Câu hỏi 'Sao chưa có bồ', 'Có đẻ thêm không' kém duyên ngày Tết

Gặp gỡ họ hàng, người quen vào dịp đầu năm mới, nhiều người không tránh được việc bị hỏi những câu khó như 'Bao giờ lấy chồng?', 'Lương thưởng nhiều không?', 'Bao giờ sinh con?'.

Tết luôn là dịp đặc biệt trong năm khi những người xa quê được trở về, họ hàng lâu ngày gặp gỡ có thời gian thăm hỏi, chúc tụng nhau.

Thế nhưng, nhắc tới Tết cũng là nhắc đến những nỗi sợ không tên của nhiều người. Đó là chuyện tốn kém chi tiền mua sắm, lo lắng dự định cho năm mới hay nghe những câu hỏi khó mà không phải ai cũng sẵn sàng trả lời.

Bao giờ cưới?

"Có người yêu chưa?", "Bạn trai đâu?", "Sao về Tết một mình thế?", "Bao giờ lấy vợ?"... là những câu hỏi "kinh điển" mà hội độc thân thường xuyên nhận được từ cha mẹ, họ hàng, hàng xóm vào mỗi dịp đầu năm mới.

Đặc biệt với những người đã ổn định công việc và "ế" nhiều năm càng ngán ngẩm, thậm chí bực bội khi đi đâu cũng bị hỏi chuyện lập gia đình.

 Câu hỏi khó với hội độc thân là "Có người yêu chưa?", "Bao giờ cưới?".

Câu hỏi khó với hội độc thân là "Có người yêu chưa?", "Bao giờ cưới?".

Với những người đã có đôi có cặp, họ thường sẵn sàng chia sẻ dự định cưới xin. Tuy nhiên, gặng hỏi chuyện thành gia lập thất với những người chưa tìm được một nửa sẽ dễ khiến câu chuyện đầu năm trở nên gượng gạo, khó chịu.

Không ít thanh niên kể về nỗi khổ khi đã trả lời chưa có người yêu còn bị khách đến chơi nhà nói là "kén chọn", "đòi hỏi cao", hoặc bị giục "già rồi, lo tìm người mà cưới đi".

Khi bị hỏi "Bao giờ lấy vợ, gả chồng?", nếu cảm thấy đủ thân thiết và thoải mái thì bạn có thể chia sẻ. Tuy nhiên nếu thấy đó là vấn đề cá nhân, người được hỏi có thể từ chối bằng cách mỉm cười, khéo léo nói sang chuyện khác.

"Cháu còn muốn phấn đấu sự nghiệp thêm vài năm nữa", "Em vẫn chưa tìm được người phù hợp" hay "Cháu đang đợi bác làm mối" là những câu nhẹ nhàng để hội F.A trả lời khi bị hỏi khó dịp Tết.

Với những người muốn đối đáp "lầy lội", hài hước có thể dùng cách trả lời: "Cháu về ăn Tết một mình thôi, chứ nửa mình cháu đi không được", "Mình chuẩn bị hết rồi, bao giờ 'đằng kia' gật đầu thì cưới, chỉ chưa biết đằng kia là người nào thôi", "Đâu phải cứ Tết là có người yêu đâu ạ", "Năm nay công ty cháu thưởng tiền, để năm sau cháu đề nghị thưởng người yêu dắt về".

Thưởng bao nhiêu? Thăng chức chưa?

Chuyện công việc, lương thưởng cũng là nỗi tò mò của nhiều người khi gặp gỡ dịp đầu năm. Song đây luôn là vấn đề tế nhị mà nhiều người không thích trả lời, không nên hỏi đến.

"Làm nghề đó chắc lương cao lắm nhỉ?", "Thằng A cũng làm việc giống cháu, nghe bảo được thưởng Tết mấy chục triệu, thế cháu được thưởng nhiều không?", "Làm mấy năm rồi, chắc sắp lên quản lý đúng không?".

 Chuyện lương thưởng thường được nhắc tới trong cuộc trò chuyện ngày Tết.

Chuyện lương thưởng thường được nhắc tới trong cuộc trò chuyện ngày Tết.

Những câu trên thường bị nhận xét "kém duyên" và gây áp lực cho người bị hỏi. Nhiều người cảm thấy không thoải mái khi bị "đặt vào thế" bị so sánh với người khác về kinh tế, địa vị.

Những cách trả lời mọi người thường chọn là: "Lương của tôi không bao nhiêu nhưng đủ chi tiêu", "Lương cháu cũng khá chứ không nhiều", "Lương năm nay cao như năm ngoái", "Mới đi làm nên cũng còn cần phấn đấu thêm"...

Nếu đã cố né tránh nhưng vẫn bị gặng hỏi cho bằng được, khó chịu song không thể "bơ", bạn có thể đặt ra một mức nào đó để người hỏi đoán.

Bao giờ sinh con?

Với những cặp vợ chồng mới cưới hoặc cưới lâu năm mà chưa có tin vui, những lần đi thăm hỏi họ hàng hay gặp bạn bè đầu năm khó tránh được câu "Bao giờ đẻ?". Nhiều cặp đã có con cũng bị thúc giục sinh thêm đứa nữa.

 Nhiều người khó chịu khi bị thúc giục chuyện đẻ con.

Nhiều người khó chịu khi bị thúc giục chuyện đẻ con.

Không ít người coi việc hỏi về chuyện con cái chỉ đơn giản là quan tâm nhau, song dễ khiến các cặp vợ chồng thấy ngại hoặc khó chịu, bởi đó là kế hoạch cá nhân.

"Vợ chồng tôi còn trẻ nên chưa tính gì", "Mới cưới mà, để người ta làm vợ chồng son lâu lâu một chút", "Khi nào trời thương thì cho", "Vợ chồng tôi cũng hay hỏi nhau bao giờ đẻ, mà không ai biết", "Đợi đứa đầu lớn đã rồi mới tính" là cách trả lời thoải mái cho đôi bên.

Năm nay được học sinh giỏi không?

Nhiều học sinh háo hức chờ Tết đến vì được nghỉ học dài ngày, còn được đi chơi và nhận lì xì năm mới.

Thế nhưng nhiều em thấy "ngại" mỗi khi họ hàng tới chơi thường hỏi mình hay phụ huynh về tình hình học tập. Nếu con cái học giỏi, được khen thưởng, cha mẹ sẽ thoải mái chia sẻ.

Song với các em học lực bình thường, nếu bị hỏi về thành tích trong năm sẽ khiến các em thấy áp lực, buồn, có tâm lý so sánh mình với người khác, khiến việc chúc mừng năm mới lại mất vui.

Nếu không muốn bị soi chuyện học hành, các em có thể trả lời nhẹ nhàng, tránh nói nặng nhẹ với người lớn tuổi: "Năm nay cháu học chưa tốt lắm, cháu sẽ cố gắng hơn vào năm sau", "Cháu không đứng nhất lớp nhưng thầy cô, bạn bè cũng quý nhiều ạ".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-sao-chua-co-bo-co-de-them-khong-kem-duyen-ngay-tet-post1182560.html