'Cầu nối' giữa ý Đảng với lòng dân
LTS: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang đến gần, cũng là thời điểm nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV dần khép lại. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, với trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết và khao khát cống hiến, Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đã thực hiện tốt sứ mệnh của cơ quan và người đại biểu dân cử, là 'cánh tay nối dài' giữa cử tri và Quốc hội.
New Page 1
Bài 1: Hồ Ka Pét – Ấm lòng người dân vùng khô hạn
Qua nhiều nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận đã tính toán giải pháp giải quyết nước cho huyện Hàm Thuận Nam, cuối cùng thống nhất chủ trương đầu tư hồ chứa nước Ka Pét. Nhận thấy nhu cầu bức thiết và sự mong mỏi của người dân, tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tha thiết đề nghị và được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao nhất.
Hành trình lo nước…
Bình Thuận là một trong những tỉnh vốn ít mưa, nhiều nắng, khô hạn nhất nước nên sản xuất nông nghiệp trong tỉnh còn bấp bênh. Năm nào nông dân cũng bị thiệt hại do nắng hạn và hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Riêng Hàm Thuận Nam cơ bản là huyện thuần nông, có diện tích cây thanh long gần 15.000 ha, chiếm 1/2 diện tích thanh long toàn tỉnh. Do đó, huyện luôn bức thiết về nguồn nước tưới cho cây trồng. Từ sau ngày giải phóng đến nay, được sự hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực tối đa của tỉnh, Hàm Thuận Nam đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp 23 hồ, đập thủy lợi nhỏ và vừa nhưng chỉ tưới được 13,5% diện tích canh tác toàn huyện. Cho nên cứ đến cao điểm nắng hạn, Hàm Thuận Nam lại gồng mình ứng phó. Trước thực trạng đó, việc đầu tư phát triển thủy lợi cho Hàm Thuận Nam là rất bức thiết. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận qua nhiều nhiệm kỳ đã tính toán nhiều phương án, nhiều giải pháp để giải quyết nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho huyện Hàm Thuận Nam; cuối cùng thống nhất chọn chủ trương đầu tư hồ chứa nước Ka Pét với dung tích trên 51 triệu m3 nước.
Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: “Nhiệm vụ phát triển thủy lợi luôn là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Thuận từ trước đến nay và cả sau này. Tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tôi thay mặt lãnh đạo và cử tri tỉnh gửi lời cảm ơn Quốc hội, Chính phủ đã chia sẻ về những khó khăn của tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương đầu tư hồ chứa nước Ka Pét”. Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã trình và được Quốc hội, Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nổi lên là phải chuyển mục đích sử dụng 680 ha rừng để xây dựng hồ, trong đó có 162 ha rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Qua báo cáo khảo sát của Phân viện điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ thì diện tích này được xác định là rừng trung bình, không có loài thực vật rừng phải được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác và không có động vật hoang dã phải quản lý, bảo vệ theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Thực tế, 162 ha rừng đặc dụng bị mất chiếm 0,68% tổng diện tích rừng đặc dụng và nằm ở rìa của khu bảo tồn. Từ đó cho thấy không ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học của rừng đặc dụng.
Trước nhu cầu bức thiết của nhân dân và sự tha thiết đề nghị của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thanh Cảnh, Quốc hội khóa XIV đã ủng hộ và thông qua Nghị quyết 93 về chủ trương đầu tư hồ chứa nước Ka Pét với sự đồng thuận cao nhất. Dự án có tổng mức đầu tư 585,647 tỷ đồng, dự kiến thời gian thực hiện là 5 năm từ 2019 – 2024. Dự án gồm các hạng mục như: đấu thầu khai thác tận thu lâm sản trong lòng hồ, trồng và nghiệm thu rừng thay thế, xây dựng 2 hệ thống kênh cho khu tưới Hàm Cần và khu tưới Mỹ Thạnh.
Hồ Ka Pét – món quà to lớn
Bao năm qua, người dân xã Hàm Cần – huyện Hàm Thuận Nam luôn đối mặt với tình trạng “đồng khô, người khát”, khi đa phần người dân chỉ biết tận dụng nguồn nước mưa để phục vụ canh tác nông nghiệp. Chính vì vậy, khi nghe thông tin về Dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội khóa XIV thông qua vào cuối năm 2019, người dân xã này rất phấn khởi. Bà Mang Thị Nuôi – xã Hàm Cần nhớ lại: “Ngày nghe tin Quốc hội cho chủ trương đầu tư hồ Ka Pét, không chỉ tôi mà người dân trong xã ai cũng vui mừng, háo hức lắm. Ước mơ có nguồn nước tưới cho cây trồng của người dân đang dần hiện hữu. Rồi đây, những mảnh ruộng khô khốc bị bỏ hoang sẽ được thay thế bởi những cánh đồng xanh mát”. Chỉ tay về phía con đường đất gồ ghề, lởm chởm đá sỏi, bà Nuôi quả quyết không lâu nữa nơi đây sẽ là con kênh nước trong xanh chảy quanh năm. Niềm tin về những mùa vàng bội thu, về cuộc sống no đủ của bà con nơi đây không còn xa nữa…
Theo tìm hiểu, công trình thủy lợi hồ chứa nước Ka Pét được đưa vào quy hoạch khá sớm nhưng có thời gian chuẩn bị đầu tư lâu nhất với hơn 20 năm. Thời điểm này, dự án đã hoàn thành giai đoạn Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Là công trình thủy lợi đa mục tiêu, sau khi hoàn thành sẽ góp phần rất quan trọng giúp huyện Hàm Thuận Nam phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững hơn, đáp ứng sự mong đợi từ lâu của nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Cụ thể, cấp nước tưới cho 7.762 ha ở Mỹ Thạnh, Hàm Cần; bổ sung nước tưới cho khu tưới 745 ha của kênh Sông Linh – Cẩm Hang; điều tiết bổ sung nước cho diện tích 1.000 ha thuộc khu tưới của hồ Ba Bàu; tiếp nước để tưới mở rộng cho khu tưới của hồ sông Móng. Bên cạnh đó, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II với khoảng 2,63 triệu m3/năm; cấp nước thô cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết. Ngoài ra, hồ chứa nước Ka Pét khi hoàn thành sẽ trung chuyển nước từ hồ La Ngà 3 sang lưu vực sông Cà Ty với lưu lượng 8,3m3/s (khi hồ La Ngà 3 hoàn thành); cắt giảm đỉnh lũ trên sông Cà Ty và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái.
Có thể thấy, dự án hồ chứa nước Ka Pét là món quà vô cùng ý nghĩa mà Quốc hội, dưới sự nỗ lực của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV, dành cho người dân vùng khô hạn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; nhất là tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Không chỉ vậy hơn 2 thập kỷ qua, dự án là tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của cử tri huyện Hàm Thuận Nam nói riêng, Bình Thuận nói chung. Với việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng hạn và phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Hàm Thuận Nam và vùng phía nam tỉnh.
THU HÀ