Cậu học trò 'thiếu đủ thứ' đỗ trường kinh doanh hàng đầu thế giới
Có xuất phát điểm không mấy thuận lợi, từng gạt bỏ lối mòn để bứt phá theo con đường riêng, Đạt mong muốn tập hợp được những người trẻ có dấu ấn trên con đường tự học, cùng hội tụ giúp đỡ thế hệ học sinh mới tại Việt Nam.
Đinh Tiến Đạt (sinh năm 2002) đang là sinh viên năm thứ nhất tại Trường Kinh doanh IE của Tây Ban Nha - nằm trong top những những trường đào tạo kinh doanh tốt nhất thế giới, theo Financial Times.
Không phải Anh hay Mỹ, Tây Ban Nha là nơi chàng trai Việt lựa chọn đặt chân tới bởi nhiều lý do, nhưng hơn hết vẫn là tinh thần khởi nghiệp – thứ tinh thần mà theo Tiến Đạt nói – luôn thường trực trong bất cứ sinh viên hay giảng viên nào của Trường.
Bước ngoặt của cậu học sinh “thiếu đủ thứ”
Đạt sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Vì biến cố gia đình, cậu cùng anh trai chuyển về sống với mẹ - vốn là một giáo viên tiểu học.
“Mẹ là giáo viên nên đồng lương ít ỏi. Chỉ lo ăn học cho hai con cũng đã rất chật vật. Nhưng cũng chính hoàn cảnh ấy khiến em phải suy nghĩ khác đi, phải tự tìm cơ hội cho mình để tạo ra tiếng nói riêng cho bản thân và mẹ”.
Điều đầu tiên cậu học sinh 13 tuổi khi ấy nghĩ tới là “phải đi du học”. Vì thế, khi thấy các anh chị ở Hà Nội chia sẻ về quá trình chuẩn bị du học, Đạt một mình từ Hà Tĩnh bắt xe ra Hà Nội để “được lắng nghe nhiều hơn”.
Những lần “liều mình đi tìm cơ hội ấy” đã giúp cậu nhận ra, môi trường chính là chất xúc tác quan trọng có thể giúp mình phát triển. Và một công cụ khác cũng quan trọng không kém, đó chính là tiếng Anh.
Quả thực, với một cậu học sinh chuyên Toán vốn “đặc sệt chất tự nhiên”, học tiếng Anh là một sự "đánh đố".
“Năm lớp 7, dù không biết gì về tiếng Anh nhưng em vẫn mua sách về tự học. Em học lại tất cả mọi thứ, rồi tìm hiểu nếu muốn thi vào chuyên Anh sẽ cần phải học những gì”.
Nghĩ rằng cách học tốt nhất là học từ những người giỏi đi trước, Đạt lại tự bắt xe tới thành phố Hà Tĩnh để mượn tài liệu của các anh chị học sinh giỏi quốc gia mà mình quen qua mạng xã hội.
Hết lớp 9, Đạt liều lĩnh xin mẹ cho thi vào Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
“Sự lựa chọn ấy không phải vì Trường Chuyên Hà Tĩnh không tốt, mà vì em nghĩ trường Phan nổi tiếng với nhiều hoạt động ngoại khóa”.
May mắn, mẹ Đạt luôn tin tưởng và tôn trọng quyết định của con. Để mẹ không phải lo lắng, suốt những năm cấp 3, Đạt cố gắng giành học bổng, đi dạy thêm để trả tiền thuê nhà và sinh hoạt phí.
Thuộc diện “đỗ vớt”, Đạt nói xuất phát điểm của mình không mấy thuận lợi, thậm chí là “thiếu đủ thứ”. Vì thế, cậu đặt mục tiêu phải học hành tử tế ngay từ lớp 10. Năm lớp 11 và 12, Đạt vươn lên tốp đầu và giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh cả 2 năm liền.
