Câu hỏi còn để ngỏ về khả năng châu Âu triển khai lực lượng hòa bình tới Ukraine

Các Bộ trưởng Quốc phòng từ khoảng 30 quốc gia đã nhóm họp tại Brussels ngày 10/4 để thảo luận về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine trong trường hợp hai bên xung đột đạt được lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi then chốt vẫn chưa có lời giải, bao gồm nhiệm vụ cụ thể của lực lượng này và khả năng hỗ trợ của Mỹ trong quá trình giám sát hòa bình.

Cuộc họp diễn ra tại trụ sở NATO là bước tiến mới nhất trong quá trình thúc đẩy thành lập một “liên minh tự nguyện” hỗ trợ Ukraine - một sáng kiến do Anh và Pháp dẫn đầu. London và Paris đang nỗ lực tập hợp các quốc gia sẵn sàng tham gia vào sứ mệnh triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine sau khi có một thỏa thuận hòa bình hoặc đạt được lệnh ngừng bắn với Nga.

“Chúng ta sẽ cùng tiến lên như một khối thống nhất, sẵn sàng bảo vệ tương lai của Ukraine sau bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào", Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey phát biểu tại phiên khai mạc. Ông Healey nhấn mạnh rằng sáng kiến này không chỉ nhằm đưa Ukraine vào vị thế thuận lợi nhất có thể mà còn để bảo vệ chủ quyền của nước này và ngăn chặn bất kỳ hành động tấn công nào tiếp theo từ Nga.

(Từ trái sang) Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey, Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng Anh Đô đốc Tony Radakin và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tham dự cuộc họp tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 10/4. Ảnh: Reuters

(Từ trái sang) Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey, Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng Anh Đô đốc Tony Radakin và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tham dự cuộc họp tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 10/4. Ảnh: Reuters

Theo các quan chức, khoảng 200 chuyên gia quân sự đã tham gia quá trình hoạch định ban đầu. Họ đang tập trung nghiên cứu kế hoạch triển khai lực lượng trên bộ, trên không và trên biển, đồng thời nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine.

“Bảo đảm an ninh trước hết là hỗ trợ quân đội Ukraine. Điều đó đồng nghĩa với việc bác bỏ bất kỳ ý tưởng phi quân sự hóa Ukraine nào", Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu nói.

Nhiều lãnh đạo quốc phòng châu Âu cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện không thực sự quan tâm đến việc chấm dứt cuộc chiến nhưng họ muốn chứng minh cho nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump thấy rằng châu Âu sẵn sàng hành động nếu các nỗ lực ngoại giao của Nhà Trắng mang lại kết quả.

Tổng thống Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông kỳ vọng các đồng minh châu Âu sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tái lập hòa bình ở Ukraine. Trong khi Ukraine tỏ ý sẵn sàng xem xét một lệnh ngừng bắn, Nga vẫn chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng.

Dù khẳng định sẵn sàng đóng góp tài chính và quân lực cho tiến trình hòa bình này, các quốc gia châu Âu vẫn chờ đợi sự đảm bảo từ phía Washington, đặc biệt là về hậu cần và chia sẻ thông tin tình báo, trước khi triển khai lực lượng tới Ukraine. Cho đến nay, Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết hỗ trợ cụ thể nào.

Một số Bộ trưởng tham dự cuộc họp cho biết cần làm rõ thêm về nhiệm vụ cụ thể của lực lượng hòa bình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về quy mô, thành phần và khả năng triển khai lực lượng.

“Tôi không loại trừ khả năng Thụy Điển sẽ tham gia nhưng vẫn còn một số vấn đề cần được làm rõ", Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans, liên minh châu Âu cần thảo luận chi tiết về cách thức lực lượng này sẽ hoạt động trong các tình huống khác nhau, bao gồm viễn cảnh xung đột leo thang.

“Chúng tôi cần có một bức tranh rõ ràng về những yêu cầu cụ thể mà sứ mệnh này đòi hỏi, để từ đó từng quốc gia có thể đưa ra quyết định một cách có trách nhiệm", ông Brekelmans nói.

Tờ Mail Online đưa tin, Anh đang xem xét khả năng triển khai binh sĩ tới Ukraine trong thời hạn 5 năm, như một phần của kế hoạch mới nhằm đối phó với nguy cơ Nga mở một cuộc tấn công mới. Theo thông tin từ The Telegraph, các binh sĩ Anh có thể được điều động để hỗ trợ huấn luyện và tái thiết lực lượng vũ trang Ukraine, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội nước này.

The Telegraph dẫn lời các chuyên gia quân sự Pháp cho rằng, sự hiện diện của lực lượng phương Tây tại Ukraine sẽ tạo ra một mức răn đe đáng kể đối với Moscow.

Tuy vậy, tới thời điểm hiện nay, viễn cảnh đạt được một thỏa thuận hòa bình vẫn còn xa vời, chưa nói đến khả năng triển khai lực lượng hòa bình tới Ukraine mà phương Tây và Kiev dường như là phe duy nhất ủng hộ. Tháng trước, Moscow và Kiev đã đồng ý ngừng bắn ở Biển Đen, tuy nhiên hai bên vẫn liên tục tố nhau vi phạm thỏa thuận.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters, Straitimes

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cau-hoi-con-de-ngo-ve-kha-nang-chau-au-trien-khai-luc-luong-hoa-binh-toi-ukraine-post1191289.vov