Cầu nối cho sự phát triển của tỉnh
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sắp diễn ra. Theo thông lệ, trước kỳ họp, đợt tiếp xúc cử tri trong toàn tỉnh 'chốt' lại bằng cuộc gặp gỡ, nắm bắt thông tin giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh với 'đại cử tri' là lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, sở, ngành…
Nhiều kiến nghị được phản hồi
Kể từ lần gặp gỡ trước kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), trong 6 tháng qua, nhiều đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo và cử tri tỉnh nhà được Đoàn ĐBQH chuyển tải đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương bằng nhiều hình thức. Rất nhiều nội dung nhanh chóng được phản hồi, góp thêm niềm tin để tỉnh làm cơ sở phát triển.
Điển hình như, tỉnh An Giang sắp có thêm tuyến tránh quan trọng, cấp thiết: Tuyến tránh đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú). UBND tỉnh đề xuất con đường dài 9,5km, chiều rộng nền đường 12m, tổng kinh phí 1.495 tỷ đồng. Ngày 6/7/2023, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 266/TB-VPCP; ngày 2/8/2023, Bộ Giao thông vận tải có Công văn 8380/BGTVT-KHĐT: Thống nhất về sự cần thiết đầu tư tuyến đường đi song hành với Quốc lộ 91, nối Đường tỉnh 945 và 947.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam (cơ quan đang được giao lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) để hoạch định quy hoạch tuyến phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch các cấp, làm cơ sở cho việc đầu tư dự án khi bố trí được nguồn vốn.
Bộ Giao thông vận tải ủng hộ việc hỗ trợ nguồn vốn cho đầu tư xây dựng công trình; sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh An Giang và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh đề nghị sớm ban hành hướng dẫn đánh giá thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng dịch vụ công trực tuyến. Ngày 5/4/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư 01/2023/TT-VPCP, quy định một số nội dung, biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đề xuất kiến nghị liên quan mức chi quản lý, tổ chức cai nghiện ma túy; chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản; điều kiện điều chỉnh quy hoạch… cũng được các bộ, ngành phản hồi sớm.
Đề xuất những vấn đề bức thiết
Nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và trong giai đoạn tới, tại buổi gặp gỡ Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp thứ 6, UBND tỉnh tiếp tục đề xuất Chính phủ cho áp dụng phương pháp định giá đất đối với trường hợp thiếu thông tin định giá (không đủ hoặc không có các khu đất tương tự để so sánh); cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất đối với các dự án đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt (nhưng chứng minh được tính khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế cao).
“Hiện nay, doanh nghiệp khai thác cát sông không có kho chứa cát, mà bán trực tiếp tại mỏ sau khi khai thác trên sông. Do đó, quy định “phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan” theo Điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ trên thực tế chưa thực hiện được.
An Giang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ bổ sung quy định bắt buộc lắp đặt camera ghi rõ hình ảnh hoạt động của cần múc cát trên phương tiện khai thác, hình ảnh biển số phương tiện đến mua cát tại mỏ. Trên cơ sở này, cơ quan chuyên môn phối hợp đơn vị viễn thông ứng dụng công nghệ thông tin xác định sản lượng khai thác thực tế hàng tháng của doanh nghiệp, phục vụ công tác quản lý khoáng sản ở địa phương; chuyển thông tin cho cơ quan thuế. Đồng thời, đề nghị mức phạt đủ cao để đảm bảo tính răn đe do vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nêu ý kiến.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cám ơn Đoàn ĐBQH luôn lắng nghe đề xuất của tỉnh, có tiếng nói giúp An Giang phát triển bền vững. “Mong rằng kỳ họp tới, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục nghiên cứu đề xuất, tác động thêm với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về tình hình sạt lở ở tỉnh; nhu cầu đầu tư xây dựng công trình trọng điểm, bức xúc mang tính chất liên vùng. Trong đó, sạt lở diễn ra nghiêm trọng ở cả những nơi không khai thác cát, do biến đổi khí hậu tác động rõ rệt. Một mặt, chúng ta sống “thuận thiên”, vận động Nhân dân làm kè mềm (trồng cây giữ đường bờ), một mặt kỳ vọng Trung ương hỗ trợ tỉnh tiếp cận các dự án kè trọng điểm, tác động đến đô thị, nằm ngoài khả năng cân đối của tỉnh”.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương chia sẻ: “Từ đầu năm 2023 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận 39 văn bản của bộ, ngành (do các bộ trưởng trực tiếp ký), chứng tỏ Trung ương giải quyết hết sức nghiêm túc kiến nghị, đề xuất của tỉnh. Đợt tiếp xúc cử tri lần này, chúng tôi nhận thấy nhiều vấn đề nảy sinh tại địa phương, đề xuất Thường trực UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo cấp xã tăng cường tuyên truyền, giải quyết, như: Vệ sinh môi trường, giao thông nông thôn, hành lang lộ giới, tháo gỡ ở vùng bị ảnh hưởng thiên tai, sạt lở…
Ngoài ra, cần tuyên truyền sâu để người dân hiểu rõ nỗ lực, chia sẻ khó khăn của tỉnh, Trung ương, cùng chung tay góp sức thực hiện tốt hơn chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những kiến nghị của tỉnh, cần cụ thể hóa, để Đoàn ĐBQH tỉnh có cơ sở nghiên cứu, chuẩn bị đóng góp ý kiến, chất vấn tại kỳ họp; đề xuất, kiến nghị Trung ương giúp tháo gỡ tốt nhất, hiệu quả nhất cho tỉnh”.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cau-noi-cho-su-phat-trien-cua-tinh-a376511.html