Câu chuyện về tình mẫu tử độc hại của nghệ sĩ Jennette McCurdy

Hồi ký của nghệ sĩ Jennette McCurdy là lời cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ tái định nghĩa về sự yêu thương con cái.

 Bản tiếng Việt cuốn sách.

Bản tiếng Việt cuốn sách.

Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa nằm trong top 10 danh sách bán chạy nhất của New York Times suốt 84 tuần liên tiếp, là quyển hồi ký của nữ ngôi sao Jennette McCurdy chứa đựng góc khuất không mấy người dám bày tỏ.

Đó là về cách yêu thương con có phần độc đoán của người mẹ ái kỷ. Cũng chính sự lạm dụng, thao túng tâm lý và áp đặt suy nghĩ của người mẹ đó đã dẫn đến những hệ lụy không tưởng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của McCurdy kéo dài hàng chục năm liền.

Để yêu thương và dạy dỗ con cái không hề dễ. Bởi nó không chỉ là chuyện các bậc cha mẹ cứ trao đi tình yêu mà còn đòi hỏi cha mẹ phải thấu hiểu con để biết con thực sự muốn gì và đâu là điều con cần họ giúp đỡ.

Nếu nắm rõ cốt lõi của tình yêu thương thì thật đáng mừng. Thế nhưng có một thực tế là nhiều người chỉ dừng lại ở việc trao hết tình yêu thương của mình cho con cái thông qua những sự quan tâm, nâng đỡ, định hướng... Cha mẹ có thể nghĩ điều đó tốt cho con nên muốn con làm theo nhưng đôi khi lại quên lắng nghe suy nghĩ hay mong ước của con.

Một trong những minh chứng điển hình của việc yêu con sai cách chính là người mẹ của Jennette McCurdy trong cuốn sách Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa. Quyển hồi ký của nữ ngôi sao đã khắc họa chân dung một người mẹ ái kỷ và độc đoán, đã lạm dụng và thao túng tâm lý con gái của mình suốt quãng thời thơ ấu cho đến khi bước qua lứa tuổi trưởng thành.

Bà từng mơ ước trở thành diễn viên nhưng vì không thực hiện được nên đã áp đặt mong muốn đó lên con của mình, dù rằng McCurdy không thích diễn xuất. Bởi thế, kể cả khi biết cô nhen nhóm niềm yêu thích với biên kịch, bà đã nhanh chóng dập tắt trước khi nó kịp thành hình.

Đến tuổi dậy thì, vì để được nhận nhiều vai diễn nhí hơn, bà đã bắt cô phải thực hiện chế độ giảm cân hà khắc, đồng thời làm mọi thứ để cơ thể chậm phát triển. Và cả những thứ nhỏ nhặt nhất như cảm xúc và suy nghĩ cá nhân của McCurdy, vui hay buồn, nói gì hay không nên nói gì, đều bị bà kiểm soát chặt chẽ.

Tất cả hành động trên đều được bà thực hiện nhân danh tình yêu thương con cao cả - vì yêu đứa con gái McCurdy, vì muốn con của mình có cuộc sống sung sướng sau này. Thực tế, đây chẳng phải là sự đánh tráo khái niệm hay sao? Về bản chất, sự áp đặt suy nghĩ và gò ép tiêu cực đó lên con cái cũng bởi vì bà muốn được thỏa mãn những vấn đề cá nhân của riêng bà.

Thông qua Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa, chúng ta được lắng nghe những trải lòng chân thật nhất của tác giả - từ bao cảm xúc bị dồn nén suốt thời thơ ấu đến những hệ lụy mà cô gặp phải trong và sau khi mẹ rời xa cuộc đời. Để rồi, khi nhìn thấy sự đấu tranh gian truân tìm lại chính mình cũng như quá trình hồi phục sức khỏe của Jennette McCurdy, chúng ta sẽ tự vấn lại xem chính mình đã thực sự thấu hiểu con cái của mình chưa, để từ đó dễ dàng cảm thông với những cảm xúc và suy nghĩ của con.

Có thể thấy, Lòng tôi nhẹ khi mẹ rời xa mang lại nhiều giá trị và nhiều góc nhìn cho từng đối tượng người đọc. Quyển hồi ký không chỉ là lời an ủi, động viên những ai đã hoặc đang trải qua những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần khi ở trong một mối quan hệ độc hại; mà còn là lời cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ tái định nghĩa về sự yêu thương con cái, từ đó để thấu hiểu và đồng hành cùng con trưởng thành.

Tú Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-chuyen-ve-tinh-mau-tu-doc-hai-cua-nghe-si-jennette-mccurdy-post1490771.html