Câu hỏi thường gặp liên quan đến áp xe phổi

Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng tại phổi gây tích tụ dịch mủ, sưng đau và hoại tử mô phổi.

1. Đông y có chữa được áp xe phổi không?

Áp xe phổi là bệnh lý do viêm nhiễm hoại tử cấp tính không phải lao, tác nhân gây bệnh phổ biến là các loại nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng gây viêm nhiễm, hoại tử nhu mô phổi. Tác nhân gây bệnh này có thể đi theo đường hô hấp vào phổi hoặc do nhiễm trùng bộ phận khác lan sang… Đông y không chữa được áp xe phổi, nhưng có thể hỗ trợ trong điều trị giúp nâng cao và phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

2. Các phương pháp điều trị áp xe phổi

Việc chẩn đoán cần tiến hành nhanh vì áp xe phổi có thể vỡ và gây biến chứng nhanh chóng. Điều trị bệnh có thể độc lập hoặc kết hợp các phương pháp sau:

- Điều trị nội khoa

Tùy vào căn nguyên mà các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh bao phủ căn nguyên nghi ngờ, hoặc căn nguyên được xác định dựa trên kết quả nuôi cấy bệnh phẩm. Thời gian điều trị kháng sinh có thể kéo dài 3 – 6 tuần hoặc lâu hơn.

Cần dùng kháng sinh sớm liều cao, phối hợp kháng sinh theo phác đồ. Dùng kháng sinh đúng, đủ thời gian và liều lượng sẽ giúp điều trị nhiễm trùng triệt để, tránh tái phát.

Nội dung

1. Đông y có chữa được áp xe phổi không?

2. Các phương pháp điều trị áp xe phổi

3. Áp xe phổi có chữa khỏi được không?

4. Cách chăm sóc bệnh tại nhà

5. Chi phí khám chữa bệnh

Dẫn lưu ổ áp xe cũng cần thực hiện sớm sau khi xác định được vị trí và mức độ áp xe. Dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực cần thực hiện nhiều lần cho đến khi loại bỏ hoàn toàn ổ áp xe. Các trường hợp nặng hơn có thể dùng dẫn lưu ống mềm qua phế quản hoặc chọc dẫn lưu mủ qua da.

Điều trị hỗ trợ bằng thuốc điều trị triệu chứng sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn như: Thuốc kháng viêm, thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau… Bên cạnh đó cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giúp tăng cường sức khỏe và cân bằng điện giải.

- Phẫu thuật

Với các trường hợp ổ áp xe kích thước lớn, đe dọa biến chứng nguy hiểm, không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc áp xe phổi trên bệnh lý nền thì phẫu thuật có thể được tiến hành. Phẫu thuật dẫn lưu loại bỏ ổ mủ sẽ giúp loại bỏ nhanh ổ viêm nhiễm, tuy nhiên vẫn cần điều trị kéo dài bằng kháng sinh và chăm sóc.

Tùy theo vị trí, tính chất ổ áp xe, có thể can thiệp dẫn lưu ổ áp xe, chọc hút ổ áp xe, dẫn lưu màng phổi, phẫu thuật cắt bỏ…

3. Áp xe phổi có chữa khỏi được không?

Áp xe phổi gây nguy hiểm trong trường hợp người bệnh không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hoặc điều trị không đúng cách, vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như giãn phế quản, áp xe não, viêm màng não, ho ra máu nặng, suy kiệt các cơ quan, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Tỷ lệ tử vong của áp xe phổi từ 2 – 38,2%, tùy thuộc vào tuổi, tình trạng suy dinh dưỡng, bệnh lý nền, tình trạng miễn dịch, thời điểm bắt đầu điều trị kháng sinh thích hợp, các điều trị can thiệp trong trường hợp nặng. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể dự phòng và điều trị tốt nếu người bệnh thực hiện điều trị từ sớm, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường.

Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng tại phổi gây tích tụ dịch mủ, sưng đau và hoại tử mô phổi.

Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng tại phổi gây tích tụ dịch mủ, sưng đau và hoại tử mô phổi.

4. Cách chăm sóc bệnh nhân áp xe phổi tại nhà

Ngoài việc tuân thủ chỉ định của thầy thuốc, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể người bệnh, đặc biệt là protein và vitamin. Bổ sung nước, duy trì cân bằng nước và điện giải. Giảm các triệu chứng đau, hạ sốt. Sử dụng liệu pháp thở oxy nhằm hỗ trợ hô hấp cho người bệnh.

Cần chú ý tăng cường ăn rau củ quả. Đây là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh áp xe phổi.

Nên chọn các loại rau củ quả có màu đậm như các loại rau lá xanh: Rau ngót, cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh... các loại trái cây giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C như cam, nho, dâu tây, đu đủ, táo, lê, chuối…

Nếu người bệnh mệt mỏi, khó ăn, có thể uống các loại nước ép trái cây và rau quả tươi cũng rất tốt cho người bệnh áp xe phổi.

Bệnh nhân áp xe phổi cần được nghỉ ngơi, ăn lỏng và uống nhiều nước. Thức ăn nên chế biến dưới dạng cháo, súp giúp bệnh nhân dễ ăn và dễ tiêu.

Cung cấp đủ nước có tác dụng làm loãng đờm, dịu họng, giúp người bệnh dễ dàng khạc đờm ra. Nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể là 2 lít/ngày (bao gồm nước lọc, nước canh, nước trái cây, sữa...). Nếu người bệnh sốt cao cần uống oresol để bù nước và điện giải.

Thực phẩm giàu protein hay còn gọi là chất đạm là thành phần thiết yếu cho việc hình thành, tái tạo và hồi phục của cơ thể. Nếu thiếu protein sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh lên quan đến sự giảm sức đề kháng của cơ thể.

Người bệnh áp xe phổi nên bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như: Thịt, cá, trứng sữa, các loại đậu đỗ… không ăn kiêng trong giai đoạn mắc bệnh.

Người bệnh áp xe phổi cần hạn chế ăn các loại thức ăn chiên, xào, nướng chứa nhiều gia vị và dầu mỡ, vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu.

Tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn như: Xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội...

Không ăn đồ lạnh. Kiêng rượu, bia và không hút thuốc lá…

Cần lưu ý: Để tránh bị sặc, không nên để người bệnh nằm khi ăn. Nên cho người bệnh ăn từng miếng nhỏ.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Tùy từng trường hợp cá nhân, mức độ của bệnh mà các chi phí chữa áp xe phổi cũng sẽ khác nhau. Nếu việc điều trị nội khoa và các phương pháp hỗ trợ sẽ ít tốn kém hơn là phẫu thuật.

Ví dụ chọc hút khí màng phổi có chi phí là 150.000 VNĐ, dẫn lưu màng phổi, ổ áp xe phổi dưới hướng dẫn của siêu âm có chi phí 697.000 VNĐ, chọc hút ổ dịch, áp xe dưới hướng dẫn của siêu âm có chi phí là 568.000 VNĐ…

Các chi phí này chưa bao gồm các chi phí ống thông và các vật tư khác. Ngoài ra, các chi phí còn khác nhau ở dịch vụ thông thường hay bảo hiểm y tế chi trả.

BS. Trần Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-ap-xe-phoi-169240915143646265.htm