Câu Kiều vọng giữa nhân gian
Chỉ đến khi lục tìm trong di cảo thì người ta mới phát hiện ra báu vật vô giá mà cụ Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để lại cho đời.
Vào cuối đời Gia Long, đầu năm Minh Mạng nguyên niên 1820, khi bậc danh sĩ từ giã cõi đời trên kinh đô Huế, người ta vẫn chưa biết nhiều về tên tuổi Thanh Hiên Nguyễn Du. Chỉ đến khi lục tìm trong di cảo của thi nhân thì người ta mới phát hiện ra báu vật vô giá mà cụ Nguyễn Du để lại cho đời.
Báu vật vô giá mà Thanh Hiên Nguyễn Du để lại cho đời chính là tác phẩm Truyện Kiều. Ảnh internet
Kho tàng văn chương mà Nguyễn Du để lại chưa hẳn đã đồ sộ và phong phú như nhiều tác giả khác nhưng lại tinh túy và sâu sắc lạ thường. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, mỗi câu, mỗi chữ của Thanh Hiên như là máu thịt, là hồn xác ký thác vào cuộc đời. Tồn tại của thực thể khách quan được tác giả cảm nhận và biểu lộ cảm xúc thành ngôn ngữ văn chương thấm đẫm tinh thần nhân đạo.
Sự cảm thông và sẻ chia sâu sắc của Nguyễn Du đối với con người bao gồm mọi tầng lớp trong xã hội đương thời. Bao con người, bao số phận mà bóng tối của bất công, áp bức trùm lên như màn đêm không lối thoát. Họ bị vùi dập, bị đẩy đến đáy của bùn nhơ. Bao sắc tài chìm nổi, bao đời sống bần hàn trong cảnh cơ cầu, đặc biệt là vẻ đẹp cùng tài năng của nàng Kiều trở thành trò mua vui cho thiên hạ.
Thương thay cũng một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài mà chi
Những là oan khổ lưu ly
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân.
Những câu Kiều như từ rứt ruột mà thành, khiến Mộng Liên Đường đã viết rằng: “Lời văn tả ra ví như máu rỏ đầu ngọn bút, như lệ chảy trên trang viết”. Ở đời, ai chả muốn bình yên, no ấm cho thân phận và gia quyến. Vậy nhưng, cơn bão cuộc đời nào để vẹn giấc mộng hoàng lương.
Bao nổi chìm nhân thế. Bao nhiễu nhương thế cuộc cho màu vàng son biến cải. Vinh nhục ở đời song hành như hình với bóng. Trong bối cảnh ấy, con người luôn cảm thấy mình nằm trong trò chơi của tạo hóa, rủi may, may rủi tại trời:
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Không có gì là sự đảm bảo, là bình yên trước giông tố có thể đạp đổ bao triều đại, bao thành quách. Cuốn theo đó là kiếp phù du trong vòng quay số phận. Hợp tan, ly tán là lẽ thường tình.
Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm.
Các nhân vật trong Truyện Kiều trở thành niềm cảm hứng của nhiều loại hình nghệ thuật khác, trong đó hội họa là một trong những loại hình có lượng tác phẩm lớn. Tranh Internet
Câu Kiều nhỏ ra từ “tiếng kêu đứt ruột”. Như dòng máu từ lưỡi dao cắt chia oan nghiệt khi bắt đầu cuộc đời gió bụi mười lăm năm lưu lạc. Mười lăm năm ấy trải bao mưa gió dập vùi, bao phen mừng tủi. Một nhân cách, một cánh hoa như đèn treo trước gió, cánh bèo chìm nổi theo nước cuốn mù sa.
Phận bèo đâu quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
Nỗi đau nhân thế nhập vào hồn cốt thi nhân, thành lời tự sự xót xa, thương cảm. Những cung bậc của câu Kiều vọng mãi muôn sau vì tính sâu sắc đến điển hình như chính cụ Nguyễn Du cũng đang nổi chìm theo số phận nhân vật của mình.
Canh khuya thân gái dặm trường
Phần e đường sá phần thương dãi dầu.
Phạm Quỳnh từng nói rằng: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Ngay khi nước nhà đắm trong nô lệ, người Pháp nô dịch Việt Nam đầu thế kỷ 20 nhưng cũng phải nghiêng mình trước ánh sáng văn hóa của Truyện Kiều.
Từ năm 1926, họ khẳng định đó là kiệt tác văn chương không thua kém một áng văn bất hủ nào của nhân loại. Những câu lục bát bình dị mà diễn tả tình cảm đa chiều, sâu sắc, ăn nhập vào hồn người đọc:
Vui là vui gượng kẻo mà
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
Thờ ơ gió trúc mưa mai
Ngẩn ngơ trăm mối dùi mài một thân
Ôm lòng đòi đoạn xa gần
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau
Nỗi bi thương dường như được khai thác tột đỉnh bằng thứ ngôn ngữ thuần Việt để người ta đớn đau như chính người trong cuộc. Vậy nên, văn chương từ Truyện Kiều hơn 200 năm nay thấm vào tâm hồn dân tộc Việt Nam. Kỳ lạ thay, mẹ tôi, một người không biết chữ, lại đọc những câu Kiều đầy cảm động:
Bóng dâu đã xế ngang đầu
Biết đâu ấm lạnh biết đâu ngọt bùi
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước nào lời sắt son...
Có những cụ bà tóc trắng như mây, bỏm bẻm nhai trầu, chiếc cối trầu đủng đỉnh xoay theo vòng thời gian, hát lời Kiều nhẩn nha mà quyến rũ đến nao lòng:
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em…
Nhiều tình tiết trong Truyện Kiều đã được nghệ thuật dân gian khai thác, dựng thành những vở trò Kiều độc đáo. Ảnh tư liệu
Ấy là nghịch cảnh khi ngộ biến nên đem duyên chị buộc vào duyên em. Bởi lẽ, bên tình bên hiếu không dễ bề trọn vẹn. Lời nhắn gửi sao mà da diết. Trong cái mất có cái còn, trong lúc xẻ nghé tan đàn vẫn sáng le lói chút tình xưa nghĩa cũ:
Xót thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Lời nhắn gửi như lời trăn trối. Phút chia ly dường như phút cuối cùng bởi trước mắt là muôn dặm bụi trần. Là bóng chim tăm cá. Là sự nổi chìm. Lưu lạc trong bể đời oan khổ.
Mai sau dầu có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về...
Bao nhiêu chẳng đủ và bấy nhiêu thì là thừa. Vì mỗi chữ trong câu Kiều đã là viên ngọc sáng lung linh với thời gian không cần mài giũa. Năm tháng đi qua, bao vàng son sớm thắm chiều phai, bao vương miện với ánh vàng rực rỡ cũng tan biến. Những đỉnh đồng bia đá còn xám mặt. Duy chỉ có câu Kiều sống mãi với nhân gian. Bởi Kiều thành lời ru, lớp này ru lớp khác. Trong vành nôi ấu thơ hay khi “cứng cánh mạnh vai”, người ta đều nghe và thấm thía câu Kiều.
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
(Tố Hữu)
Đôi lời như tấm lòng, như một nén hương bái vọng người xưa. Nhìn lên mây trắng non Hồng, trông vời Giang Đình sóng vỗ, lòng nao nao trước vần vũ thiên nhiên. Mỗi lớp sóng mang mang, mỗi áng mây gió cuốn là mỗi câu Kiều vọng giữa nhân gian.
Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoc/cau-kieu-vong-giua-nhan-gian/195181.htm