Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh Alzheimer
Alzheimer là một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Bệnh Alzheimer không phải là bệnh lão khoa thông thường hoặc bệnh thần kinh.
1. Đông y có chữa được Alzheimer?
NỘI DUNG:
1. Đông y có chữa được Alzheimer?
2. Cách xử trí khi bị Alzheimer
3. Chăm sóc người mắc Alzheimer tại nhà
4. Bệnh Alzheimer có chữa khỏi được không?
5. Chi phí khám, chữa bệnh Alzheimer
Trong y văn của y học cổ truyền có không ít tài liệu bàn về chứng ngây dại lẩn thẩn của người già. Sách "Thiên Kim Yếu phương" đời nhà Đường cũng đã ghi chép về người già phần nhiều có các triệu chứng "Tâm lực suy thoái, nói trước quên sau, ăn uống không biết mùi vị, chỗ ngủ không yên, mọi việc linh tính rời rạc, chẳng tin cậy vào ai nữa".
Thường các triệu chứng này do nghịch khí từ tâm hoặc hai kinh Can, Đờm không thanh tĩnh gây nên. Có thể chữa khỏi và cũng có thể không khỏi, mà phải theo vị khí, nguyên khí mạnh hay yếu, dần dần hồi phục, không thể vội vàng được. Nên phù trợ chính khí là chủ yếu, dùng bài "Thất phúc ẩm" hoặc bài "Đại bổ nguyên tiễn".
Các bài thuốc hỗ trợ trị bệnh Alzheimer: Bài Thất phúc ẩm (Tân phương bát trận, cảnh nhạc toàn thư). Bài Đại bổ nguyên tiễn (Tân phương bát trận - Cảnh Nhạc toàn thư).
2. Cách xử trí khi bị Alzheimer
Ngủ đủ giấc
Alzheimer là bệnh lý đặc trưng với sự xuất hiện của các mảng amyloid và đám rối thần kinh. Trong khi đó, nếu như ngủ không đủ giấc, ngủ muộn, lượng beta – amyloid sẽ được sản sinh nhiều hơn bình thường. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh Alzheimer tiến triển nặng nề hơn. Do đó, hình thành cho mình một thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ là rất cần thiết.
Tập thể dục
Nghiên cứu khoa học đã cho thấy, việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp tăng cường lưu thông máu não, làm bền vững hơn sự liên kết giữa các tế bào thần kinh. Đồng thời, việc tập thể dục cũng tạo ra những hormone tích cực giúp loại bỏ các gốc tự do, bảo vệ tế bào não.
Rèn luyện trí óc
Những người hoạt động liên quan đến trí nhớ, thường xuyên phải cố gắng ghi nhớ sẽ ít có nguy cơ mất trí nhớ hơn. Do đó, để ngăn chặn Alzheimer tiến triển thì rèn luyện khả năng ghi nhớ là biện pháp hữu ích. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chơi các trò chơi suy luận logic để tăng khả năng tư duy và ghi nhớ của não bộ.
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý
Theo các nhà nghiên cứu, một chế độ ăn kiêng ít tinh bột, calo sẽ làm giảm mức độ tiến triển của bệnh Alzheimer. Nguyên nhân được cho là chế độ ăn kiêng này sẽ thúc đẩy sản sinh chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào trước sự tấn công của các gốc tự do.
Ngoài ra, các loại quả mọng như việt quất, dâu tây,… đã được chứng minh có khả năng ngăn bệnh Alzheimer tiến triển lên tới 2,5 năm.
3. Chăm sóc người mắc Alzheimer tại nhà
Bệnh nhân Alzheimer không mất hoàn toàn khả năng hiểu biết, vì vậy việc tập luyện chăm sóc để kích thích trí tuệ rất quan trọng.
Đối với người nhà:
Tập chơi các trò chơi vận động não như xếp hình, sudoku.
Tập thói quen để đồ vật ở những nơi cố định. Trước khi đặt xuống tập nhìn và cố gắng ghi nhớ vị trí.
Ghi địa chỉ và số thoại vào vòng đeo tay để phòng khi đi lạc.
Luôn hỏi bệnh nhân các câu hỏi về vị trí và lặp lại hằng ngày.
Thường xuyên đưa bệnh nhân ra ngoài đi dạo. Có thể để bệnh nhân tự đi về và người chăm sóc ở phía sau quan sát hỗ trợ.
Đối với bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, hỗ trợ cho uống thuốc đủ, đúng liều.
Tránh gây cảm xúc tiêu cực cho bệnh nhân.
Khuyến khích thể dục để giữ tinh thần thoải mái, hỗ trợ giấc ngủ.
Đối với bệnh nhân:
Bệnh nhân không tự chăm sóc được bản thân hoặcphụ thuộc một phần vào người khác. Bạn có thế hỗ trợ và hướng dẫn để bệnh nhân có thể tự chăm sóc tối đa.Đơn giản hóa lịch sinh hoạt, cố định các vật dụng cá nhân để bệnh nhân dễ dàng ghi nhớ và thực hiện.
Áp dụng chế độ ăn khoa học, giảm đường, muối, tăng cường ăn rau xanh, đạm, hạn chế chất béo động vật.
Luyện tập thể dục thường xuyên.
Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì.
4. Bệnh Alzheimer có chữa khỏi được không?
Alzheimer là một căn bệnh phức tạp và các nhà khoa học đang nghiên cứu để có thể hiểu hơn về nó. Hầu hết những người mắc bệnh Alzheimer được chẩn đoán sau tuổi 65. Nếu được chẩn đoán trước 65 tuổi thì thường được gọi là bệnh Alzheimer khởi phát sớm.
Hiện nay, vẫn không có cách nào chữa bệnh Alzheimer khỏi hoàn toàn, nhưng có những phương pháp điều trị giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Việc áp dụng điều trị và quá trình tiến triển bệnh của mỗi người với bệnh Alzheimer là khác nhau.
5. Chi phí khám, chữa bệnh Alzheimer
Chi phí thăm khám và điều trị tùy thuộc vào từng cá thể bệnh nhân. Thông qua việc thăm khám lâm sàng các bác sĩ sẽ có một số chỉ định các xét nghiệm về tinh thần, thể chất, thần kinh và phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể giúp bác sĩ chẩn đoán.
Kiểm tra tinh thần về trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn, những định hướng địa điểm và thời gian...
Kiểm tra sức khỏe: Xét nghiệm máu, huyết áp, nhịp tim, đánh giá trương lực cơ, phản xạ gân xương...
Chụp MRI có thể giúp xác định các dấu hiệu chính. Chụp CT có thể giúp bác sĩ tìm kiếm các đặc điểm bất thường trong não của bạn.
Tùy từng cơ sở y tế mà chi phí cho khám, chẩn đoán, xét nghiệm Alzheimer có giá giao động từ 200.000 đồng đến 1.5000.000 đồng.