Câu hỏi lớn cho chính quyền Mỹ trong vấn đề kiểm soát súng đạn

Hàng loạt vụ xả súng liên tiếp trong tuần vừa qua đã khiến Tổng thống Donald Trump trở thành tâm điểm của cơn bão phẫn nộ về phân biệt chủng tộc và đặt ra câu hỏi lớn cho chính quyền của ông trong vấn đề kiểm soát súng đạn.

Người dân Mỹ đã vừa phải trải qua những ngày cuối tuần trong máu và nước mắt sau hai vụ xả súng kinh hoàng xảy ra liên tiếp chỉ trong hơn 13 giờ đồng hồ.

Vụ thảm sát đầu tiên xảy ra tại thành phố biên giới El Paso, nơi có đông đảo người gốc Tây Ban Nha sinh sống, tay súng đã giết chết 20 người tại một cửa hàng Walmart, trước khi đầu hàng cảnh sát. Giới chức của Texas cho biết vụ thảm sát này có vẻ như bị kích động bởi yếu tố căm thù sắc tộc và các công tố viên liên bang xem xét vụ việc như một vụ khủng bố trong nước.

Tiếp đó, một tay súng đã xả đạn tại một quận trung tâm của thành phố Dayton, Ohio, khiến 9 người thiệt mạng và ít nhất 26 người bị thương. Theo đại diện cảnh sát, kẻ tấn công, được xác định là Connor Betts, một người đàn ông da trắng 24 tuổi, đã bị cảnh sát hạ gục trong vòng 30 giây nhưng chính quyền vẫn không biết tại sao tên này lại tiến hành vụ tấn công.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, chính quyền của ông đang nỗ lực để ngăn chặn tình trạng bạo lực súng đạn. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, chính quyền của ông đang nỗ lực để ngăn chặn tình trạng bạo lực súng đạn. Ảnh: Reuters

Vụ xả súng El Paso đã gây ra làn sóng chấn động trong chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, với hầu hết các ứng cử viên Dân chủ lặp lại lời kêu gọi tiến hành các biện pháp kiểm soát súng chặt chẽ hơn và một số cảnh báo về sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc trắng và chính trị bài ngoại ở Mỹ.

Hai vụ xả súng được thực hiện chỉ một tuần sau khi một thanh niên 19 tuổi dùng một khẩu súng trường Santino tự mua hợp pháp bắn bừa bãi vào đám đông trong lễ hội Tỏi Gilroy nổi tiếng ở California khiến ba người chết và hơn chục người khác bị thương.

"Thù ghét không có chỗ ở nước Mỹ và chúng ta sẽ xem xét tới vấn đề này", Tổng thống Donald Trump nói trước khi chuẩn bị lên máy bay quay về thủ đô Washington sau chuyến đi nghỉ cuối tuần tại câu lạc bộ golf ở Bedminster, bang New Jersey hôm 4-8.

Phát biểu trước báo giới sáng 5-8, Tổng thống Trump khẳng định, chính quyền của ông đã thực hiện nhiều biện pháp hơn bất cứ chính quyền nào khác của Mỹ trong hoạt động ngăn chặn tình trạng bạo lực súng đạn. Tuy nhiên, ông Trump cũng thừa nhận, nước Mỹ sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa bởi bạo lực súng đạn đã và đang diễn ra trong nhiều năm qua tại quốc gia này.

Theo Hồ sơ dữ liệu các vụ bạo lực do súng tại Mỹ, tính riêng từ đầu năm tới nay, đã có hơn 520 người thiệt mạng và ít nhất 2.000 người bị thương trong các vụ xả súng hàng loạt và con số này có thể còn tiếp tục tăng khi còn 4 tháng nữa mới hết năm 2019. Chỉ trong vòng 3 năm qua đã có 4 trong 10 vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ với số người chết ít nhất là 17 và cao nhất là 58.

Có thể nói, nước Mỹ vốn “đã quen” với các vụ xả súng hàng loạt nhưng các vụ xả súng đẫm máu liên tiếp vừa qua đã một lần nữa làm gia tăng lo ngại về khủng bố trong nước. Điều này đã khiến Tổng thống Donald Trump trở thành tâm điểm của cơn bão phẫn nộ về phân biệt chủng tộc và chắc chắn sẽ làm nóng lại chủ đề kiểm soát súng đạn. Tình hình thực tế cho thấy, đã tới lúc nước Mỹ cần nghiêm túc hơn đối với vấn đề kiểm soát súng đạn.

Người dân Mỹ động viên nhau sau khi chứng kiến vụ xả súng kinh hoàng. Ảnh: Reuters.

Người dân Mỹ động viên nhau sau khi chứng kiến vụ xả súng kinh hoàng. Ảnh: Reuters.

Ngay sau các vụ xả súng trong hai ngày cuối tuần, hàng trăm người dân đã tụ tập trước Nhà Trắng kêu gọi chính phủ hành động trong việc kiểm soát súng đạn trong bối cảnh thương vong liên tục tăng trong vài năm qua. Không chỉ người dân, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ cũng có phản ứng đặc biệt mạnh mẽ, nhắm vào khủng hoảng bạo lực súng đạn. Nhiều ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ đã chỉ trích Thượng viện không hành động nhằm chấm dứt bạo lực súng đạn và kêu gọi Thượng viện thông qua hai dự luật nhằm kiểm soát súng đạn đã được thông qua ở Hạ viện hồi đầu năm.

Tuy nhiên, cho tới nay, dự luật này vẫn bị “đóng băng” do vấp phải sự phản đối gay gắt tại Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát.

Ngày 4-8, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa cùng các quan chức chính quyền hợp tác với đảng Dân chủ nhằm thông qua hai dự luật này. “Với hai cuộc xả súng diễn ra chưa đầy 24 giờ tại Mỹ, những suy nghĩ và lời cầu nguyện là chưa đủ. Chúng ta cần hành động”, bà Hillary khẳng định trên Twitter.

Tuy vậy, tới nay Tổng thống Trump và Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn không đả động tới hai dự luật kể trên và vẫn giữ im lặng. Điều này rõ ràng sẽ khiến dư luận và các ứng cử viên đảng Dân chủ gia tăng chỉ trích cũng như sự hoài nghi về những “nỗ lực” và “biện pháp” mà ông Trump khẳng định sẽ làm trong thời gian tới. Nếu không có động thái gì, uy tín của Tổng thống Trump chắc chắn sẽ bị suy giảm đáng kể trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang gấp rút.

Thực tế đang chỉ ra rằng, số người chết do súng đạn vẫn đang không ngừng tăng lên và Chính phủ Mỹ vẫn chưa triển khai được chính sách hiệu quả nào nằm ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn. Mấu chốt của vấn đề ở đây vẫn sẽ chỉ xung quanh việc thắt chặt quản lý súng đạn. Do vậy, hơn bao giờ hết, đây là lúc nước Mỹ cần nghiêm túc đưa ra những giải pháp cụ thể để ngăn chặn bạo lực súng đạn xảy ra để các vụ xả súng hàng loạt không còn là bóng ma ám ảnh xứ cờ hoa.

Cao Trung (Tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/cau-hoi-lon-cho-chinh-quyen-my-trong-van-de-kiem-soat-sung-dan-556194/