Cầu nối đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân

Nhìn lại chặng đường phát triển trong 5 năm qua, vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được khẳng định; mở ra những phương thức mới trong đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, ngày càng hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Chương trình nghệ thuật Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh TRẦN HẢI)

Chương trình nghệ thuật Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh TRẦN HẢI)

Một nhiệm kỳ với nhiều điểm sáng

Đến giờ, mỗi lần nhớ lại quãng thời gian cùng chính quyền, nhân dân trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phường 3, Quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn không thể quên những ký ức đặc biệt. Khi mọi sinh hoạt gần như “đóng băng” đối với người dân, bà đã cùng cán bộ trong cơ quan, đơn vị len lỏi vào các con hẻm nhỏ để hỗ trợ thực phẩm, cấp cứu các trường hợp nhiễm Covid-19 nặng.

Dù khối lượng công việc thời điểm đó có lúc tưởng chừng “ngộp thở”, nhưng vị nữ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Phường 3 vẫn cùng mọi người miệt mài lo cho người dân trên địa bàn. Vất vả, nguy cơ dịch bệnh bủa vây là thế, nhưng những tháng ngày ấy đã đọng lại trong tập thể lãnh đạo, cán bộ Mặt trận Phường 3 một ấn tượng khó phai về tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào trong gian khó.

Quả thật, trong tâm dịch Covid-19, hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội đã thể hiện vai trò nòng cốt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt tổ chức nhiều phương thức, giải pháp thiết thực. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thành phố bình tĩnh, yên tâm thực hiện chủ trương cũng như những quy định phòng, chống dịch.

Thông qua Mặt trận, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp đã ủng hộ, đóng góp tổng cộng hơn 7.000 tỷ đồng để kịp thời hỗ trợ công tác điều trị, chăm lo, đồng hành với hộ dân, lực lượng ở những khu vực bị phong tỏa, cách ly.

Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của các tập thể và cá nhân đã được áp dụng, đạt hiệu quả cao. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Trung cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, thành phố ghi nhận hơn 1.000 mô hình, cách làm hay về vận động, chăm lo người dân khó khăn, tiêu biểu như “Cửa hàng an sinh”, “Tổng đài SOS”, “ATM gạo”, “Tình nguyện viên chung tay phòng, chống dịch Covid-19”, “Đi chợ giúp dân”, “Bếp yêu thương”; “Gian hàng 0 đồng”; “ATM oxy”…

Nhận định về hiệu quả công tác Mặt trận trên địa bàn thành phố 5 năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm kỳ 2019-2024 là một giai đoạn có rất nhiều khó khăn đối với chính quyền, nhân dân thành phố, trong đó có những người làm công tác Mặt trận.

Tuy vậy, chính trong giai đoạn khó khăn đó, sự đoàn kết toàn dân, sự cưu mang, đùm bọc, tận hiến đã giúp thành phố vượt qua thời khắc nguy khốn nhất. Thời gian tới, Mặt trận thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác đổi mới nội dung hoạt động, nâng tầm chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước gắn với tình hình thực tiễn, đồng thời chú trọng hơn nữa công tác cán bộ.

Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân

Một trong những điểm sáng về công tác Mặt trận các cấp nhiệm kỳ qua là hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Tại thành phố Đà Nẵng, thời gian trước đây, khu vực hai bên đường sắt đoạn từ đường Lê Độ đến đường Hà Huy Tập, phường Chính Gián (quận Thanh Khê) nằm sát nhà dân nhưng không có rào chắn, những năm qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, trong đó nạn nhân có cả trẻ em. Tiếp nhận thông tin phản ánh qua một cuộc tiếp xúc cử tri, Ban Giám sát cộng đồng phường Chính Gián lập tức được thành lập.

Sau 5 tháng thi công, người dân khu phố mừng rỡ đón hệ thống hàng rào kiên cố, bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống và lưu thông. Cùng với đó, công trình được tích hợp cống thoát nước, bê-tông hóa hoàn toàn. Anh Võ Văn Đoàn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Chính Gián cho biết: “Khi hàng rào được xây dựng, người dân các tổ dân phố rất ủng hộ, Ban Giám sát luôn túc trực, góp ý phù hợp thực tiễn để phối hợp đơn vị thi công. Đến nay, tuyến đường đã khang trang và an toàn hơn, người dân không còn phải nơm nớp lo sợ nữa”.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Thanh Khê Huỳnh Sơn Hải, Mặt trận Tổ quốc quận Thanh Khê không ngại những vấn đề giám sát và phản biện. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc quận và các cấp luôn nghiên cứu những nội dung, vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực liên quan.

Nhiệm kỳ qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng và các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương đã thực hiện tổng cộng 375 chuyên đề giám sát. Trong đó, tính riêng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng thực hiện 20 cuộc giám sát đối với 11 chuyên đề, gửi 89 kiến nghị đến đơn vị được giám sát và các cơ quan liên quan giải quyết.

Mặt trận các cấp của thành phố đáng sống đã tổ chức 142 hội nghị phản biện xã hội. 56 Ban Thanh tra nhân dân tiến hành 954 cuộc giám sát, qua đây phát hiện 408 vụ việc vi phạm và đã gửi 402 kiến nghị. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức 1.039 cuộc giám sát, trong đó, phát hiện 140 vụ việc vi phạm, gửi 124 kiến nghị đến các cơ quan chức năng, chủ đầu tư các công trình, dự án có liên quan và được khắc phục, giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng Lê Văn Trung khẳng định: Hoạt động giám sát và phản biện xã hội về những vấn đề liên quan quyền lợi của nhân dân đã góp phần cùng Đảng, chính quyền giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân; góp phần khẳng định rõ nét vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị và trong lòng nhân dân.

Tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhìn lại chặng đường 2019-2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất và ổn định xã hội. Hoạt động tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đạt nhiều kết quả quan trọng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia.

Đến nay, sau 20 năm thực hiện, cả nước đã có hơn 87% số khu dân cư tổ chức Ngày hội, hơn 75% số khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, hơn 62% số khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết”, tỷ lệ hộ gia đình ở từng khu dân cư tham dự Ngày hội đạt hơn 70%.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, ngày càng trở thành cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện, phổ biến trong cộng đồng. Tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2.115 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 463 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Vừa qua, trước những ảnh hưởng nặng nề cả về người và tài sản ở 26 tỉnh, thành phố phía bắc do bão số 3 gây ra, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng Đảng, Nhà nước nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Kết quả, đến hết ngày 27/9/2024, Quỹ Cứu trợ Trung ương đã vận động được 1.839 tỷ đồng. Và lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhanh chóng công bố chi tiết bản sao kê nhằm minh bạch hóa các nguồn ủng hộ, phân bổ kịp thời tới các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ; được các tầng lớp nhân dân trong nước và nước ngoài đồng tình, ủng hộ, biểu dương, nhân lên gấp bội tình đồng chí, nghĩa đồng bào thảo thơm, ấm áp.

5 năm qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo, song hệ thống Mặt trận đã tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh thực tế. Với góc nhìn rộng hơn, sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta, tổ chức bộ máy của hệ thống Mặt trận ngày càng được củng cố. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phát triển thêm nhiều tổ chức thành viên, nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, hướng mạnh về địa bàn cơ sở, khu dân cư.

Đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Trong bối cảnh đó, tin tưởng rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chức năng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; vai trò nòng cốt để nhân dân là chủ, làm chủ; phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

LINH PHAN, THANH TÂM và QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cau-noi-doan-ket-tap-hop-cac-tang-lop-nhan-dan-post837091.html