Câu hỏi chia sẻ doanh thu giữa giới AI và họa sĩ truyện tranh

Một nghị sĩ Nhật Bản đề xuất các dịch vụ AI dành riêng 1% thu nhập cho các dự án văn hóa, theo Nikkei Asia.

Ông Ken Akamatsu, một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại thượng viện Nhật Bản, trước đây là họa sĩ truyện tranh, đang kêu gọi các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) chia sẻ một phần thu nhập của họ với những người sáng tạo nội dung.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về tác động của AI đối với ngành công nghiệp sáng tạo, ông Ken Akamatsu, đề xuất các công ty AI có thể, ví dụ, dành riêng khoảng 1% doanh thu để tài trợ cho các dự án văn hóa.

 Ông Ken Akamatsu nêu ra vấn đề giữa phát triển AI và manga tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.

Ông Ken Akamatsu nêu ra vấn đề giữa phát triển AI và manga tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.

"Có một thực tế là nhiều người sáng tạo đang mất đi động lực vì AI. Tôi nghĩ chúng ta cần các công ty AI hứa sẽ tái đầu tư và khuyến khích ngành công nghiệp ... dưới hình thức 'thiện chí'", ông Akamatsu nói với Nikkei Asia.

Ông Akamatsu cho biết các thỏa thuận như vậy nên là hợp đồng hoặc thỏa thuận tự nguyện giữa các công ty AI và các nhóm ngành, thay vì là điều bắt buộc theo luật định. Nghị sĩ này cũng đồng thời nói thêm rằng ý tưởng trên vẫn đang trong giai đoạn đầu.

Cân bằng phát triển AI và quyền lợi giới sáng tạo

Quan điểm của ông Akamatsu được đưa khi ý kiến của cộng đồng sáng tạo trên mạng Internet về AI chủ yếu vẫn mang tính tiêu cực. Thậm chí, nhiều người bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc những tác phẩm đăng trực tuyến của họ có thể được các công ty công nghệ thu thập và sử dụng để phát triển AI dù không xin sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, một kỹ thuật có tên "scraping", trích xuất dữ liệu từ các trang web, được cho là được phép theo luật bản quyền hiện hành của Nhật Bản.

 Một số chương trình AI, như Firefly của Adobe, biết cách sử dụng các hình ảnh công cộng để tránh vi phạm bản quyền. Ảnh: Adobe.

Một số chương trình AI, như Firefly của Adobe, biết cách sử dụng các hình ảnh công cộng để tránh vi phạm bản quyền. Ảnh: Adobe.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản gần đây đã lập kế hoạch tăng cường xuất khẩu manga và anime. Và đảng LDP cầm quyền cũng cam kết đưa Nhật Bản thành "quốc gia thân thiện với AI nhất thế giới". Những chiến lược phát triển này khiến việc cân bằng giữa các chính sách bảo vệ người sáng tạo và chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ trở nên khó khăn hơn.

Theo ông Akamatsu, Nhật Bản nên "thận trọng" về các hạn chế pháp lý đối với AI, không chỉ vì các chính sách ủng hộ doanh nghiệp mà còn để bảo vệ người sáng tạo. Vì về mặt pháp lý, việc xác định liệu một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi máy tính hay người thật trong tương lai dần có thể khó khăn hơn.

Do đó, ông Akamatsu lo ngại rằng những hạn chế về sử dụng nội dung sáng tạo, đối với cả AI và giới nghệ sĩ, có thể khiến giới họa sĩ manga không được tham khảo các sáng tạo trong quá khứ hay sử dụng các tác phẩm phái sinh do người hâm mộ tạo ra.

Nhật Bản vốn nổi tiếng với nền văn hóa người hâm mộ năng động, bao gồm việc họ có thể sáng tác truyện tranh dựa trên các nhân vật manga nổi tiếng và bán chúng tại các hội chợ hoặc sự kiện kết nối trực tuyến. Những hoạt động này đôi khi đóng vai trò là nơi rèn luyện và phát triển các họa sĩ trẻ và trong nhiều trường hợp, những hoạt động này được những người nắm giữ bản quyền, chẳng hạn như nhà xuất bản, chấp nhận ngầm.

"Ngành công nghiệp manga và anime của Nhật Bản sẽ diệt vong nếu những người sáng tạo bị cấm tham khảo hoặc tiếp cận các sản phẩm sáng tạo khác (dưới dạng dữ liệu) để tạo ra thứ gì đó khác biệt", nhà lập pháp này chia sẻ.

Tận dụng AI để phát triển manga, anime

Ông Akamatsu cũng nói thêm rằng AI chỉ là một "công cụ" và "nó có tiềm năng mở rộng phạm vi sáng tạo và giúp các nhà sáng tạo có thể đương đầu với những thách thức mới".

Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố một báo cáo vào tháng 5 bày tỏ lập trường thận trọng đối với việc quản lý AI về mặt pháp lý. Báo cáo của họ đề xuất những nỗ lực do ngành công nghiệp sáng tạo dẫn đầu để giải quyết lo ngại của giới nghệ sĩ và cần xem xét "một chiến lược để đảm bảo rằng số tiền kiếm được từ việc sử dụng AI được trả lại cho những người sáng tạo".

Báo cáo này cũng chỉ ra rằng nếu người dùng AI biết rõ một sáng tạo cụ thể nào đó có bản quyền nhưng họ vẫn sử dụng AI với mục đích tạo ra hình ảnh có cùng "biểu đạt sáng tạo" như tác phẩm gốc, thì theo luật hiện hành, hành vi đó có thể bị coi là vi phạm bản quyền.

Ông Akamatsu là tác giả của nhiều bộ truyện tranh và hầu hết tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Ông đã giành được vị trí tại Quốc hội Nhật Bản trong cuộc bầu cử thượng viện năm 2022, với số phiếu bầu khổng lồ hơn 520.000 phiếu.

Với nền tảng này, ông Akamatsu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ của chính phủ đối với các ngành công nghiệp sáng tạo. "Điểm quảng bá lớn nhất của Nhật Bản ở nước ngoài hiện nay là manga, anime và trò chơi. Liệu Nhật Bản có thể trở thành số 1 về AI hoặc hàng không vũ trụ không? Rất khó. Nhưng chúng ta đều biết rằng điều đó có thể xảy ra với manga và anime", ông Akamatsu nhận định.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-hoi-chia-se-doanh-thu-giua-gioi-ai-va-hoa-si-truyen-tranh-post1490361.html