Cầu nối nhiệm kỳ
Kỳ họp 11 - kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV không chỉ có ý nghĩa tổng kết nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa 'mở đầu' cho giai đoạn mới với việc thực hiện kiện toàn nhân sự tại các cơ quan nhà nước.
Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói trong phát biểu khai mạc, đây là kỳ họp mang tính cầu nối, góp phần vào việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Theo chương trình được Quốc hội thông qua, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành… Tổng số nhân sự bộ máy nhà nước được kiện toàn như lời Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói tại cuộc họp báo giới thiệu nội dung chương trình kỳ họp là khoảng 25 người.
25 lãnh đạo mới, cùng với các lãnh đạo bộ máy nhà nước đương nhiệm không chỉ có trách nhiệm kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được mà còn phải giữ vững “mái chèo” để đưa con tàu Việt Nam tiếp tục “vượt qua hải trình dồn dập bão tố”, và “hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Muốn thế, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bộ trưởng, trưởng ngành được bầu và phê chuẩn tới đây, không được chủ quan, thỏa mãn, hài lòng với “lá phiếu tín nhiệm”, chức tước, hay những gam “màu hồng” đạt được. Lãnh đạo mới phải là những con người luôn trăn trở, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, và sáng tạo để khắc phục những hạn chế, bất cập được nêu ra trong các báo cáo của Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Đó là tình trạng bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh. Công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng. Chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch còn nhiều lúng túng, hạn chế, quy hoạch nguồn nước chưa làm tốt. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm. Một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, tội phạm hình sự, ma túy…
Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, “con tàu Việt Nam” đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia.
Song như Thủ tướng nói, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã vượt qua và đạt được nhiều thành tích quan trọng. Đây là sẽ là bài học quan trọng để các cơ quan nhà nước tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và hướng tới những mục tiêu, khát vọng xây dựng quốc gia Việt Nam trở nên giàu mạnh hùng cường vào giữa thế kỷ 21.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cau-noi-nhiem-ky-post1322856.tpo