Cầu Mỹ Thuận 2 và sức mạnh quốc gia

Nhìn trường hợp cầu Mỹ Thuận 2 thì có thể công nghệ làm cầu dây văng đã được các kỹ sư Việt Nam học hỏi qua quá trình cùng với nước ngoài làm cầu Mỹ Thuận 1.

Cầu Mỹ Thuận 1 do nước ngoài thiết kế, thi công; còn cầu Mỹ Thuận 2 là công trình cầu dây văng khẩu độ lớn do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn trong tất cả các khâu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói điều này vào ngày 24-12, khi bốn công trình giao thông quan trọng trên cả nước được khánh thành.

Hàm ý của Thủ tướng khi rút ra những “bài học sâu sắc” trong sự kiện này chính là “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”. Nhìn trường hợp cầu Mỹ Thuận 2 thì có thể công nghệ làm cầu dây văng đã được các kỹ sư Việt Nam (VN) học hỏi qua quá trình cùng với nước ngoài làm cầu Mỹ Thuận 1.

 Cầu Mỹ Thuận 2 vừa được khánh thành. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Cầu Mỹ Thuận 2 vừa được khánh thành. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Thật ra câu chuyện này nếu nhìn suốt chiều dài lịch sử thì nó như một truyền thống của người Việt. Từ truyền thuyết chuyện trạng Bùng Phùng Khắc Khoan mang giống ngô từ Trung Quốc về VN, một giáo sư nông học cố gắng để giày dính bùn khi đi thăm ruộng lúa ở một nước phát triển… đến những cây cầu đang được đội ngũ kỹ sư, công nhân VN xây dựng sau khi cùng làm với nước ngoài đã chứng minh một điều rằng: “Nhân dân VN không bao giờ thôi học hỏi để vừa phát triển bản thân, vừa phục vụ sự thịnh vượng của quốc gia”.

Điều đáng nói nữa là những người VN khi học hỏi được những tiến bộ của khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới đều luôn muốn đem về phục vụ quê hương, đất nước.

Cụ thể như anh nông dân Nguyễn Văn Hát ở Hải Dương sau nhiều năm làm thuê ở Israel, chế tạo nhiều máy móc nông nghiệp khiến người Israel nể phục đã về lại quê nhà để mong ước đem trí tuệ của mình ra phục vụ nông nghiệp. Kỹ sư công nghệ thông tin nổi tiếng Google Dương Ngọc Thái thì đi đi về về như con thoi để không chỉ tìm kiếm cơ hội kinh doanh mà còn có những đóng góp quan trọng vào công tác bảo mật cho nhiều nơi ở VN.

Khó có thể kể hết được những điển hình như vậy về người VN tiếp thu, học hỏi các thành tựu của nhân loại rồi tiếp tục phục vụ đất nước, dù ở đâu đi chăng nữa. Hầu như lĩnh vực nào thì cũng vẫn có những người VN với tư duy vượt trội và khả năng cống hiến cao đã học hỏi, tiếp thu và phát triển tốt những thành tựu mà các nước đã đạt được.

Thủ tướng nói: “Tư duy tốt thì nó tạo ra nguồn lực, đổi mới thì tạo ra động lực”. Chuyện xây những cây cầu thôi đã nhen nhóm lên trong mỗi chúng ta những niềm hy vọng về kiến tạo nguồn lực quốc gia để cùng phụng sự, nối những bờ vui.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cau-my-thuan-2-va-suc-manh-quoc-gia-post768596.html