Câu hỏi ám ảnh với dân Hàn: 'Bạn bao nhiêu tuổi?'
Ở Hàn Quốc, việc hỏi tuổi của một người mới gặp lần đầu là hoàn toàn bình thường, mặc dù điều đó được coi là bất lịch sự ở các nền văn hóa khác.
Sau khi công ty của Lee quyết định áp dụng quy định một tuần làm việc không quá 52 giờ, việc rời khỏi văn phòng mỗi ngày thậm chí trở nên khó xử hơn với nữ nhân viên 24 tuổi.
"Bất chấp giới hạn 52 giờ, nhiều đồng nghiệp, cấp trên của tôi vẫn ở lại làm thêm giờ. Mỗi khi tôi chuẩn bị rời văn phòng lúc 18h, họ luôn nói: 'Hồi trước, chúng tôi không có giới hạn 52 giờ làm việc trong tuần. Chúng tôi thậm chí từng làm việc cả đêm!'", Lee kể với Joongang Daily.
"Họ không ép tôi ở lại, nhưng dường như ngụ ý rằng tôi không làm việc chăm chỉ, điều đó hoàn toàn bất công".
Tuy nhiên, điều đáng nói là những đồng nghiệp thường kể cho Lee nghe "chuyện ngày xưa" này không phải là các giám đốc điều hành cấp cao ở độ tuổi 40-50, mà là những người điều hành cấp dưới ở độ tuổi cuối 20-30, những người chỉ hơn Lee vài tuổi.
Những người này thường được gọi là “kkondae trẻ”.
Kkondae là tiếng lóng của người Hàn dùng để chỉ những người lớn tuổi bướng bỉnh, cố chấp, luôn lấy tuổi tác và kinh nghiệm của mình để bắt nạt những người trẻ tuổi. Khái niệm này phổ biến cả ở trường học lẫn nơi làm việc và thường xuyên được đề cập trong phim ảnh, sách truyện Hàn Quốc.
Trước đây, kkondae đồng nghĩa với những tiền bối lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện tương này đang ngày càng trẻ hóa khi nhiều người chỉ mới 20-30 tuổi đã có thái độ kẻ cả, hống hách.
Tư duy thứ bậc của người Hàn
"Tôi định nghĩa kkondae là người xem xét các mối quan hệ của con người theo chiều dọc chứ không phải chiều ngang", Lim Myung-ho, giáo sư tâm lý học và trị liệu tâm lý tại Đại học Dankook, cho biết.
Kkondae không coi mọi người là bình đẳng. Họ luôn nghĩ rằng mình giỏi hơn ai đó vì bất cứ lý do gì: thời gian làm việc, vốn sống, hiểu biết, tuổi đời... và từ đó luôn tự cho bản thân quyền lên giọng, sai khiến người khác.
Bởi vì kkondae là vấn đề về tư duy, suy nghĩ nên ai cũng có thể trở thành loại người này bất kể tuổi tác. Kết quả là, kkondae trẻ tuổi dường như cũng thịnh hành như những người lớn tuổi bướng bỉnh trong xã hội Hàn Quốc.
Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của trang web tìm kiếm việc làm Saramin, 71% người Hàn Quốc đang đi làm cho biết nơi làm việc của họ có ít nhất một kkondae trẻ.
Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: “Bất kỳ tổ chức nào có hệ thống cấp bậc nhất định phải có kkondae, thậm chí là trường học.
Ở nơi làm việc, thứ bậc dựa trên thời gian làm việc, còn trong trường đại học, số năm theo học quyết định điều đó. Chỉ cần một chút ý thức về thâm niên cũng có thể biến ai đó trở thành kẻ bắt nạt".
Tuổi tác quyết định nhiều thứ
Giáo sư Kwak Geum-joo cho rằng chính các giá trị văn hóa Hàn Quốc tạo điều kiện để những kkondae xuất hiện.
"Văn hóa Hàn Quốc rất có thứ bậc. Điều này được thể hiện rõ qua hình thức kính ngữ. Khi người Hàn Quốc gặp những người mới, chúng tôi phải biết tuổi của họ để quyết định có nên nói chuyện bằng kính ngữ hay không.
