''Cầu nối'' giữa Đảng với nhân dân
Hoạt động nhiệt huyết, các Ban Công tác Mặt trận trên địa bàn thành phố Hà Nội đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết từ mỗi khu dân cư. Qua đó, làm tròn vai trò 'cầu nối' giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân.
Ban Công tác Mặt trận thôn Miêng Thượng, xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) họp triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Dựa vào dân và vì nhân dân hoạt động
Nhiều năm qua, thôn Công giáo toàn tòng Miêng Thượng (xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa) luôn đi đầu trong nhiều phong trào, nhất là thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đường làng, ngõ xóm được nhân dân đóng góp tiền để đầu tư bê tông hóa và trồng hoa ven đường đã giúp diện mạo làng quê nơi đây khang trang, sạch đẹp. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Miêng Thượng Phạm Xuân Quý chia sẻ: “Có được kết quả trên là nhờ vai trò rất lớn của Ban Công tác Mặt trận thôn. Dựa vào dân và vì nhân dân hoạt động nên chúng tôi nhận được sự ủng hộ của bà con”.
Khu dân cư số 8 (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) đang trong quá trình đô thị hóa nên tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh các vấn đề phức tạp. Vì vậy, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Nhờ đó, khu dân cư số 8 đã trở thành điểm sáng của phường Khương Đình, là nơi đầu tiên xây dựng thành công mô hình “Dòng họ học tập”, mô hình “Chăm lo giáo dục thiếu niên, nhi đồng, định hướng nghề nghiệp, tương lai cho con trẻ”. “Các thành viên Ban Công tác Mặt trận luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều kiến nghị của bà con về bảo đảm an toàn giao thông, lập lại trật tự vỉa hè… đã được chính quyền vào cuộc giải quyết khẩn trương”, bà Lưu Thị Thu, khu dân cư số 8, phường Khương Đình bày tỏ.
Trong hơn 10 năm làm cán bộ Mặt trận, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 1 (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) Đặng Thị Mai Hòa ít khi có ngày nghỉ trọn vẹn. Địa bàn có hơn 3.000 nhân khẩu nên bà Hòa cùng các thành viên trong Ban vừa tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách pháp luật, vừa gây dựng phong trào của địa phương ngày càng phát triển. Nhờ đó, năm 2020, nhân dân của khu dân cư đã quyên góp ủng hộ công tác xã hội được hơn 60 triệu đồng. “2020 là năm đầu tiên khu dân cư số 1 và số 2 cùng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hoạt động như hội chợ, ca nhạc, tặng sách… Đây không chỉ là cơ hội cho bà con thêm gắn kết với nhau mà còn là dịp để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo phường, cùng xây dựng địa phương ngày càng phát triển”, ông Lê Thanh Bình, khu dân cư số 1, phường Vĩnh Phúc cho biết. Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phúc Phạm Thị Thu Hường nhận xét: “Những cán bộ Mặt trận như bà Đặng Thị Mai Hòa thực sự là “cầu nối” giữa cấp ủy Đảng với nhân dân”.
Tạo động lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ
Hiện toàn thành phố Hà Nội có hơn 4.700 Ban Công tác Mặt trận, mỗi Ban có 5-9 thành viên. Hoạt động của các Ban Công tác Mặt trận luôn được đổi mới trên nhiều lĩnh vực. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ Nguyễn Thục Lương, quận có 89 Ban Công tác Mặt trận, trong đó, 87% vị trí Trưởng ban kiêm Bí thư Chi bộ. Đây là lợi thế để các Ban Công tác Mặt trận làm tốt hơn việc nắm bắt kịp thời, đầy đủ tình hình địa bàn dân cư.
Còn Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm nhận xét: “Cán bộ các Ban Công tác Mặt trận trên địa bàn huyện đã góp phần củng cố lòng tin của người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền. Đặc biệt, trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, cán bộ Mặt trận cơ sở đã, đang và sẽ phát huy vai trò để góp phần làm nên thành công chung”.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tiếp tục hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Các địa phương tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ cho Ban Công tác Mặt trận, đồng thời tham mưu, kiến nghị cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích, tạo động lực để Ban Công tác Mặt trận thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình”.
Cũng với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mê Linh Lê Đình Khoát cho hay: “Huyện Mê Linh sẽ tập huấn để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhất là cho các Trưởng ban Công tác Mặt trận để đội ngũ này có bản lĩnh và khả năng thuyết phục, vận động nhân dân”.
Với việc tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm, tự giác tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn Thủ đô đã, đang khẳng định vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần vun đắp tình làng nghĩa xóm, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/994085/cau-noi-giua-dang-voi-nhan-dan