Cầu nối giữ vững vùng biên hòa bình, hữu nghị và phát triển
Hoạt động kết nghĩa cụm cư dân nơi biên giới là một trong những của hoạt động đối ngoại biên phòng góp phần quan trọng ổn định tình hình chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Cụm bản Noỏng Mạ nằm trong Khu bảo tồn quốc gia Hin Nậm Nô thuộc huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn của Lào. Bản này là khu vực gần biên giới Việt – Lào, giáp với xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Bao nhiêu năm nay, mỗi khi cần khám chữa bệnh hay xin thuốc... người dân sinh sống ở cụm bản Noỏng Mạ thường có thói quen qua Việt Nam, tới Trạm quân dân y bản 61 do Đồn Biên phòng Cà Roòng (thuộc BĐBP Quảng Bình) phụ trách để nhờ sự giúp đỡ. Có những người sang thăm khám xong còn được cán bộ, chiến sĩ ở trạm nấu cơm, chăm sóc và điều trị đến khi khỏi bệnh.
Và đã thành thói quen, hiện nay, Trạm quân dân y bản 61, ngoài phục vụ dân và quân ở vùng biên giới thuộc xã Thượng Trạch, thì còn phục vụ lượng lớn cư dân ở cụm bản Noỏng Mạ.
Không chỉ sang để khám bệnh, xin thuốc, mà người dân cụm bản còn sang mua muối, gạo và nhiều đồ tiêu dùng khác.
Biết cuộc sống người dân cụm bản Noỏng Mạ còn nhiều khó khăn nên Đồn Biên phòng Cà Roòng nhiều lần phối hợp với một số cơ quan, ban, ngành, nhà hảo tâm đưa gạo, áo quần sang tặng cho bà con.
Còn ở tỉnh Quảng Ninh, đã từ lâu người dân ở khu vực biên giới 2 địa phương là khu phố Tràng Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thôn Vạn Vĩ thuộc thị trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã cùng sống thân thiện, qua lại thăm thân, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt là kể từ khi 2 bên thực hiện kết nghĩa cụm dân cư biên giới thì tình thân giữa 2 địa phương này lại càng gắn bó khăng khít hơn, người dân không chỉ giao lưu, giúp đỡ nhau mà việc 2 địa phương kết nghĩa đã tạo mối quan hệ hữu nghị, góp phần giữ bình yên khu vực biên giới.
Thôn Vạn Vĩ chỉ cách khu phố Tràng Vĩ một con sông. Đây là thôn có 5.000 nhân khẩu, trong đó trên 90% là người gốc Việt. Theo nhiều người cao tuổi Trà Cổ (Móng Cái) cho biết, hàng năm, nhân dân hai bên Tràng Vĩ và Vạn Vĩ vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội và gặp gỡ, thăm thân, giúp nhau phát triển kinh tế… Điều này đã giúp nhân dân 2 bên nâng cao nhận thức, giúp công tác tuyên truyền, giáo dục cho cư dân hai bên biên giới, nhất là lớp trẻ, hiểu được truyền thống văn hóa, mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời giữa hai địa phương. Qua đó đặt nền móng xây dựng ý thức trách nhiệm trong bảo vệ biên giới, xây dựng tuyến biên giới bình yên.
Hoạt động kết nghĩa cụm cư dân nơi biên giới là một trong những của hoạt động đối ngoại biên phòng góp phần quan trọng ổn định tình hình chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tăng cường mối quan hệ hợp tác tin cậy, hòa hiếu với các nước láng giềng.
Tháng 8/2013, thôn Cốc Phương (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) và tổ Tam Bình Bá (thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã tổ chức kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới. Trong 10 năm qua, nhân dân 2 bên biên giới đã chấp hành và thực hiện rất tốt các văn kiện pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc; cùng nhau bảo vệ, không làm hư hỏng mốc quốc giới, không làm thay đổi đường biên giới, dòng chảy sông, suối biên giới; cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới.
Đồng thời, nhân dân 2 bên cũng đã cùng nhau phối hợp, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; cùng với lực lượng chức năng 2 nước ngăn ngừa, không tiếp tay cho các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán người và buôn lậu hàng hóa.
Nhân dân 2 bên cũng thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt, nhất là hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật trông cây chuối, cây dứa; cùng nhau bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống cháy rừng và dịch bệnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đây là một trong hàng trăm cặp của mô hình kết nghĩa “Cụm dân cư 2 bên biên giới” mà BĐBP đã triển khai hiệu quả.
Những năm qua, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, BĐBP đã tổ chức, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, công tác đối ngoại được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Và một trong những hoạt động mang lại hiệu quả trong công tác đối ngoại đó là thực hiện kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, BĐBP đã phối hợp, tham mưu chính quyền địa phương 21/25 tỉnh biên giới đất liền tổ chức kết nghĩa 207 cặp “Cụm dân cư 2 bên biên giới”. Trong đó, đơn cử như tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ký kết và duy trì hoạt động cho 17 cặp bản; tuyến biên giới tỉnh Nghệ An được 21 cặp bản; tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh đã ký kết được 8 cặp bản .v.v..
Thông qua hoạt động này, nhân dân hai bên biên giới ngày càng thể hiện được ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cùng như chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời tạo sự lan tỏa, góp phần vun đắp và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu của Việt Nam với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu các nước láng giềng và nhân dân 2 bên biên giới.
Ngoài ra nhân dân 2 bên biên giới còn cùng nhau phối hợp, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp với lực lượng chức năng hai nước ngăn ngừa, không tiếp tay cho các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán người và buôn lậu hàng hóa.
Nhờ đó, trong những năm qua, nhân dân hai bên biên giới đã chấp hành và thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới đất liền; cùng nhau tham gia bảo vệ, đường biên, mốc quốc giới; giữ vững an ninh trật tự, góp phần giữ vững vùng biên hòa bình, hữu nghị và phát triển; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.