'Cầu nối' dung hòa nơi nhà máy

Từ sự gần gũi, lắng nghe để hiểu tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động, gắn bó để biết doanh nghiệp đang gặp những khó khăn ra sao, cùng sự am tường pháp luật, những cán bộ công đoàn cơ sở kịp thời đề xuất đơn vị hoàn thiện các chính sách chăm lo, đãi ngộ người lao động (NLĐ). Chính từ những việc làm thiết thực ấy, họ trở thành 'cầu nối' để dung hòa nhiều mâu thuẫn nơi nhà máy, xưởng sản xuất.

Ông Nguyễn Quang Huy (bìa trái), Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hoàng Lam, thăm hỏi người lao động

Ông Nguyễn Quang Huy (bìa trái), Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hoàng Lam, thăm hỏi người lao động

Kết nối

Những ngày qua, câu chuyện chọn địa điểm nào để đi du lịch được anh chị em công nhân tại Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (Công ty Triple, huyện Củ Chi, TPHCM) bàn luận sôi nổi. Theo ông Nguyễn Đắc Thời, Chủ tịch Công đoàn Công ty Triple, mỗi năm công ty tổ chức một đợt nghỉ mát. Vì chuyến đi là dành cho công nhân lao động nên công ty đưa ra các lựa chọn để khảo sát ý kiến, nhằm tổ chức đúng nhu cầu, sở thích của NLĐ.

Xuất phát từ công nhân, ông Thời hiểu những điều anh chị em công nhân cần, nên khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch công đoàn, ông đã kịp thời phối hợp, có nhiều đề xuất với lãnh đạo công ty để có nhiều khoản phúc lợi đưa vào thỏa ước lao động. Bên cạnh đó, công đoàn công ty luôn quan tâm, hỗ trợ công nhân, con công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo. Chị Trần Thanh Nhã, công nhân tại xưởng may, bày tỏ, việc công ty lấy ý kiến giúp NLĐ thấy mình được quan tâm và tôn trọng. “Chúng tôi thấy vui vẻ, thoải mái hơn khi tham gia chuyến đi do mình lựa chọn”, chị Nhã chia sẻ.

Ở Công ty TNHH Schneider Electric Manufacturing Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài, Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TPHCM), vào ngày cuối cùng của tháng, Ban giám đốc và Công đoàn phối hợp tổ chức bữa ăn “Ngày thứ sáu vui vẻ” với giá trị suất ăn cao hơn ngày thường. Bà Lê Thị Việt, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết, đó là lời cảm ơn từ Ban giám đốc gửi đến NLĐ vì đã cống hiến hết mình cho sự phát triển của đơn vị. Với thâm niên 27 năm, bà Việt đã thể hiện được vai trò của người cán bộ công đoàn cơ sở năng động, nhạy bén và sáng tạo.

Nhờ đó, bà đại diện NLĐ để thương lượng, ký kết thành công thỏa ước lao động tập thể với rất nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. Tại công ty, NLĐ có thâm niên làm việc trên 5 năm sẽ được tăng 1 ngày phép năm, từ năm thứ 5 trở đi, cứ mỗi 2 năm thì thêm 1 ngày phép. Những NLĐ nam có vợ sinh con thì được nghỉ thêm 24 ngày (đối với khối trực tiếp sản xuất), 20 ngày (với khối văn phòng) và được hưởng 100% lương, cùng nhiều phúc lợi khác.

Ấm lòng cùng ân tình của tổ chức công đoàn

“Mình nói được thì phải làm được. Khi mình hết lòng với anh em công nhân thì sẽ không chỉ có được niềm tin của NLĐ mà còn cả sự nể trọng của lãnh đạo đơn vị”, ông Nguyễn Minh Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chang Yang Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) tâm sự. Để hiểu anh chị em công nhân tại xưởng, ông Tài cùng Ban chấp hành công đoàn công ty chủ động phối hợp tổ dư luận xã hội, tổ phụ trách nhân quyền, nhân sự... kịp thời lắng nghe ý kiến, tâm tư, kiến nghị của NLĐ ở tất cả các phân xưởng, từ đó kịp thời đề xuất các phương án chăm lo.

 Ông Nguyễn Đắc Thời (bìa phải), Chủ tịch Công đoàn Công ty Triple, trao hỗ trợ chăm lo gia đình công nhân khó khăn

Ông Nguyễn Đắc Thời (bìa phải), Chủ tịch Công đoàn Công ty Triple, trao hỗ trợ chăm lo gia đình công nhân khó khăn

Tại Công ty TNHH Chang Yang Việt Nam, trong thỏa ước lao động của công ty, NLĐ được tham gia các chương trình hội thao, nghỉ mát, được thăm hỏi vào các dịp hiếu hỉ, thai sản, được tặng quà dịp 8-3, sinh nhật, lễ, tết... Với những công nhân nuôi con nhỏ, công ty đều có phụ cấp nuôi con. Và cũng từ đề xuất của công đoàn, công ty có chương trình tặng logo công ty trị giá 1 chỉ vàng cho NLĐ có thâm niên gắn bó 15 năm.

Gắn bó với công ty từ ngày đầu, lại là Chủ tịch công đoàn kiêm Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lam (TP Thủ Đức, TPHCM), ông Nguyễn Quang Huy hiểu từng hoàn cảnh NLĐ cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Lợi thế này giúp ông Huy có tiếng nói để thỏa ước lao động tập thể tại công ty có nhiều khoản có lợi cho NLĐ. Tại Công ty TNHH Hoàng Lam, NLĐ tham gia học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đều được đơn vị hỗ trợ 100% học phí.

Ngoài việc được hỗ trợ tiền nhà 300.000 đồng, tiền xăng xe 200.000 đồng, công nhân trực tiếp sản xuất còn được hỗ trợ tiền ăn 50.000 đồng/ngày. Ngoài ra, ông Huy còn kêu gọi NLĐ đóng góp 1 ngày lương/người/năm để xây dựng quỹ tương trợ nội bộ. Từ nguồn quỹ này, nhiều công nhân gặp khó khăn đột xuất được kịp thời hỗ trợ 10-20 triệu đồng. Như vừa qua, bà Lý Thị Kim Thạch mắc bệnh hiểm nghèo, không thể tiếp tục công việc. Khi bà về quê, công đoàn và NLĐ công ty đã trao tặng bà Thạch 50 triệu đồng để xây mái ấm công đoàn. Ngày căn nhà mới hoàn thành, bà Thạch mừng rơi nước mắt...

Năm nay, Liên đoàn Lao động TPHCM xét trao Giải thưởng 28-7 cho 16 chủ tịch công đoàn cơ sở. Bằng sự nhẫn nại, khéo léo và noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Việt cũng như các chủ tịch công đoàn cơ sở được xét trao tặng Giải thưởng 28-7 năm nay đã giúp dung hòa lợi ích của NLĐ với doanh nghiệp, đưa các hoạt động công đoàn đạt nhiều kết quả tích cực. Theo bà Việt, sinh thời Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đến đời sống, việc làm, sức khỏe người công nhân lao động. Học tập Bác, bằng tình cảm của mình, bà Việt cũng như các cán bộ công đoàn đã tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa nơi nhà máy và đưa tổ chức công đoàn trở thành chỗ dựa tin cậy của công nhân lao động.

HỒNG HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cau-noi-dung-hoa-noi-nha-may-post752578.html