Cầu Hòa Bình, cầu Nàng Dình xuống cấp, cần được đầu tư

Tuyến đường huyện số 7 (HL7) kết nối bốn xã khu vực biên giới của huyện Châu Thành là Thành Long, Hòa Hội, Hòa Thạnh và Biên Giới đã được nâng cấp mở rộng từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa đồng bộ khi trên tuyến đường này còn hai cây cầu có tải trọng nhỏ, mặt cầu hẹp lại xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Bề rộng mặt cầu Hòa Bình chỉ vừa đủ 1 xe tải lớn.

Bề rộng mặt cầu Hòa Bình chỉ vừa đủ 1 xe tải lớn.

Cầu xuống cấp, người dân bất an

Với chiều rộng chưa đầy 4m, mặt cầu hư hỏng lại được gia cố bằng những tấm thép mỏng, mỗi lúc có xe tải nặng đi qua, mặt cầu lại rung lên bần bật cùng với những âm thanh va vào nhau của sắt thép khiến người lưu thông qua cầu Hòa Bình (cầu nối giữa hai xã Hòa Hội và Hòa Thạnh) thấp thỏm lo sợ.

Ông Phạm Văn Thắng, ngụ ấp Hiệp Phước, xã Hòa Thạnh cho biết, cầu Hòa Bình được xây dựng từ những năm 1987 bắc qua kênh Sóc Hòa Hội, nối liền hai xã Hòa Hội và Hòa Thạnh, đến khoảng thời gian vào cuối năm 2015, cây cầu này bắt đầu xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, mặt cầu bị vỡ, đứt liên kết ngang, nên các xe tải nặng không thể qua cầu. Sau khi được các cơ quan chức năng gia cố, sửa chữa, cầu tiếp tục được sử dụng đến nay.

Theo ông Thắng, bề rộng mặt cầu Hòa Bình chỉ vừa đủ cho một xe ô tô tải đi qua. Mỗi khi có xe ô tô qua cầu là tất cả các phương tiện khác- kể cả xe máy cũng phải dừng lại chờ, rất bất tiện. Bên cạnh đó, kết cấu mặt cầu yếu, được lót bằng những tấm thép mỏng, nối với nhau bằng bu-lông không liền mạch khiến người dân mỗi khi qua cầu có cảm giác cầu lại run bần bật, không bảo đảm an toàn giao thông.

Theo bà Phạm Thị Nhị, ngụ ấp Hiệp Phước, trên địa bàn xã Hòa Hội có cụm công nghiệp với một số nhà máy sản xuất và chế biến tinh bột mì nên việc vận chuyển bằng xe tải nặng, xe container với tải trọng vài chục tấn là rất nhiều. Do đó, đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ đã yếu là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng của người dân nơi đây.

Mặc dù chưa có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt như cầu Hòa Bình, nhưng với hiện trạng mặt cầu nhỏ hẹp hơn tuyến đường HL7, cầu Nàng Dình đang trở thành nút thắt cổ chai, hạn chế phương tiện qua lại giữa hai xã Hòa Thạnh và Biên Giới.

Ông Lê Văn Lá, ngụ ấp Bến Cầu, xã Biên Giới cho biết, trên địa bàn xã có cửa khẩu phụ Vàm Trảng Trâu với nhiều hoạt động thương mại của người dân hai nước Việt Nam và Campuchia, lượng hàng hóa mua bán ngày một nhiều. Trong khi đó, cầu Nàng Dình nhỏ hẹp gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa của người dân.

Nhiều xe tải trọng lớn vẫn đi qua dù cầu yếu.

Nhiều xe tải trọng lớn vẫn đi qua dù cầu yếu.

Theo ông Lá, cầu Nàng Dình được đưa vào sử dụng đã hơn 30 năm, bề rộng mặt cầu chỉ vừa cho một ô tô dưới 3,5 tấn và một xe máy qua lại mỗi lượt, trong khi nhu cầu giao thương khu vực biên giới ngày càng tăng. Chính vì vậy, người dân rất mong các cơ quan chức năng sớm có phương án nâng cấp, mở rộng cầu để việc vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính quyền địa phương kiến nghị sớm đầu tư cầu mới

Ông Lê Tấn Đạt- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạnh cho biết, từ năm 2015 đến năm 2017, mặt cầu Hòa Bình liên tục sụp lún nặng, khiến cho việc lưu thông qua cầu bị ngưng trệ, địa phương bố trí lực lượng chặn xe, phân luồng giao thông.

