Câu hỏi thường gặp liên quan đến đổ mồ hôi trộm

Đổ mồ hôi trộm là tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm, trong lúc chúng ta đang ngủ. Đổ mồ hôi trộm xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Đôi khi người lớn cũng gặp tình trạng ra mồ hôi trộm và nó có thể cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe.

1. Đông y có chữa được đổ mồ hôi trộm không?

Đổ mồ hôi là cách giúp cơ thể làm mát nhưng đôi khi vấn đề này kéo dài lại đáng lo. Hậu quả của việc ra nhiều mồ hôi ban đêm thường là: Gây mất ngủ vì lạnh và khó chịu do cả người cùng chăn gối ẩm ướt; Mệt mỏi, kiệt sức do một lượng chất điện giải lớn như natri, kali bị mất đi theo mồ hôi.

Thậm chí, đổ mồ hôi còn do một số bệnh lý hay do nội tiết. Vì vậy, nếu đổ mồ hôi do các nguyên nhân thông thường thì đông y chữa hiệu quả. Còn đổ mồ hôi do một số bệnh lý nội tiết hay tim mạch thì đông y không chữa được.

2. Các phương pháp điều trị đổ mồ hôi trộm

Đổ mồ hôi trộm là tình trạng cơ thể bài tiết mồ hôi trong lúc ngủ. Tình trạng này thường gặp nhất là ban đêm. Do đó có thể có tên gọi khác là đổ mồ hôi đêm.

Mồ hôi trộm thường được bài tiết ở vùng đầu, trán, nách, bàn tay, bàn chân. Mồ hôi có thể nhiều đến mức làm ướt quần áo, ga giường mà không phải do nguyên nhân thời tiết.

Tùy từng nguyên nhân đổ mồ hôi trộm mà các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp.

Đối với trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh này cao nhất do sức đề kháng còn yếu. Tình trạng ra mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ có thể được cải thiện khi thực hiện những biện pháp sau đây:

Giữ cho cơ thể trẻ nhỏ luôn mát và thoải mái: Biện pháp này thực hiện bằng cách tạo không gian đủ rộng, phòng ngủ phải thoáng mát, không bí bách. Khi bị mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh vào ban đêm thì nên cho bé mặc quần áo thoáng mát để có giấc ngủ ngon.

Đảm bảo cân bằng hệ dinh dưỡng cho trẻ: Để giảm bớt nhiệt cho cơ thể, phụ huynh nên bổ sung các rau củ như bí đao, cam, rau má, cải ngọt,.... Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm nóng, chứa nhiều dầu mỡ để tránh ra mồ hôi, khiến trẻ nổi mụn và ngứa. Bên cạnh đó, cung cấp đủ nước cho trẻ trước khi ngủ sẽ bù đắp lượng nước mất do đổ mồ hôi.

Bổ sung đầy đủ vitamin D: Thiếu hụt vitamin D khiến mồ hôi bài tiết nhiều ở trẻ vì thế cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng từ 6 đến 9 giờ (mùa hè) và từ 9 đến 10 giờ (mùa đông). Khi tắm nắng cho trẻ, tuyệt đối không để mắt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Hậu quả của việc ra nhiều mồ hôi ban đêm thường là gây mất ngủ vì lạnh và khó chịu.

Hậu quả của việc ra nhiều mồ hôi ban đêm thường là gây mất ngủ vì lạnh và khó chịu.

Đối với người lớn

Đối với người lớn, việc điều trị đổ mồ hôi trộm phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định. Nếu nguyên nhân đổ mồ hôi trộm ở người lớn là do sử dụng thuốc thì việc thay đổi liều, hoặc đổi thuốc có thể khắc phục tình trạng này.

Nếu nguyên nhân là nhiễm trùng cơ bản hoặc các bệnh liên quan đến nội tiết tố thì phải sử dụng thuốc để khắc phục. Ví dụ như thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng.

Đối với nguyên nhân do thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ, thuốc có thể được xem xét nếu các phương pháp khác không hiệu quả. Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc sử dụng trong liệu pháp hormone, có thể làm giảm đổ mồ hôi trộm. Nhưng chúng có nhiều tác dụng phụ. Do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng thuốc.

