đối với những người cao tuổi đã hoàn thành tiêm chủng hơn 6-12 tháng, chức năng miễn dịch kém và có bệnh nền, những người làm việc ở các khu vực và ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao có thể xem xét tiêm mũi tăng cường, song việc làm này vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Xuất phát từ những phân tích và nhận thức trên, giới chức và chuyên gia Trung Quốc vẫn kêu gọi người dân nhanh chóng đi tiêm để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Hiện nước này đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi trước thời điểm bước vào năm học mới. Sau đó, các đối tượng tiêm sẽ được mở rộng sang nhóm trẻ em từ 3-11 tuổi.

Nhiều nước Trung Đông dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dân số tiêm vaccine

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát và sau khi các vaccine được WHO phê duyệt, UAE đã triển khai sáng kiến toàn cầu về vận chuyển, dự trữ và đẩy nhanh việc phân phối vaccine trên khắp thế giới. Sáng kiến đã tạo điều kiện thuận lợi UAE thu gom vaccine từ các địa điểm sản xuất khác nhau ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và sau đó chuyển đến các điểm đến khác nhau. UAE đặt mục tiêu hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu vận chuyển và phân phối vaccine Covid-19 đến tất cả các nơi trên thế giới, đồng thời cung cấp 18 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021. Điều này giúp UAE có đủ nguồn cung vaccine cho tiêm chủng toàn dân.

Chiến lược đa dạng hóa vaccine, góp phần đưa ra những lựa chọn an toàn và sẵn có tốt nhất cho tất cả các nhóm đối tượng của xã hội. Có bốn loại vaccine ở UAE sử dụng hiện nay cho tiêm chủng toàn dân là Sinopharm, Pfizer-BioNTech, Sputnik V và Oxford-AstraZeneca. Các loại vaccine này được cấp miễn phí cho công dân và cư dân trên cơ sở tùy chọn.

Trong đó "Sinopharm" của Trung Quốc được đánh giá hiệu quả 86% và 100% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp bệnh vừa và nặng, còn vaccine Sputnik V hiệu quả là 91,4%, trong khi hiệu quả của nó đối với các trường hợp bệnh nặng là 100%. Bên cạnh đó, nước này còn hợp tác với công ty Sinopharma Trung Quốc sản xuất vaccine “Hayat-Fax” với công suất ban đầu là hai triệu liều mỗi tháng và hiệu quả của vaccine là 79,34%.

Với sự chủ động trong việc chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, UAE hiện dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng. Quốc gia này đã cung cấp 15,5 triệu liều vaccine, đủ cho 72,1% dân số. Đây lại là một thành tích đáng kinh ngạc với dân số 10 triệu người và chứng tỏ những nỗ lực về tổ chức và hậu cần mà đất nước đang thực hiện. UAE thông báo rằng 79,3% tổng dân số được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên, trong khi tỷ lệ người nhận hai liều vaccine đạt 70,96% tổng dân số. Nước này đang nỗ lực nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng cùng với kế hoạch tiêm chủng vaccine Sinopharm cho trẻ em từ 3 đến 17 tuổi để ngăn ngừa covid-19. Mặc dù vậy, với biến thể mới của Covid-19 “delta” tỷ lệ mắc Covid-19 ở UAE vẫn ở mức cao với hơn 1.500 ca mỗi ngày hiện nay.

Các loại vaccine nào đang được dùng phổ biến và hiệu quả ở Trung Đông

Có một thực tế như chúng ta đều biết, nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 còn hạn chế. Trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, chỉ nước nào chủ động kế hoạch mua vaccine sớm, có nguồn tài chính và quy mô dân số thấp thì đến nay mới đạt tỉ lệ tiêm chủng cao như UAE, Israel, Arab Saudi hay các nước vùng Vịnh.

Đối với khu vực Bắc Phi và kể cả châu Phi thì việc tiêm chủng còn hạn chế vì điều kiện kinh tế, quy mô dân số đông. Do nguồn cung vaccine hạn chế nên các nước ở Trung Đông, Bắc Phi đều áp dụng chiến lược đa dạng hóa nguồn vaccine, cùng với đó một số nước như UAE, Ai Cập còn chủ động hợp tác với các công ty Sinopharm của Trung Quốc để sản xuất vaccine tại địa phương với kế hoạch tự cung cấp vaccine trong nước và hướng xuất khẩu.

Hay Iran ngoài tự nghiên cứu họ đang hợp tác với Cuba để sản xuất vaccine Soberana 02. Hiệu quả của các loại vaccine mà các nước trong khu vực đang sử dụng dựa trên các kết quả kiểm tra và đánh giá hiệu quả của WHO. Nhìn chung tất cả đều hiệu quả trong phòng ngừa dịch Covid-19 tuy nhiên thì chưa nước nào khẳng định các loại vaccine này hiệu quả 100% sau khi tiêm kể cả đã tiêm đủ hai liều nhất là với các biến thể mới.

Với các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao gần 80% dân số như UAE hay Israel thì hiện nay tỉ lệ mắc Covid-19 ở các nước này vẫn cao từ 1.500 ca tới hơn 2000 ca mỗi ngày do biến thể Covid-19. Ngoài ra, người dân ở các nước trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi không phải ai cũng chủ động hay tự giá đi tiêm chủng vì những lý do khác nhau hoặc chủ quan hoặc coi thường dịch bệnh./.

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh, Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cau-chuyen-ve-tinh-cap-bach-va-tinh-an-toan-cua-tiem-vaccine-covid-19-tren-the-gioi-880493.vov