Đồng thời, báo cáo với huyện và Sở Giao thông Vận tải khắc phục sự cố. Từ năm 2017 đến nay, cầu tiếp tục khai thác sử dụng nhưng hạn chế về tải trọng và kích thước, không còn phù hợp với điều kiện giao thông hiện nay của địa phương.

Thời gian qua, cử tri trên địa bàn xã đã nhiều lần kiến nghị đến các đại biểu HĐND tỉnh, huyện về việc đầu tư xây dựng cầu mới, bảo đảm an toàn giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của người dân. Việc đầu tư xây dựng cầu mới không những đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân xã Hòa Thạnh mà còn tạo điều kiện để ba xã biên giới của huyện Châu Thành cùng phát triển.

Theo ông Lê Văn Hồng- Chủ tịch UBND xã Biên Giới, hiện nay, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa đã phục hồi hoàn toàn, nhất là hoạt động giao thương với nước bạn Campuchia trên địa bàn xã thông qua cửa khẩu phụ Vàm Trảng Trâu ngày càng nhộn nhịp.

Cầu Nàng Dình nằm trên tuyến đường HL7, được xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác trên 30 năm, không còn phù hợp với điều kiện giao thông hiện nay. Hằng ngày, cầu phải gánh hàng trăm lượt phương tiện lưu thông qua lại, có nhiều xe tải trọng lên đến vài chục tấn.

Địa phương đã kiến nghị với các cơ quan chuyên môn sớm xem xét nâng cấp hoặc xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ, tạo điều kiện cho hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn.

Ông Đỗ Thành Trung- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, trên trục đường HL7 có 2 cây cầu Hòa Bình và cầu Nàng Dình kết nối giao thông các xã Hòa Hội, Hòa Thạnh và Biên Giới. Trong đó, cầu Hòa Bình đã từng xảy ra sự cố vào năm 2017, được Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện tổ chức sửa chữa, gia cố bảo đảm cho phương tiện giao thông qua lại an toàn.

Sau nhiều năm sử dụng, cả 2 cây cầu đang dần bộc lộ nhiều hạn chế như: tình trạng xuống cấp, mặt cầu nhỏ hẹp, tải trọng nhỏ. Để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa ngày một tăng cao của người dân, huyện đã khảo sát và lên kế hoạch đầu tư. Tuy nhiêu, vốn đầu tư quá lớn, địa phương không đủ nguồn lực nên huyện đã đề xuất xin UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng cả hai cầu trên.

Cầu Nàng Dình.

Cầu Nàng Dình.

Cầu Hòa Bình và cầu Nàng Dình vẫn còn đáp ứng khai thác sử dụng

Theo ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, tuyến đường HL7 từ ngã ba chợ Hòa Bình đến xã Biên Giới, huyện Châu Thành có hai cây cầu bắc qua rạch Hòa Hội và rạch Nàng Dình. Cả 2 công trình cầu này được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 1995, kết cấu cầu bê tông cốt thép, mặt cầu rộng 4m (1 làn xe).

Qua thời gian sử dụng, hiện hai cây cầu đã bộc lộ bất cập như: bề rộng mặt cầu nhỏ hẹp, chưa đồng bộ với khổ đường, mặt cầu bị xuống cấp, xuất hiện hư hỏng. Năm 2016, Sở cùng với UBND huyện tổ chức kiểm định, sửa chữa gia cường, nâng tải trọng khai thác 2 cầu trên.

Việc cử tri kiến nghị đầu tư xây dựng cầu Hòa Bình và cầu Nàng Dình là cần thiết. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, nên Sở sẽ ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi nguồn lực rất lớn, việc đầu tư sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, các dự án quan trọng, có tính lan tỏa, kết nối cao thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự kiến năm 2023, Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện Châu Thành sẽ tổ chức kiểm định lại, để kịp thời sửa chữa, bảo đảm tải trọng khai thác ban đầu.

Ngoài ra, hiện tuyến đường HL7 có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông chưa cao, do đó, cầu Hòa Bình và cầu Nàng Dình vẫn còn đáp ứng khai thác sử dụng trong 7-10 năm tới.

Khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng, hoặc nguồn lực của tỉnh bảo đảm, Sở Giao thông Vận tải cùng với UBND huyện Châu Thành sẽ tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư trung hạn để đầu tư xây dựng mới 2 cầu nêu trên.

Thiện Đức

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cau-hoa-binh-cau-nang-dinh-xuong-cap-can-duoc-dau-tu-a146467.html