'Cầu nối' giữa ý Đảng với lòng dân
Những ngày này, khi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần; toàn dân lại bồi hồi xúc động nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân'. Chúng ta tin tưởng, kỳ vọng tại nghị trường Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tỉnh sẽ xứng đáng là đại diện của hơn 1,3 triệu dân Bình Thuận để hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
New Page 1
Bài 1: Hồ Ka Pét – Ấm lòng người dân vùng khô hạn
Bài 2: Làm tốt trọng trách của người đại biểu dân cử
Kỳ vọng của cử tri
Ngày hội lớn của đất nước (23/5) đang đến gần cũng là lúc mỗi cử tri nên suy nghĩ để lựa chọn bầu ai thật sự xứng đáng là đại biểu dân cử. Cử tri rất mong muốn và kỳ vọng vào những đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XV, mở đầu nhiệm kỳ đúng vào năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Trước thềm bầu cử, nhiều cử tri đã có những ý kiến tâm huyết gửi tới các ứng cử viên ĐBQH khóa XV. Cử tri Nguyễn Hữu Công – khu phố 2 – phường Đức Long, TP. Phan Thiết bày tỏ suy nghĩ về các ứng cử viên ĐBQH khóa XV với tuổi đời còn trẻ nhưng có học thức cao và tâm huyết; cử tri kỳ vọng sẽ được đón nhận một “làn gió mới”, tình cảm mới với những đổi thay trên mảnh đất Bình Thuận. Cử tri Nguyễn Hữu Công gửi gắm: “Tôi mong muốn nếu vị nào trúng cử vào đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm kiến nghị những chính sách cho ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ, chính sách đền bù đất đai”.
Đối với cử tri Nguyễn Thị Thu Thủy - khu phố 3, phường Mũi Né – TP. Phan Thiết cho rằng, hiện nay, việc làm đang là một vấn đề bức xúc trong xã hội. Qua kỳ bầu cử này, với sự tham gia của rất nhiều ứng viên trẻ tài năng, bà hy vọng rằng, các đại biểu trúng cử sẽ quan tâm nhiều hơn tới những chính sách liên quan tạo thêm việc làm cho người lao động, quan tâm thiết thực cho trẻ em nghèo lang thang cơ nhỡ, lao động sớm. Còn cử tri Nguyễn Tấn Thịnh – khu phố 3, phường Hàm Tiến – TP. Phan Thiết mong muốn các ứng cử viên trong vai trò, nhiệm vụ của mình, cần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng; bảo đảm môi trường sống xanh, sạch cho nhân dân; tiếp tục chỉnh trang đô thị đặc biệt là dự án cải tạo 2 bên bờ sông Cà Ty. Cử tri phường Đức Long, xã Tiến Thành và Tiến Lợi – TP. Phan Thiết mong muốn ứng cử viên khi trúng cử sẽ đề xuất với các bộ, ngành, trung ương tiếp tục quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và TP. Phan Thiết nói riêng như: Khu du lịch quốc gia Mũi Né, Nghị định 51 về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Cảng hàng không Phan Thiết, tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam. Đồng thời, kiến nghị chính sách đầu tư, mở rộng QL55 để kết nối hiệu quả liên vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên; đề xuất giải pháp kiềm chế hiệu quả đại dịch Covid–19...
Khát khao cống hiến
Bình Thuận nổi tiếng với nắng, gió và cát trắng. Những đặc sản này là thế mạnh của tỉnh nhưng cũng chưa phải là điều kiện thuận lợi lắm để Bình Thuận bứt phá phát triển trong suốt nhiều thập kỷ qua. Hơn thế, tỉnh đã và đang ra sức tháo gỡ các “điểm nghẽn”, những khó khăn xoay quanh vấn đề quy hoạch titan hay xử lý tro xỉ và môi trường tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết; vấn đề xâm thực bờ biển… Bên cạnh đó, Bình Thuận nổi tiếng với bãi biển đẹp dài 192 km có thể khai thác quanh năm. Tiềm lực lớn này nếu được phát huy, khai thác tốt để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ là động lực để Bình Thuận phát triển hơn nữa, từ đó đời sống nhân dân sẽ khá và giàu lên. Những khó khăn, “điểm nghẽn” và tiềm năng chưa được phát huy hiệu quả cũng chính là trăn trở, suy tư của các ứng cử viên ĐBQH khóa XV.
Có thể thấy, Bình Thuận đã và đang trên đà phát triển với nhiều thời cơ mới từ chủ trương chính sách chung. Đó là việc tổ chức triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là thời cơ để định hình lại chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, sự kiện Bộ Quốc phòng tổ chức lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai xây dựng dự án Cảng hàng không Phan Thiết; Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 51 về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia sẽ tạo cơ hội mới, giúp tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đây vừa là thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi đại biểu dân cử chung tay hiến kế để giải quyết hiệu quả nhằm phát huy tốt các nguồn lực để phát triển bền vững.
Bằng nhiệt huyết và trách nhiệm, các ứng cử viên ĐBQH luôn khát khao cống hiến, đóng góp tiếng nói tại nghị trường Quốc hội để giải quyết kịp thời, thấu đáo những vấn đề trọng đại của đất nước nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng. Từ đó, góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh. Trong đó, với từng đại biểu nếu được trở thành người đại biểu dân cử, các ứng cử viên trong Đoàn ĐBQH khóa XV sẽ tích cực kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị với Quốc hội để xây dựng các cơ chế chính sách, nguồn lực, nhằm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Bình Thuận như việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản; có chiến lược kè bảo vệ bờ biển, chống xâm thực, bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Mặt khác, kiến nghị với Bộ Công thương và Chính phủ trong dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sắp tới làm thế nào để tăng cường công suất nguồn của các nguồn năng lượng tái tạo, để đảm bảo phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường và trong đó Bình Thuận lại có thế mạnh về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi.
Ông Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: “Trở thành ĐBQH là một vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề trước cử tri và nhân dân. Do đó, nếu trúng cử ĐBQH, tôi xin hứa với toàn thể cử tri sẽ cùng với các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị đến Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương những khó khăn vướng mắc của tỉnh Bình Thuận. Ví dụ như chính sách đền bù đất đai, chính sách cho ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ, chính sách phục vụ cho nông nghiệp, chính sách thủy lợi, việc làm…”.
Chủ nhật - ngày 23/5, cử tri sẽ được cầm trên tay lá phiếu đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng tại nghị trường Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tỉnh sẽ xứng đáng là đại diện của hơn 1,3 triệu dân Bình Thuận để hiện thực hóa khát vọng đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.