Câu hỏi lớn sau khi tổng thống Sri Lanka tháo chạy khỏi đất nước

Những người biểu tình đang tràn vào các trung tâm quyền lực ở Sri Lanka mà không gặp chút khó khăn nào, giữa lúc chờ xem ai sẽ là người chèo lái giúp họ vượt qua khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Sri Lanka đã phơi bày một cảnh tượng đặc biệt vào hôm 10/7: Những người biểu tình ở khắp mọi nơi, nấu ăn trong vườn của thủ tướng, nằm dài trong phòng ngủ tổng thống, trong khi hai nhà lãnh đạo đều không còn ở đây.

Lực lượng Không quân Sri Lanka ngày 13/7 xác nhận Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cùng phu nhân đã rời khỏi đất nước và tới Maldives.

Với thông tin cả Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đều sẽ từ chức, hiện chưa rõ ai sẽ điều hành Sri Lanka.

Nhưng điều đó dường như không quá quan trọng với hàng nghìn người tràn vào thủ đô Colombo từ hôm 9/7: Trong nhiều tháng qua, dù ai lãnh đạo, họ vẫn phải xếp hàng hàng giờ để mua nhiên liệu, cắt giảm thức ăn và tranh giành tìm thuốc men.

Trong khi đó, các đảng đối lập đang cố gắng giải mã ý định của ông Rajapaksa. Liệu tổng thống có thực sự từ chức vào ngày 13/7, hay sự im lặng này là dấu hiệu cho thấy ông đang đánh giá các lựa chọn để tiếp tục cho một “cuộc chiến” dài hơi hơn? Nhiều người bắt đầu thảo luận về người kế nhiệm, với khả năng chủ tịch Quốc hội sẽ được lựa chọn làm tổng thống tạm quyền.

Các nhà phân tích nhận định bất cứ ai nắm quyền cũng sẽ phải đối mặt với khủng hoảng khi nền kinh tế đã sụp đổ không dễ có lối thoát, trong khi công chúng kiệt quệ và tức giận, theo New York Times.

"Không bao giờ nghĩ nước tôi có ngày hôm nay"

Những người biểu tình đã có một ngày cuối tuần bận rộn khi thưởng thức chiến thắng đẩy một triều đại chính trị hùng mạnh cai trị đất nước trong suốt hai thập niên qua tới bờ vực sụp đổ.

Khu nhà từ thời thuộc địa Anh từng là nơi ở của Tổng thống Rajapaksa đã trở thành “bảo tàng miễn phí vé vào cửa". Lượng người đổ vào dinh thự quá lớn, chật cứng ở sảnh và cầu thang. Người đứng đầu các nhóm biểu tình đã phải kêu gọi và khuyến khích công chúng đến những nơi khác trước, như văn phòng tổng thống và dinh thủ tướng.

Trên tường dinh thủ tướng vẽ dòng chữ lớn: “Mở cửa cho công chúng”.

Vòng xoáy kinh tế của Sri Lanka ngày càng tồi tệ trong bối cảnh toàn cầu bất ổn. Sau chiến sự Ukraine, các lệnh trừng phạt với Moscow khiến giá năng lượng tăng cao và lương thực thiếu hụt. Trước đó, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Sri Lanka từng được coi là hình mẫu thành công về kinh tế tiềm năng mà các quốc gia đang phát triển khác có thể hướng tới, trong khi các cường quốc trong khu vực tranh giành ảnh hưởng với quốc gia 22 triệu dân này.

Tuy nhiên, nền kinh tế đã chịu áp lực trong nhiều tháng, bị đè nặng bởi nợ chính phủ và các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Đại dịch cũng đã cắt đứt doanh thu du lịch quan trọng của đất nước.

 Người dân nằm dài trong dinh thự tổng thống hôm 13/7. Ảnh: Reuters.

Người dân nằm dài trong dinh thự tổng thống hôm 13/7. Ảnh: Reuters.

Giờ đây, ở Sri Lanka lại diễn ra một câu chuyện khác.

Vào hôm 10/7, khi vệ binh lặng lẽ tuần tra các sảnh trong dinh thự tổng thống, một số “du khách” trầm trồ trước các tác phẩm mỹ thuật, đèn chùm và trần nhà được sơn công phu.

Nhiều người nằm dài trên chiếc giường có màn trang trí của tổng thống, hoặc nhìn vào những chiếc hòm bằng gỗ tếch hoặc tủ trong nhà bếp. Thiệt hại, nếu có, chỉ rất nhỏ, ngoài một số hình vẽ thúc giục tổng thống từ chức hay mảnh vỡ chai nhựa, một vài tấm rèm bị kéo xuống và những bức tranh hơi nghiêng.

Những người biểu tình thậm chí còn nhặt rác trong dinh thự, quét sàn, tưới cây, và trả lại khoảng 17 triệu rupee, gần 50.000 USD, mà họ đã tìm thấy cho cảnh sát.

Gia đình cô Deepa Ranawara là một trong số những người tận hưởng không khí này. Cả gia đình bốn người đã đi bộ 24 km từ nhà đến dinh thự tổng thống ngày cuối tuần qua, khiến đôi chân của cô Ranawara đau nhức.

“Người dân đã phải chịu đựng quá nhiều”, cô nói. “Ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất, tôi chưa bao giờ nghĩ điều này có thể xảy ra ở Sri Lanka”.