Bệnh ra mồ hôi trộm do ung thư cần được điều trị ngay theo giai đoạn. Phương pháp trị liệu thường gặp là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Đối với phụ nữ bị mãn kinh, có thể sử dụng thuốc thay đổi hormone theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Không nên ăn đồ cay nóng và tập thể dục trước khi ngủ.
Nên mặc đồ thoải mái để không bị khó chịu khi ngủ.

3. Đổ mồ hôi trộm có chữa khỏi được không?

Mồ hôi trộm được chia ra làm 2 loại là:

Đổ mồ hôi trộm sinh lý: Đổ mồ hôi cũng là cách giúp cơ thể giải tỏa nhiệt. Trong trường hợp này thì mồ hôi trộm không gây tác động xấu tới người bệnh.
Mồ hôi trộm bệnh lý: Tình trạng này xảy ra ở một số người mắc bệnh còi xương…dù đổ mồ hôi rất nhiều nhưng không phải là do yếu tố môi trường hay thời tiết.

Bệnh đổ mồ hôi trộm là bệnh không có tính lây nhiễm, vậy nên không cần lo lắng và bệnh có thể chữa được nếu tìm ra nguyên nhân.

4. Những chú ý quan trọng đối với đổ mồ hôi trộm

Người có nguy cơ đổ mồ hôi trộm gồm:

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
Người sử dụng một số loại thuốc gây tăng tiết mồ hôi;
Người mắc một số bệnh lý như nhiễm trùng, ung thư, mắc một số bệnh lý nội tiết, đái tháo đường…

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đổ mồ hôi trộm gồm:

Phụ nữ có thai, sau sinh hoặc tiền mãn kinh, mãn kinh;
Nam giới 45 tuổi trở lên và trẻ em.

Dù là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu đổ mồ hôi trộm xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, tâm trạng và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Do đó, chúng ta cần chủ động phòng ngừa căn bệnh này bằng những cách sau đây:

Giữ nơi ở luôn mát mẻ, thoáng khí: Không khí ngột ngạt, bí bách sẽ dễ dàng làm bệnh đồ mồ hôi trộm xuất hiện ở người lớn lẫn trẻ em. Vì thế, giữ căn nhà luôn sạch sẽ, thoáng mát sẽ giúp cho cơ thể thoải mái, hạn chế xảy ra tình trạng đồ môi trộm.

Tránh những thực phẩm cay nóng: Những món ăn cay hỗ trợ kích thích vị giác làm món ăn thêm ngon hơn, những đồ chiên dầu sẽ khiến món ăn không bị ngán. Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều sẽ khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi cả ban ngày lẫn đêm làm rối loạn giấc ngủ của bạn.

Cân nhắc trước khi dùng các loại thuốc: Nếu đang sử dụng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ sốt, thuốc chứa thành phần aspirin, acetaminophen thì nên hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu kèm theo biểu hiện của đồ mồ hôi nhiều hơn bình thường thì nên thăm khám tại các cơ sở uy tín để được hướng dẫn từ bác sĩ.

Tránh sử dụng chất kích thích: Khi quá lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá hay cà phê sẽ khiến cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều hơn bình thường. Điều này sẽ cho chất lượng bị ảnh hưởng nhiều

5. Chi phí khám chữa bệnh

Để xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ra mồ hôi trộm thì người bệnh cần được khám lâm sàng kỹ càng. Ngoài ra, các bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp sau để xác định nguyên nhân của bệnh như: Xét nghiệm máu; Chụp X quang; Đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH); Tốc độ máu lắng (ESR); Theo dõi nhiệt độ ban đêm của bệnh nhân mỗi ngày...

Việc chi phí thăm khám phụ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, xét nghiệm máu dao động từ 200.000 - 1.000.000 VNĐ. Xét nghiệm TSH trong sàng lọc bệnh lý tuyến giáp có giá là từ 80.000-400.000 VNĐ. Chi phí chụp x quang phổi dao động từ 150.000 – 200.000 VNĐ. Mức giá sẽ tùy thuộc vào loại xét nghiệm, mục đích xét nghiệm và chưa bao gồm các khoản phí dịch vụ đi kèm.

ThS. BS Trần Thị Thúy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-do-mo-hoi-trom-169250412102822706.htm