Năm lớp 10, Đạt giành học bổng toàn phần để tham gia trại học tập và khám phá 3 tuần ở Chicago và Wisconsin (Mỹ). Cùng năm đó, cậu giành học bổng toàn phần Hội trại Thanh niên Quốc tế tại Trung Quốc do Trường Liên kết Thế giới (UWC) và IDEAS tổ chức.
Đến năm lớp 11, cậu tiếp tục giành học bổng (1% trong số 2.000 ứng viên đăng ký) tham gia chương trình khám phá Nhật Bản.
“Em nghĩ rằng nội động lực của mình khá mạnh, bởi nếu không có những động lực ấy, em cũng không dám bứt phá khỏi những rào cản để khai thác hết tiềm năng của bản thân, thử sức và nỗ lực hết mình để có được những trải nghiệm tuổi trẻ đáng giá”.
Ước mơ đưa học sinh Việt ra thế giới
Cũng từng ấp ủ được đi du học Mỹ, nhưng với điều kiện tài chính của gia đình, kể cả được nhận sự hỗ trợ từ trường, cũng rất khó để Đạt chi trả các chi phí sinh hoạt. Vì vậy, năm lớp 12, Đạt chuyển hướng sang các trường ở Châu Âu.
Giành học bổng toàn phần tại Trường Kinh doanh IE, sau một năm học, Đạt cho hay đã có những trải nghiệm tuyệt vời.
“Ngôi trường này rất chú trọng vào tinh thần khởi nghiệp. Vì thế, sinh viên từ những năm đầu đã tham gia khởi nghiệp rất nhiều. Em nghĩ môi trường này rất phù hợp với tính cách của mình - luôn mong muốn hướng về cộng đồng và có tinh thần khởi nghiệp cao”.
Theo Đạt, nhiều giáo sư giảng dạy cũng thành lập công ty riêng. Vì thế, sinh viên dễ dàng có được lời khuyên hay những chia sẻ thực tế.
Là du học sinh Việt Nam, Tiến Đạt nói mình luôn nỗ lực để trở thành một “đại diện tiêu biểu”. Vì thế, cậu tham gia vào các cuộc thi quốc tế; trở thành thành viên ban quản trị của trường với mong muốn “tăng thêm sự hiện diện của người Việt Nam”.
Kết thúc năm học đầu tiên, cậu sinh viên người Việt đứng thứ nhất toàn ngành với điểm GPA 9,67/10.
Đạt cũng là sinh viên năm đầu duy nhất thắng giải cuộc thi viết luận của Hiệp hội các trường Kinh doanh thế giới và sẽ có bài đăng trên tạp chí Global Voice eMagazine vào tháng 6 tới đây với chủ đề “Ứng dụng kinh tế tuần hoàn và thiết kế phỏng sinh học cho phát triển bền vững”.
Trưởng thành từ một cậu học trò vùng quê chật vật để tìm hướng đi phù hợp, Đạt sáng lập VSPACE Education với mong muốn cùng nhiều bạn trẻ tài năng, từng chinh phục học bổng ở những ngôi trường hàng đầu như ĐH Cornell, ĐH New York, ĐH Monash, ĐH Melbourne,… giúp các em học sinh vươn ra thế giới.
Với sự chia sẻ, hỗ trợ của Đạt, đã có học sinh đạt giải Ba quốc gia môn tiếng Anh, có em trở thành thủ khoa kì thi học sinh giỏi môn tiếng Anh tỉnh Đăk Lắk, giành giải các cuộc thi viết luận ở nước ngoài, đỗ các trường chuyên ở Nghệ An...
“Em hiểu cảm giác khó khăn khi không thể kết nối với những người giỏi đi trước. Vì thế, em hy vọng những chia sẻ thực tế về trải nghiệm chinh phục học bổng, những con đường gập ghềnh mà du học sinh từng đi qua sẽ giúp các em học sinh có cái nhìn chân thực, sâu sắc hơn về đường đi tương lai của mình. Đối với em, hạnh phúc lớn nhất là khi mình có thể giúp người khác có những dấu ấn riêng của họ”, Đạt nói.