Câu hỏi hóc búa về không quân Nga trong cuộc chiến ở Ukraine
Trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, tình báo Mỹ từng dự đoán Moscow sẽ tấn công dồn dập, huy động sức mạnh của không quân Nga để thống trị bầu trời Ukraine. Song, thực tế không như vậy.
Theo Reuters, 6 ngày đầu tiên của chiến dịch tấn công cho thấy, Moscow dường như vẫn kiềm chế sử dụng sức mạnh không quân, nhiều đến mức các quan chức Mỹ không thể hiểu điều gì đang thúc đẩy hành vi này.
"Nga không nhất thiết sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao với các máy bay và phi công của họ", một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ, xin giấu tên nhận định.
Quan chức này nói, Mỹ ước tính Nga mới chỉ sử dụng 75 máy bay quân sự cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ông từ chối dự đoán phía Nga có bao nhiêu máy bay chiến đấu, kể cả trực thăng tấn công, sẵn sàng huy động cho chiến dịch và đang chờ lệnh bên ngoài Ukraine.
Sau khi Moscow mở màn cuộc chiến vào ngày 24/2, các nhà phân tích phương Tây tin, với sự vượt trội hoàn toàn xét về quân số và hỏa lực, quân đội Nga sẽ cố gắng tiêu diệt lực lượng phòng không và không quân của Ukraine ngay lập tức. Đó sẽ là "bước tiếp theo hợp lý và được dự đoán rộng rãi, như đã thấy trong hầu hết các cuộc xung đột quân sự kể từ năm 1938", nhóm nghiên cứu RUSI ở London viết trong một bài báo có tên "Trường hợp 'mất tích' bí ẩn của không quân Nga".
Tuy nhiên, không quân và hệ thống phòng không Ukraine vẫn tiếp tục làm chủ bầu trời nước này. Các máy bay chiến đấu của không quân Ukraine đang liên tục thực hiện các cuộc xuất kích tầm thấp, phòng thủ không đối không và không đối đất. Thực tế đang khiến các chuyên gia quân sự bối rối.
Các máy bay quân sự Nga vẫn di chuyển qua không phận tranh chấp. Nhưng, binh lính Ukraine với các tên lửa đất đối không có thể đe dọa chúng cũng như các phi công Nga đang cố gắng hỗ trợ lực lượng tấn công dưới mặt đất.
"Có rất nhiều thứ họ (Nga) đang làm gây khó hiểu. Khởi đầu cuộc chiến thường là thời điểm sử dụng vũ lực tối đa. Bởi vì mỗi ngày trôi qua sẽ có thêm chi phí và rủi ro sẽ tăng lên. Nhưng họ không làm điều đó và thực sự khó giải thích cho bất kỳ lí do nào", Rob Lee, một chuyên gia về quân sự Nga tại Viện nghiên cứu chính sách quốc tế (Mỹ) bày tỏ.
Câu hỏi về cách Nga sử dụng không quân diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối lời kêu gọi của Kiev về một vùng cấm bay, có thể khiến Mỹ can dự trực tiếp vào một cuộc xung đột với Nga.
Các chuyên gia quân sự đã nhìn thấy bằng chứng về sự thiếu phối hợp của không quân Nga với các đội hình dưới mặt đất, với nhiều đơn vị quân đội Nga đang tiến về phía trước ngoài tầm với của lực lượng phòng không trong nước. Điều này khiến các binh sĩ Nga dễ bị các lực lượng Ukraine tập kích, kể cả những lực lượng mới được trang bị máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và tên lửa chống tăng của Mỹ và Anh.
Theo David Deptula, tướng 3 sao không quân Mỹ đã nghỉ hưu, người từng chỉ huy vùng cấm bay ở miền bắc Iraq, ông ngạc nhiên rằng Nga đã không nỗ lực hơn để thiết lập ưu thế trên không ngay từ đầu. "Người Nga có lẽ đang phát hiện, việc điều phối các hoạt động đa lớp không hề dễ dàng. Và rằng chúng không tốt như những gì họ mường tượng", ông Deptula bình luận.
Trong khi người Nga hoạt động kém hiệu quả, quân đội Ukraine cho đến nay đã có màn thể hiện vượt quá mong đợi. Giới quan sát đánh giá, việc không quân Ukraine vẫn duy trì được dàn tiêm kích bảo vệ không phận là minh chứng rõ ràng về sự kiên cường của quốc gia Đông Âu khi đối mặt với sự tấn công và điều đó đã trở thành động lực nâng cao tinh thần cho cả quân đội và người dân Ukraine.
Điều đó cũng dẫn đến việc thần thoại hóa lực lượng không quân Ukraine, bao gồm cả câu chuyện về một tiêm kích Ukraine đã bắn rơi tới 6 máy bay Nga, được cư dân mạng đặt biệt danh là "Bóng ma của Kiev". Tuy nhiên, kết quả đối chiếu thực tế của Reuters phát hiện, một đoạn clip từ trò chơi điện tử mô phỏng chiến đấu đã được sử dụng làm "bằng chứng" cho câu chuyện không có thật này.
Trong Thông điệp liên bang trước Quốc hội và người dân Mỹ tối 1/3, Tổng thống Biden đã bày tỏ sự ủng hộ Ukraine, lên án người đồng cấp Nga Putin về chiến dịch tấn công quân sự nước láng giềng. "Ông ấy đã tính toán sai lầm. Ông ấy nghĩ mình có thể nhào nặn Ukraine và thế giới sẽ đảo ngược. Nhưng thay vào đó, ông ấy đã vấp phải một bức tường sức mạnh mà bản thân không bao giờ lường trước hay tưởng tượng được. Ông ấy đã đối mặt với người dân Ukraine".