Hai năm trước, cô Ranawara và chồng đã vay ngân hàng để mở một cửa hàng ở góc phố bán những thứ cơ bản như sữa, đường, gạo, trứng, kiếm thêm thu nhập từ công việc sơn ôtô. Hiện cặp vợ chồng này đang phải vật lộn để trả khoản vay và tìm cách lấp đầy kệ hàng.

“Chúng tôi chỉ ăn 2 bữa một ngày. Chúng tôi thậm chí còn không nghĩ đến việc ăn cá hay ăn thịt”, cô Ranawara nói.

Trong hơn hai năm, hai đứa con của Mohammad Imran không thể đi học thường xuyên ở Colombo. Đầu tiên là do đại dịch. Bây giờ là do cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhiên liệu trở nên khan hiếm và mọi chi phí đều tăng vọt.

Anh Imran cắt giảm các chi phí, nhưng vẫn muốn tổ chức lễ Eid al-Adha - một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo - với các con vào ngày 10/7. Anh mượn một ít xăng để đổ vào xe máy và chở Barerah, 11 tuổi và Thameem, 5 tuổi, đến dinh tổng thống.

“Tôi nghĩ việc chứng kiến lối sống của ông ấy sẽ là cách tốt để giáo dục các con”, anh nói.

Cái bẫy khủng hoảng

Những người biểu tình cho rằng những đau khổ của người dân bắt nguồn từ Tổng thống Rajapaksa và gia tộc này - những người nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính phủ.

Trước tình hình bất ổn gia tăng trong năm qua, ông Rajapaksas ban đầu phủ nhận nền kinh tế đang sụp đổ.

Khi những người biểu tình xuống đường vào mùa xuân, tổng thống cố gắng đưa ra các thỏa hiệp, yêu cầu thành viên gia đình rời khỏi các vị trí trong chính phủ. Ngay cả khi người anh trai là cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa từ chức hồi tháng 5, tổng thống vẫn kiên quyết bám trụ quyền lực.

Vào cuối ngày 9/7, Mahinda Yapa Abeywardena, người phát ngôn Quốc hội Sri Lanka, cho biết tổng thống nói ông sẽ từ chức vào ngày 13/7. Nhưng cả ông Rajapaksa và các quan chức khác xung quanh ông đều chưa trực tiếp nói vậy.

Hiện vẫn chưa rõ ông Rajapaksas đang ở đâu. Theo thông tin từ một nhân viên sân bay ở Male (Maldives) nói với AFP, nhà lãnh đạo 73 tuổi, vợ và một vệ sĩ được cảnh sát hộ tống tới một địa điểm bí mật, sau khi họ xuống chiếc máy bay quân sự Antonov-32 từ Sri Lanka.

 Người biểu tình chụp ảnh tại nơi ông Gotabaya Rajapaksa từng tổ chức các sự kiện tại dinh thự tổng thống hôm 10/7. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình chụp ảnh tại nơi ông Gotabaya Rajapaksa từng tổ chức các sự kiện tại dinh thự tổng thống hôm 10/7. Ảnh: Reuters.

Theo quy định trong Hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ trở thành quyền tổng thống. Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cũng đã thông báo ý định từ chức. Cơn phẫn nộ của công chúng lên cao tới mức họ phóng hỏa cả nhà riêng của ông.

Do đó, khả năng cao ông Abeywardena, 76 tuổi, Chủ tịch Quốc hội sẽ trở thành nhà lãnh đạo lâm thời.

“Trường hợp hợp hiến là nếu tổng thống từ chức và không có thủ tướng, chủ tịch Quốc hội có thể nắm quyền tổng thống trong thời hạn một tháng”, Jayadeva Uyangoda - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Colombo - cho biết.

Tổng thống tạm quyền sẽ có một tháng để tổ chức bầu cử tổng thống với các thành viên của Quốc hội. Giới phân tích cho biết người chiến thắng sẽ hoàn thành hai năm còn lại trong nhiệm kỳ của ông Rajapaksa trước khi cuộc bầu cử mới diễn ra.

Ông Uyangoda nhận định cả tổng thống và thủ tướng mới đều sẽ bước vào “cái bẫy khủng hoảng”.

Trong khi các cuộc biểu tình tập trung vào gia đình ông Rajapaksa, nhiều người cũng thất vọng với cuộc đấu đá nội bộ trong tầng lớp chính trị. Họ muốn quyền lực hành pháp bị hạn chế và chính phủ phải chịu nhiều trách nhiệm giải trình hơn.

Ông Uyangoda cho biết lãnh đạo mới sẽ phải vật lộn để thực hiện lời hứa vì cuộc khủng hoảng kinh tế khó khăn.

“Công chúng đang mất niềm tin vào toàn bộ tầng lớp chính trị”, giáo sư nhận định. “Có mâu thuẫn giữa giai cấp chính trị và công dân ý thức về mặt chính trị. Trừ khi mâu thuẫn này được giải quyết, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến bất ổn”.

Người biểu tình nô đùa sau khi xông vào nhà tổng thống Sri Lanka Sau khi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tháo chạy khỏi dinh thự ở Colombo, báo địa phương Daily Mirror đăng video cho thấy người biểu tình nô đùa ở bể bơi của tòa nhà.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-sri-lanka-thao-chay-sang-maldives-chuyen-gi-se-toi-post1334590.html