Vì vậy, ở Hàn Quốc, việc hỏi tuổi của một người bạn mới gặp là hoàn toàn bình thường, mặc dù điều đó được coi là bất lịch sự ở các nền văn hóa khác. Chúng ta phải có ý thức về tuổi tác của mình trong cuộc sống hàng ngày", Kwak nói.
Tuổi tác thực sự là một yếu tố trung tâm trong đời sống xã hội Hàn Quốc.
Trong một chương trình trên kênh ODG, hai đứa trẻ 5 tuổi và 7 tuổi gặp nhau lần đầu, câu hỏi đầu tiên của chúng là "Bạn bao nhiêu tuổi?".
Trong chương trình truyền hình thực tế My Very First Social Life (2020) của đài tvN, một cô bé 6 tuổi đã vô cùng tức giận khi một đứa trẻ 5 tuổi gọi mình là "bạn" thay vì "eonni" - nghĩa là "chị" trong tiếng Hàn.
Kwak nói thêm rằng giá trị của Nho giáo về việc tôn trọng người lớn tuổi cũng tạo ra quan niệm rằng nhóm cao niên luôn khôn ngoan hơn và do đó cần được lắng nghe.
"Sự chú trọng của xã hội Hàn Quốc về cấp bậc cũng đóng một vai trò quan trọng. Trong văn hóa phương Tây, đồng nghiệp xưng hô với nhau bằng tên, nhưng người Hàn gọi đồng nghiệp của họ theo cấp bậc, chức vụ: trợ lý giám đốc, quản lý, giám đốc, giám đốc điều hành".
Một số công ty lớn của Hàn Quốc đã cố gắng thay đổi văn hóa này. Conglomerate CJ đã hướng dẫn tất cả nhân viên của mình xưng hô với nhau là "nim", cách nói trang trọng trong tiếng Hàn, kể từ năm 2000. Quy tắc này được áp dụng cho cả Chủ tịch Lee Jay-hyun.
Các công ty như Kakao và Watcha bắt nhân viên của họ gọi nhau bằng tên tiếng Anh. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không dẫn đến bất kỳ thay đổi rõ ràng nào trong văn hóa thứ bậc của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Những kẻ bắt nạt nhỏ tuổi khó đối phó hơn
"Kkondae ở độ tuổi 20-30 sẽ căng thẳng hơn rất nhiều, vì tôi dành nhiều thời gian hơn và tương tác với họ nhiều hơn do độ tuổi và thứ hạng tương tự của chúng tôi", nhân viên 24 tuổi họ Lee nói.
Trong khi các kkondae lớn tuổi chủ yếu chỉ muốn tuổi tác và kinh nghiệm của mình được tôn trọng, những người nhỏ tuổi muốn nhiều hơn.
"Họ tin chắc rằng logic của mình luôn đúng, vì vậy họ phải chứng minh bạn sai và kém thông minh. Bạn không thể giành phần thắng", một sinh viên đại học họ Yoon cho biết.
Giáo sư Lim nói rằng những kẻ bắt nạt trẻ tuổi lại không thích những kkondae lớn tuổi.
"Những người trẻ không bao giờ biết rằng họ đang là một kkondae. Đó là lý do tại sao họ lặp lại hành vi bắt nạt một cách tự tin".
Tuy nhiên, các kkondae trẻ tuổi cũng có lý do của mình.
"Văn phòng của tôi gần đây đã thuê một nhân viên mới, và cô ấy là đồng nghiệp cấp dưới đầu tiên của tôi. Vì cô ấy vẫn đang làm quen với công việc nên thường chậm chạp hoặc mắc lỗi", một người phỏng vấn giấu tên ở độ tuổi 20, làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng, cho biết.
"Khi cô ấy mắc lỗi hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm của tôi là phải sửa chữa nó. Vì vậy, đôi khi tôi không hài lòng với cách cô ấy làm mọi việc. Tôi cũng rất ghét việc mình có thể trở thành kkondae", người này nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-am-anh-voi-dan-han-ban-bao-nhieu-tuoi-post1194401.html