Câu lạc bộ 'Tiền hôn nhân', sân chơi bổ ích của vị thành niên và thanh niên
Thời gian qua, Đề án tăng cường tư vấn, cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) giai đoạn 2016 - 2020 thông qua hoạt động mô hình 'Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân' được ngành Dân số - KHHGĐ tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện tích cực. Đến nay, mô hình đã duy trì và nhân rộng tại 34 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với 170 câu lạc bộ (CLB) 'Tiền hôn nhân' thu hút gần 8.000 nam, nữ lứa tuổi VTN/TN tham gia sinh hoạt. Với những hoạt động thiết thực, các CLB này đã trở thành sân chơi bổ ích, trang bị cho các bạn trẻ các kiến thức về CSSKSS/KHHGĐ để bước vào đời tốt hơn.
Gio Linh là một trong những huyện thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường tư vấn, cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho VTN/TN giai đoạn 2016 - 2020. Hiện mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” ở huyện được triển khai tại các xã Gio Quang, Trung Hải, Trung Sơn và thị trấn Gio Linh. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể còn lồng ghép triển khai mô hình này tại 17 xã, thị trấn còn lại với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Đến nay, toàn huyện có 20 CLB “Tiền hôn nhân” thu hút gần 1.000 thành viên tham gia sinh hoạt. Em Trần Thị Tố Lan, thành viên CLB “Tiền hôn nhân” xã Gio Quang chia sẻ: “Từ khi tham gia sinh hoạt tại CLB “Tiền hôn nhân”, em được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về CSSKSS/ KHHGĐ, đặc biệt là nắm bắt được những thông tin thiết thực về sức khỏe sinh sản, giới tính, tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn, trách nhiệm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Qua đó, em và các bạn cởi mở hơn trong việc trao đổi kinh nghệm sống, chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân để có cuộc sống lành mạnh. Đặc biệt, chúng em biết đối phó và bảo vệ bản thân trong các tình huống bất thường”.
Trên cơ sở các kế hoạch, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Y tế và Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, các địa phương đã tích cực tham mưu lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện Đề án tăng cường tư vấn, cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho VTN/TN giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, việc tổ chức thành lập và đi vào hoạt động các CLB “Tiền hôn nhân” trên địa bàn các xã, phường, thị trấn đã thu hút nhiều người trong độ tuổi VTN/TN tham gia. Thông qua nội dung sinh hoạt tại các CLB góp phần nâng cao sự hiểu biết về sức khỏe tiền hôn nhân, kết hôn cận huyết thống và các yếu tố nguy cơ đến bệnh tật bẩm sinh cho VTN/TN; bổ sung cho các em các kiến thức về CSSKSS như tâm sinh lí lứa tuổi dậy thì, tình dục an toàn, phòng tránh có thai ngoài ý muốn, tác hại của việc nạo phá thai, phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, khám sức khỏe trước khi kết hôn… Từ đó, giúp các em có suy nghĩ đúng, nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc CSSKSS tiền hôn nhân, chủ động tìm đến các điểm tư vấn, khám sức khỏe để kiểm tra, lựa chọn cách tốt nhất để bảo vệ, chăm sóc bản thân. Ngoài ra, các bạn trẻ khi tham gia CLB được đào tạo trở thành tuyên truyền viên tích cực trong lĩnh vực CSSKSS vị thành niên và kĩ năng sống cho thanh niên, thiếu niên trong cộng đồng.
Để duy trì triển khai có hiệu quả mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, ban chủ nhiệm các CLB “Tiền hôn nhân” là những tình nguyện viên có vai trò quan trọng. Ngoài việc xây dựng triển khai các hoạt động, họ còn là “cầu nối” gắn kết trong việc huy động, thu hút các bạn trẻ đến với CLB. Bên cạnh đó, việc phối hợp, lồng ghép tích cực của ban chủ nhiệm CLB với các đoàn thể liên quan, nhất là đoàn thanh niên tại cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các buổi sinh hoạt. Công tác truyền thông, giáo dục nhờ đó được đa dạng, đổi mới phù hợp với từng đối tượng để giáo dục, khuyến khích các bạn trẻ tiếp cận những kiến thức cơ bản, có suy nghĩ đúng, nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân và lựa chọn cách tốt nhất để bảo vệ bản thân. Anh Nguyễn Hữu Tân, Chủ nhiệm CLB “Tiền hôn nhân” xã Gio Quang cho biết: “Ngoài các chủ đề sinh hoạt định kì của CLB, chúng tôi còn tập trung tuyên truyền các hoạt động của đề án vào dịp lễ, ngày thành lập Đoàn thanh niên hoặc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể về các vấn đề sức khỏe sinh sản và nhiều nội dung liên quan đến giới trẻ hiện nay. Mặc dù kinh phí hoạt động cho các CLB hết sức khó khăn nhưng các bạn trẻ vẫn rất tích cực tham gia sinh hoạt, góp phần duy trì hoạt động cũng như tính ổn định thành viên tại các CLB”.
Có thể nói, việc triển khai Đề án tăng cường tư vấn, cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho VTN/TN trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức, cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho VTN/ TN, góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đề án tại các địa phương còn gặp không ít khó khăn như đa số bạn trẻ bước vào độ tuổi kết hôn chưa quan tâm đến việc trang bị kiến thức về CSSKSS, KHHGĐ cũng như việc khám sức khỏe trước khi lập gia đình. Tại các CLB “Tiền hôn nhân”, một số thành viên còn e ngại trao đổi những vấn đề “thầm kín” của mình với các bạn; kinh phí hoạt động của các CLB còn rất hạn chế… Để duy trì và thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường tư vấn, cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho VTN/TN trên địa bàn, ngành y tế - dân số trong tỉnh cần xây dựng, hoàn thiện mạng lưới truyền thông, tư vấn và cung ứng các dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ ở cơ sở. Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đưa các hoạt động truyền thông, cung cấp các dịch vụ dân số - KHHGĐ đến đối tượng là thanh niên lao động tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có nhiều lao động trẻ; học sinh, sinh viên tại các trường THCS, THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên địa bàn. Nhân rộng mô hình CLB “Tiền hôn nhân” đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140624