Cầu lông và bài toán thành tích ở SEA Games
Chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2025 (SEA Games 33), đội tuyển cầu lông Việt Nam với 17 tuyển thủ đã bắt đầu tập trung, tập luyện tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh từ tháng 3-2025.
Dưới sự hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia Hariawan Hong (Indonesia), các thành viên đội tuyển cầu lông Việt Nam thể hiện sự quyết tâm cao, hướng tới mục tiêu giành thành tích cao tại các sân chơi quốc tế, trong đó trọng tâm là SEA Games 33.
Tại SEA Games 33, môn cầu lông có 7 bộ huy chương, trong đó đội tuyển cầu lông Việt Nam đặt mục tiêu giành huy chương. Ông Trần Trung Kiên, phụ trách bộ môn cầu lông, Cục Thể dục thể thao Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhìn nhận, đối với cầu lông Việt Nam, việc chúng ta có vận động viên giành quyền vào chung kết một nội dung tại SEA Games 33 đã là thành công. Các nội dung đôi và đồng đội hiện là thế mạnh, có cơ hội tranh chấp huy chương, được ban huấn luyện hướng tới để nâng cao thành tích tại SEA Games 33.

Tay vợt Lê Đức Phát tại Giải cầu lông Vietnam International Challenge.Ảnh: Zoominton
Cầu lông Việt Nam từng tự hào có Nguyễn Tiến Minh giành huy chương đồng tại Giải vô địch cầu lông thế giới 2013. Nhưng ngay cả khi ở thời điểm đỉnh cao nhất, Nguyễn Tiến Minh vẫn chưa thể giành được huy chương vàng SEA Games. Nguyên nhân được chỉ ra rằng các tay vợt cầu lông Việt Nam ít có cơ hội tập huấn và thi đấu quốc tế do nguồn kinh phí hạn hẹp; một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia đầu tư nguồn lực lớn cho phát triển cầu lông. Minh chứng tại Olympic Paris 2024, tay vợt Kunlavut Vitidsarn (Thái Lan) giành huy chương bạc, Lee Zii Jia (Malaysia) giành huy chương đồng nội dung đơn nam; Mariska Tunjung (Indonesia) giành huy chương đồng nội dung đơn nữ; Aaron Chia-Soh Wooi Yik (Malaysia) giành huy chương đồng nội dung đôi nữ.
Trên bảng xếp hạng nội dung đơn nam thế giới, tay vợt nam số 1 Việt Nam Lê Đức Phát xếp hạng 64 thế giới, sau nhiều tay vợt của Đông Nam Á, như: Jonatan Christie (hạng 4 thế giới, quốc tịch Indonesia), Kunlavut Vitidsarn (hạng 5, Thái Lan), Lee Zii Jia (hạng 8, Malaysia), Jason Teh (hạng 22, Singapore), Ginting (hạng 24, Indonesia), Leong Jun Hao (hạng 26, Malaysia)... Tại nội dung đơn nữ, tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh xếp hạng 26 thế giới, sau các tay vợt của khu vực Đông Nam Á, như: Tunjung (hạng 5, Indonesia), Chochuwong (hạng 6, Thái Lan), Katethong (hạng 9, Thái Lan), Ongbamrungphan (hạng 10, Thái Lan), Wardani (hạng 11, Indonesia), Yeo Jia Min (hạng 12, Singapore), Intanon (hạng 13, Thái Lan). Trong khi đó, các cặp đôi vận động viên cầu lông Việt Nam ở nội dung đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ đều không có mặt trong tốp 100 thế giới.
Không dễ để cầu lông Việt Nam có thể cạnh tranh huy chương SEA Games 33. Để giải quyết vấn đề thành tích tại sân chơi khu vực và thế giới, mới đây cầu lông Việt Nam được Cục Thể dục thể thao Việt Nam đưa vào danh sách 17 môn thể thao được đầu tư trọng điểm. Đây là một tín hiệu giúp các vận động viên cầu lông được đầu tư nhiều hơn trong việc đi tập huấn và thi đấu quốc tế trong thời gian tới.
Ông Lê Đăng Xu, Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu giành thành tích cao tại SEA Games 33 và giành suất tham dự Olympic 2028, liên đoàn sẽ nỗ lực tìm nguồn kinh phí để đưa các tuyển thủ trẻ đi thi đấu các giải đấu quốc tế ở mọi cấp độ. Về lâu dài, cầu lông Việt Nam cần chú trọng phát triển phong trào, nâng cao chất lượng đào tạo, tìm ra nhiều vận động viên triển vọng để bổ sung vào đội tuyển cầu lông Việt Nam.